Để Quýt Đường Thêm Ngọt
Hiện nay, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng giúp người dân thu được hiệu quả kinh tế cao. Xác định được tầm quan trọng đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án khoa học để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó, đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất và phẩm chất quýt đường ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang” do PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm.
Từ lâu, quýt đường là một trong những loại cây có múi nổi tiếng ở Hậu Giang, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhà vườn. Tuy nhiên, một bộ phận người dân chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nên năng suất thu được chưa cao. Do đó, chưa khai thác hết tiềm năng của loại cây trồng này.
Chính vì vậy, việc thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất và phẩm chất quýt đường ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang” là việc làm hết sức có ý nghĩa, góp phần nâng cao năng suất của loại cây trồng vốn mang nhiều giá trị kinh tế này. Từ đó, tăng thêm thu nhập cho người trồng quýt.
Là một trong những hộ dân gắn bó lâu năm với cây quýt đường, ông Trần Minh Đông, ở ấp Phương Bình, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Lúc trước gia đình tôi đã đầu tư không ít vào vườn quýt đường và tốn nhiều thời gian chăm sóc, nhưng năng suất thu được chỉ khoảng 3 tấn/công. Tuy nhiên, kể từ khi ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, năng suất tăng lên khoảng 3,5 tấn/công.
Do đó, gia đình tôi rất phấn khởi”. Khi tham gia đề tài này, gia đình ông Đông được hỗ trợ phân hữu cơ bón cho vườn quýt đường. Kết quả, vườn quýt đường của ông phát triển tốt và cho trái xum xuê. Theo kinh nghiệm của ông Đông, sau khi bón phân hữu cơ, nhà vườn cần thường xuyên tưới nước để cây có điều kiện hấp thu các chất dinh dưỡng, có như vậy sẽ góp phần tăng năng suất cây trồng.
Trong quá trình triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác cho người dân. Bên cạnh đó, còn hướng dẫn nhà vườn kỹ thuật tỉa cành, tạo tán không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, mà còn để quýt phát triển tốt. Chính sự hướng dẫn tận tình của nhóm nghiên cứu đã giúp người dân nơi đây thu được hiệu quả cao trong quá trình canh tác.
Ông Lê Thanh Tự, ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Được sự hướng dẫn của nhóm nghiên cứu, hiện nay nhà vườn chúng tôi đã biết cách bón phân cân đối, cộng thêm sử dụng phân hữu cơ để bón cho vườn nên tiết kiệm được chi phí sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi còn áp dụng các biện pháp tổng hợp vào canh tác để hạn chế sâu bệnh gây hại. Từ đó, nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Được biết, trước đây ông Tự chủ yếu sử dụng phân hóa học để bón cho vườn quýt đường của mình. Nhưng kể từ khi được nhóm nghiên cứu hướng dẫn, ông đã thay đổi thói quen canh tác làm quen với phân hữu cơ. Kết quả, sau thời gian bón phân, vườn quýt đường phát triển rất tốt.
Cũng theo ông Tự, trong điều kiện canh tác như hiện nay, phân hữu cơ rất cần thiết đối với vườn cây ăn trái, nhằm giúp cây tăng năng suất, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Đồng thời, cải tạo độ phì nhiêu của đất, giúp các vi sinh vật trong đất có điều kiện phát triển. Do đó, rất có lợi đối với vườn cây ăn trái. Vì vậy, ông Tự quyết định sẽ tiếp tục sử dụng phân hữu cơ, hạn chế phân hóa học nhằm thu được hiệu quả cao trong quá trình sản xuất.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp đánh giá, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác đã giúp người dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Vì vậy, thời gian tới địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Đồng thời, khuyến khích nhà vườn tham gia mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất và phẩm chất quýt đường.
Có thể thấy, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân. Trên cơ sở đó sẽ giúp người dân gia tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Với những hiệu quả thu được, tin rằng, mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất và phẩm chất quýt đường ở Phụng Hiệp sẽ ngày càng phát triển…
Related news
Ở ĐBSCL, cá tra, tôm nước lợ là hai mặt hàng thủy sản XK chủ lực. Qua 3 tháng đầu năm 2015, tín hiệu từ vùng nuôi và thị trường XK không lạc quan như mong đợi.
Ban chỉ đạo điều tiết nước tỉnh Bạc Liêu vừa thông báo lịch điều tiết nước 15 ngày đầu tháng 5. Việc mở, đóng cống ở vùng mặn và vùng ngọt nhằm trữ nước ngọt phục vụ sản xuất lúa hè thu, bảo đảm nước mặn cho vùng nuôi tôm phía Bắc Quốc lộ 1A.
Hộ nuôi tôm ở huyện Tuy An (Phú Yên) gặp nhiều khó khăn khi tôm nuôi bị dịch bệnh trên diện rộng. Các cơ quan chuyên môn ở huyện Tuy An cho biết, tình trạng dịch bệnh xảy ra gây hại trên tôm nuôi vụ I/2015 ở địa phương này đã và đang diễn biến khá phức tạp.
Hiện sản lượng đánh bắt thủy sản của Quảng Ngãi đã lên tới 4.000-5.000 tấn, đạt được khoảng 40% kế hoạch đánh bắt cả năm. Thời điểm này, những đoàn tàu đánh cá xa bờ của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trở về sau hàng tháng trời khai thác trên biển khơi. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên bà con ngư dân đánh bắt được nhiều loại thủy sản, giá bán cao.
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận tại Công văn số 781/SNN-TS ngày 14/4/2015 về việc đề nghị cấm nghề cào Banh lông trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau: