Dịch Hại Tấn Công Lúa Hè Thu Nông Dân Khốn Đốn
Chỉ còn 2 tuần nữa, lúa hè thu sẽ chính thức bước vào vụ thu hoạch. Thế nhưng hiện giờ, hàng loạt diện tích lúa ở huyện Nghĩa Hành có nguy cơ thất thu, thậm chí mất trắng do bị dịch hại đột ngột tấn công ở giai đoạn cuối…
Có mặt tại cánh đồng thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh vào chiều 11.8, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn những ruộng lúa đã chắc hạt xanh bị cháy khô, chết dần chết mòn vì bệnh thối thân (còn gọi là bệnh chết cây).
Điều quan ngại là hiện giờ, bệnh thối thân đang lây lan với tốc độ rất nhanh khi mà chỉ trong vòng 3 ngày (từ 9 - 11.8), nó đã gây hại trên 80ha lúa, trong đó có 20ha bị nhiễm nặng và có nguy cơ mất trắng.
Ấy nên khi chỉ vào đám lúa 1 sào đã và đang cháy khô, bà Nguyễn Thị Hồng Vân nói buồn: “Mới hôm qua cây lúa còn xanh, hạt chắc đều. Vậy mà giờ nó đã khô quắt, giòn như rạ hai nắng; còn hạt thì lép đen.
Nhìn mà đau”. Còn người hàng xóm Bảy Minh thì thẫn thờ khi nhìn đám lúa 3 sào của mình bỗng dưng…hóa rạ chỉ sau hai ngày phát bệnh thối thân! “Thấy lúa trổ đều, tui tưởng vụ này trúng. Ai ngờ lại ra nông nỗi này, trồng lúa nhưng thu rạ…”, ông Minh nói như than.
Cùng với bà Vân, ông Minh thì hiện giờ, hàng trăm hộ dân có ruộng ở các cánh đồng xã Hành Minh cũng đang lo lắng, phập phồng như đang ngồi trên đống lửa vì bệnh thối thân ở lúa tiến triển rất nhanh, khiến cây lúa rụi khô trong vòng 2 - 3 ngày.
Đã thế, theo Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Nghĩa Hành Hồ Duy Khanh thì “việc khống chế dịch bệnh giai đoạn này chỉ mang tính tác động hạn chế. Bởi khi bệnh đã lây lan, các loại thuốc phòng trừ dường như vô hiệu. Biện pháp duy nhất để kìm hãm tốc độ phát triển và lây lan của bệnh là phải giữ nước trong ruộng”.
Vì lẽ đó nên Trạm BVTV huyện đã làm việc với Trạm Quản lý thủy nông số 4, đề nghị đơn vị này khẩn trương dẫn nước về những cánh đồng có lúa bị nhiễm bệnh, nhưng đến chiều ngày 11.8, ruộng vẫn khô quắt.
Ngoài ra, điều khiến người dân băn khoăn là vì sao bệnh thối thân chỉ gây hại mạnh trên giống lúa Hoa Khôi 4, còn các loại khác dường như “miễn nhiễm”.
Bằng chứng là dù bị bao quanh bởi các đám lúa cháy do bệnh thối thân, nhưng những ruộng lúa như giống Hương Thơm vẫn bình yên vô sự. Cũng theo phản ánh của người dân thì đây là lần đầu tiên, họ sử dụng giống lúa Hoa Khôi 4 để gieo sạ. Bởi “tôi nghe nói giống này cũng tốt, mà lại được UBND xã cấp nên yên tâm sạ thử. Ai ngờ…”, bà Vân bỏ lửng câu nói.
Trong khi bệnh thối thân đang hoành hành trên khắp cánh đồng ở xã Hành Minh thì, nông dân các xã Hành Dũng, Hành Đức, Hành Phước… cũng khốn đốn với rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn và nhện gié với gần 140 ha lúa bị hư hại.
Đặc biệt, tại xã Hành Dũng, các loại dịch hại trên đã khiến hàng loạt diện tích lúa ở đây bị cháy, tỷ lệ dảnh, lép hạt lên đến 40%; thậm chí nhiều vùng có nguy cơ mất trắng. Theo nhận định của Trạm BVTV huyện thì việc dịch hại, nhất là rầy nâu, rầy lưng trắng tấn công cây lúa ở giai đoạn chắc xanh với mật độ lên đến 3.500 con/m2 là việc bất thường.
Điều này cũng khiến người dân lúng túng khi thực hiện các biện pháp phòng trừ. Do đó hiện giờ, cùng với việc tuyên truyền, Trạm BVTV đã cử cán bộ bám sát đồng ruộng, nhất là vùng bệnh để hỗ trợ, giúp đỡ người dân phát hiện và xử lý kịp thời dịch hại, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Related news
Trưa 9-9, hàng chục lồng nuôi cá bớp trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu của bà con ngư dân đã chết hàng loạt.
Trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện Thăng Bình (Quảng Nam) vừa tổ chức hội nghị đầu bờ nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình sản xuất trình diễn giống lúa lai 3 dòng GS9.
Người dân nuôi sò huyết, hến vùng ven biển thuộc huyện An Biên, An Minh (Kiên Giang) đang phải đối đầu với nạn sâu biển.
Ngày 12-9, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai đã có buổi làm việc với Công ty Donafoods về quy hoạch vùng nguyên liệu điều đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Đồng Nai sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu điều tại 9 xã của 3 huyện Xuân Lộc, Định Quán và Trảng Bom với diện tích khoảng 11 ngàn hécta.
Đối với người dân trồng vải vải thiều ở tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng, cùng với biện pháp sản xuất vải thiều sạch an -toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, thì trị sâu đục cuống quả vải được coi là một khâu quan trọng nhằm hạn chế quả vải thiều dụng, góp phần quan trọng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm