Đẩy Mạnh Chuyển Giao Khoa Học Kỹ Thuật Để Cứu Cây Ca Cao
Bến Tre là một trong những tỉnh có mức tăng trưởng về sản xuất ca cao khá ổn định. Sản xuất ca cao đã thật sự trở thành ngành hàng mới khi đã thu hút nhiều nông dân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, xuất khẩu.
Ca cao thích ứng tốt khi trồng xen trong vườn dừa ở nhiều vùng sinh thái khác nhau. Phẩm chất tự nhiên của hạt ca cao được đánh giá cao, có nhiều triển vọng tốt về mặt hiệu quả và thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Phân tích hiệu quả kinh tế của việc trồng xen ca cao trong vườn dừa, vườn cây trái cho thấy, dừa trồng độc canh giá trị sản xuất bình quân đạt 50 triệu đồng/ha/năm, chi phí 15 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 35 triệu đồng/ha/năm; dừa xen chanh giá trị sản xuất bình quân 80 triệu đồng/ha/năm, chi phí 25 triệu đồng, lợi nhuận 55 triệu đồng; dừa xen ca cao giá trị sản xuất bình quân 90 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 65 triệu đồng; dừa xen bưởi giá trị sản xuất 230 triệu đồng/ha/năm, chi phí 40 triệu đồng, lợi nhuận 190 triệu đồng.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, đến cuối năm 2012, tổng diện tích ca cao toàn tỉnh trên 10.687ha nhưng đến tháng 8-2013, diện tích ca cao giảm còn 7.342ha, do nhiều nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác.
Trong đó, TP. Bến Tre chỉ còn 168ha, Châu Thành 2.198ha, Giồng Trôm 1.146ha, Mỏ Cày Bắc 1.487ha, Mỏ Cày Nam 1.598ha, Chợ Lách 28ha, Thạnh Phú 189ha, Ba Tri 233ha, Bình Đại 303ha.
Vì sao diện tích ca cao bị sụt giảm đến mức báo động? Qua khảo sát tại các huyện, thành phố cho thấy, diện tích ca cao bị nhà vườn đốn bỏ diễn ra từ khoảng tháng 4 đến tháng 6 năm 2013, nhiều nhất là các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, TP. Bến Tre. Cao điểm nhất là từ cuối năm 2012 đến giữa năm 2013, khi giá thu mua ca cao đột ngột xuống thấp, chỉ còn khoảng 3.000 đồng/kg trái tươi.
Trong khi đó, nhiều loại cây trồng khác, nhất là bưởi da xanh giá lên rất cao, khoảng 60.000 đồng/kg nên nhiều hộ nông dân ào ạt đốn bỏ ca cao và một số cây trồng khác để chuyển sang trồng bưởi da xanh. Các xã Phú Vang, Vang Quới Đông (Bình Đại), nhiều hộ nuôi tôm nước mặn ngay trong khu vực trồng ca cao đã ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng, phát triển ca cao, một số bị chết nên nhiều diện tích bị sụt giảm đáng kể.
Một nguyên nhân khác cũng tác động không nhỏ trong sản xuất ca cao đó là một số hạn chế nhất định phát sinh trong quá trình trồng, như: Qui mô sản xuất nhỏ theo hộ gia đình, diện tích không tập trung, thiếu tính đồng bộ về lao động, chăm sóc, đầu tư, thị trường không ổn định, luôn chịu áp lực cạnh tranh với nhiều loại cây trồng khác.
Đây là một trong những thách thức lớn đối với nhà vườn. Nhiều nông dân tuy đã được tập huấn, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật nhưng vẫn còn nhiều hộ chưa áp dụng đúng theo qui trình kỹ thuật nên hiệu quả mang lại không cao, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cộng đồng, môi trường canh tác chung và xu hướng phát triển của Dự án.
