Đẩy Mạnh Phát Triển Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Ở Cà Mau
Những năm qua, nhất là kể từ sau khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) trong toàn tỉnh Cà Mau không ngừng tăng lên.
Năm 2010 diện tích đạt gần 1.030 ha; năm 2011 đánh dấu năm đầu tiên có tốc độ tăng diện tích nuôi tôm QCCT vượt bậc, diện tích tăng lên hơn 10.000 ha.
Đến năm 2012, mặc dù gặp những khó khăn chung trong nuôi tôm, diện tích nuôi tôm QCCT vẫn tiếp tục tăng lên gần 22.000 ha. Phát triển nuôi tôm QCCT góp phần đáng kể trong việc tăng sản lượng tôm nuôi, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Ưu tiên đầu tư phát triển
Tỉnh đã có chủ trương, nghị quyết và ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển nuôi tôm QCCT cũng như định hướng phát triển, xác định nuôi tôm QCCT là ưu tiên hàng đầu hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Sở NN&PTNT đã xây dựng chương trình kế hoạch, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện và chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý sản xuất để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra.
Đối với nuôi tôm QCCT thì đầu tư kết cấu hạ tầng không đòi hỏi vốn quá lớn so với đầu tư nuôi tôm công nghiệp, chỉ đầu tư cho công tác thuỷ lợi phục vụ cấp thoát nước. Quy trình kỹ thuật canh tác, quản lý, chăm sóc đơn giản; rất nhiều người dân có thể ứng dụng vào sản xuất.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm QCCT cho khoảng 70 - 80% nông dân nuôi tôm. Chất lượng tôm giống không đòi hỏi tiêu chuẩn quá cao, quá nghiêm ngặt như sử dụng cho nuôi tôm công nghiệp. Ít rủi ro xảy ra dịch bệnh, ít gây ô nhiễm môi trường, vì vậy đây được xem là mô hình sản xuất thân thiện môi trường, an toàn sinh học và đặc biệt là mang tính bền vững cao.
Vốn đầu tư phát triển sản xuất của mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến thấp hơn rất nhiều so với nuôi tôm công nghiệp (khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha) nên rất nhiều hộ nông dân có đủ điều kiện và khả năng để đầu tư phát triển sản xuất. Có thể phát triển nuôi ở nhiều vùng quy hoạch nuôi tôm trong tỉnh, kể cả nuôi ở những vùng quy hoạch sản xuất luân canh tôm - lúa, tôm - rừng.
Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm QCCT tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa hình thành những vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn. Đặc biệt, chưa xây dựng được mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để quản lý sản xuất mang tính cộng đồng, nhằm phòng ngừa lây lan dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật.
Công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế. Vì thế cần vận động nông dân tích cực chuyển đổi sản xuất, mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh sang quảng canh cải tiến. Hiện việc triển khai nhân rộng mô hình gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù có nhiều mô hình trình diễn đạt hiệu quả cao nhưng việc triển khai còn chậm, chưa có giải pháp cụ thể để nhân rộng, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra theo Đề án tôm - lúa. Nhiều người dân chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, còn mang nặng tư tưởng sản xuất theo kinh nghiệm dân gian.
Dịch bệnh trên tôm nuôi liên tiếp xảy ra, kể cả trong nuôi tôm QCCT, đến nay chưa có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả. Môi trường nước phục vụ cho nuôi tôm ngày càng có dấu hiệu ô nhiễm do người dân và các cơ sở sản xuất còn thiếu ý thức. Nước thải trực tiếp xả ra các dòng sông là nguyên nhân gây ô nhiễm chính, ảnh hưởng lớn đến sản xuất.
Giá cả vật tư, thức ăn đầu vào trong nuôi tôm ngày càng tăng; giá tôm nguyên liệu liên tục giảm gây bất lợi không nhỏ cho người dân nuôi tôm. Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, mưa trái mùa, nhiệt độ tăng cao, môi trường biến động gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến sản xuất.
Để mô hình phát triển bền vững
Chỉ tiêu kế hoạch phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến năm 2013 là 38.000 ha và đến năm 2015 là 55.000 ha. Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch này, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chuyển đổi sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Qua đó làm cho người dân nhận thức việc chuyển đổi là một quy luật tất yếu, vì trong quá trình phát triển sản xuất, đất đai, môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm; việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật là một giải pháp để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.
Tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các vùng nuôi tập trung quy mô lớn có sự tham gia, quản lý của cộng đồng trong việc phòng ngừa dịch bệnh. Qua đó nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, hình thành mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn dưới sự quản lý của các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội sản xuất…
Các địa phương cần quan tâm công tác chỉ đạo chuyển đổi sản xuất, thực hiện việc xây dựng các chương trình, kế hoạch và giải pháp cụ thể; phân công trách nhiệm cho từng đơn vị chuyên môn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch của các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ.
Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân; đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình có hiệu quả để người dân ứng dụng vào sản xuất. Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng con giống, thức ăn, vật tư phục vụ nuôi tôm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất một cách hiệu quả.
Phối hợp với các viện, trường, cơ quan nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thử nghiệm. Liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các mô hình hiệu quả để nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả trong nuôi tôm QCCT. Hỗ trợ nguồn vốn vay cho các hộ dân gặp khó khăn không đủ nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đầu tư phát triển sản xuất.
Related news
Theo ông Nguyễn Xuân Trương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hiện nay phong trào chăn nuôi ở xã đang phát triển mạnh về số hộ lẫn đàn vật nuôi, ngoài nuôi heo, gà... thì mô hình chăn nuôi dê đang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Giun (trùn) quế có chứa trên 8% axit, khi sử dụng làm thức ăn chăn nuôi giúp vật nuôi ăn khỏe, chóng lớn, ít bệnh tật, cho thịt thơm ngon hơn hẳn so với vật nuôi thông thường. Ngày càng có nhiều hãng sản xuất thức ăn công nghiệp quan tâm đưa bột trùn trộn vào thức ăn chăn nuôi để tạo sự khác biệt so với thức ăn thông thường, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Tận dụng lợi thế của một địa phương miền núi, với nhiều diện tích vườn cây ăn quả, đồi rừng, người dân xã Thành Kim (Thạch Thành - Thanh Hóa) đã phát triển nghề nuôi ong mật. Từ những hộ nuôi ban đầu cho hiệu quả kinh tế cao nên xã đã khuyến khích các hộ có điều kiện nhân rộng đàn ong.
Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho hay, trong 6 tháng của năm 2015, các doanh nghiệp trên địa bàn đã nhập khẩu gần 1,1 triệu tấn bắp. Để nhập khẩu lượng bắp trên, các doanh nghiệp phải chi ra gần 259 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước thì bắp nhập khẩu tăng gần 60% về lượng và 75% về giá.
Hàng chục triệu hộ chăn nuôi sẽ sống ra sao khi mà chỉ cần 10 doanh nghiệp nhập khẩu bò là đủ đáp ứng nhu cầu của hơn 90 triệu dân?