Điều không thể phủ nhận là có thời gian nhiều địa phương còn trồng theo phong trào, chạy theo thành tích, bất chấp đất có trồng được hay không, hộ dân có tâm huyết trồng hay không với cơ chế hỗ trợ gần như cho không của Nhà nước về cây giống nên nhà nhà đều trồng, không tính đến việc đầu tư chăm sóc, áp dụng kỹ thuật. Hậu quả là hàng loạt diện tích ca cao bị chết, không phát triển, rồi bị đốn bỏ. Công tác quản lý giữa Ban điều hành và các địa phương chưa sâu sát, kịp thời trong chỉ đạo triển khai, thực hiện Dự án.
Mặc dù từ giữa năm 2013 đến nay giá bán ca cao đã tăng khá ổn định, trên 5.000 đồng/kg trái tươi nhưng tình trạng đốn bỏ ca cao để chuyển sang trồng nhiều loại cây trồng khác vẫn đang tiếp tục diễn ra. Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê tỉnh, hiện diện tích ca cao toàn tỉnh chỉ còn 5.184ha.
Theo ông Phan Văn Khổng - Trưởng Ban điều hành Dự án ca cao, để ổn định và phát triển diện tích ca cao trong thời gian tới, Dự án phát triển ca cao năm 2014 sẽ tiếp tục thực hiện theo phương thức phối hợp với Hội Cựu chiến binh phát triển mới 450ha ca cao trồng xen trong vườn dừa cho các hộ nông dân có điều kiện, tâm huyết, đăng ký tự đầu tư trồng mới với UBND xã.
Nhà nước sẽ hỗ trợ theo phương thức bằng tiền mặt 40% giá cây giống sau khi nghiệm thu thực tế tại vườn. Ban điều hành Dự án phát triển ca cao cũng đã có hướng dẫn thực hiện Dự án năm 2014.
Trong đó, Hội Cựu chiến binh huyện, xã phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện, xã tích cực triển khai tuyên truyền, vận động nông dân các xã đăng ký. Ban điều hành cũng đã giới thiệu 2 cơ sở có khả năng sản xuất cung ứng giống ca cao là ông Nguyễn Công Thành, ông Lê Phước Toàn ở Sơn Định (Chợ Lách).
Nhằm tiếp tục phát triển ca cao, Ban điều hành Dự án sẽ phối hợp đẩy mạnh hoạt động chuyển giao kỹ thuật để nông dân có điều kiện ứng dụng vào sản xuất, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất. Thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp tạo thị trường tiêu thụ, quan tâm kêu gọi sự tham gia liên kết của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ vốn cho các thành viên trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ ca cao.
Related news
Trang trại nuôi gà rừng của gia đình ông Lê Toái (xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) dần dần đã trở nên đông khách và thu hút rất nhiều hội viên Hội nông dân tham quan học tập bởi đặc điểm hết sức độc đáo so với gà nhà, với vóc dáng nhỏ bé, màu sắc khác thường và giá trị dinh dưỡng mang lại rất cao, được nhiều người ưa chuộng.
Những ngày này, tại một số cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nông dân đang tất bật các công đoạn bơm nước, ngâm ủ giống và đã bắt đầu xuống giống vụ lúa Đông xuân 2013-2014. Tuy nhiên, việc xuống giống lúc này của người dân cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết hiện nay.
Giá tiêu hiện ở mức khoảng 130.000-150.000 đồng/kg, tùy loại. Theo dự báo, giá tiêu có thể tăng thêm, bởi nhu cầu thế giới tăng, trong khi sản lượng tiêu ở các nước như Indonesia, Ấn Độ… đều giảm. Thế nhưng, niềm vui của người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh không được trọn vẹn bởi điệp khúc “được giá - mất mùa”.
Sở NN-PTNT Phú Yên đang triển khai mô hình cánh đồng mía mẫu tại 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh với tổng diện tích 40ha. Mô hình được áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đồng bộ từ các khâu làm đất, trồng, thu hoạch; sử dụng phân bón phù hợp với chất đất và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh phối hợp với xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) triển khai thí điểm mô hình sử dụng thùng nhựa ủ rác hữu cơ trong sinh hoạt hàng ngày chuyển hóa thành phân compost để bón cho cây trồng và bảo vệ môi trường.