Nông dân xã An Xuyên hiệu quả nuôi heo từ đệm lót sinh học
Nhạy bén với kỹ thuật
Nhanh nhạy với các tiến bộ kỹ thuật, anh Nguyễn Văn Xiếu, ấp 5, xã An Xuyên tìm hiểu và chọn mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học từ cải tạo chuồng nuôi heo sẵn có.
Anh Xiếu chia sẻ: Nguyên liệu làm chất độn là trấu và mùn cưa sẵn có ở địa phương. Ô chuồng 10m2 cần 30 bao trấu và 30 bao mùn cưa, khoảng 1kg cám và 1kg men sinh học. Với lượng nguyên liệu này tạo ra được lớp đệm lót dày 40cm…
Ðể bảo đảm phân được phân huỷ tốt và kéo dài tuổi thọ của đệm lót, mật độ thả heo 5 - 10 con/ô chuồng 10m2, tuỳ theo heo lớn hay nhỏ.
Ngoài ra, cần tạo cho heo thói quen thải phân, nước tiểu đều khắp ô chuồng; không để chuồng bị mưa hay nước từ vòi uống chảy xuống làm ướt đệm lót...
Sau 5 năm sử dụng, có thể dùng đệm lót này làm phân hữu cơ bán lại cho người trồng trọt.
Từ khoảng 1 triệu đồng để làm đệm lót ban đầu, sau khi sử dụng có thể bán được khoảng 400.000 - 500.000 đồng (20 bao) phân hữu cơ.
Nhờ sáng tạo trong cách ủ thức ăn chăn nuôi đã giúp người nuôi tiết kiệm chi phí khá lớn.
Ông Võ Văn Nhu, Bí thư Chi bộ ấp 5, bộ̣c bạch: Ða phần người dân ấp 5 sống ven tuyến Quốc lộ 63 nên ngoài việc nuôi tôm, bà con còn tranh thủ nuôi heo để làm kinh tế phụ.
Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh mở 2 lớp dạy nghề (nuôi tôm quảng canh cải tiến và nuôi heo bằng đệm lót sinh học) được bà con tham gia rất nhiệt tình. Toàn ấp có 170 hộ thì đã có 70 hộ nuôi heo, trong đó có 35 hộ nuôi theo mô hình mới này.
Ðệm lót sinh học được làm và vận hành đúng cách sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, giúp giảm công vệ sinh chuồng trại hằng ngày; giảm chi phí phòng trừ bệnh cho heo.
Heo không bị thối bàn chân hoặc què chân, lông da bóng mượt và sạch.
Ðặc biệt, nuôi heo theo mô hình này hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường (mùi hôi, ruồi, muỗi…).
Thực tế, từ mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học của anh Xiếu cho thấy: chi phí đầu tư ban đầu khoảng 1 triệu đồng/đệm lót 10m2, thời gian sử dụng khoảng 5 năm và giảm được 60% công lao động ở khâu dọn phân, tắm heo và rửa chuồng; giảm bệnh tật cho heo…
Với 2 đợt nuôi heo thịt đầu tiên, từ mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học, anh Xiếu tăng thêm lợi nhuận trên dưới 20% so với phương pháp nuôi heo truyền thống.
Ðặc biệt, cách làm và vận hành đệm sinh học không phức tạp, các hộ chăn nuôi ở quy mô lớn hay nhỏ đều áp dụng được.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Xuyên, cho biết: “Lớp học được bà con đồng tình cao do vừa học vừa làm tại hiện trường.
Ngoài ra, chúng tôi còn tranh thủ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để cho 8 hộ vay thực hiện mô hình (tổng vốn là 50 triệu đồng). Mô hình này đã thu hút sự chú ý tham gia của nông dân trên địa bàn xã”.
Không ngừng sáng tạo
Mới chỉ nuôi heo được 4 năm nay nhưng gia đình anh Nguyễn Thanh Hào, ấp 5 đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ðầu năm 2015, anh cho xuất chuồng 40 - 50 con heo thịt (mỗi con từ 80 - 90kg).
Anh không chỉ nhạy bén trong thực hiện mô hình nuôi heo bằng đệm lót sinh học mà còn nhạy bén trong tìm tòi, sáng tạo cách ủ thức ăn cho heo thay vì dùng thức ăn viên công nghiệp.
Anh Hào chia sẻ: Trước đây, với chuồng heo khoảng 40 con của gia đình, mỗi tuần ăn khoảng 4 bao thức ăn (giá 290.000 đồng/bao) thì nay anh tự chế thức ăn.
Tính ra, mỗi tuần anh tiết kiệm từ tiền thức ăn khoảng 400.000 đồng. Trong khi đó, cám tự trộn của anh cũng có cùng công thức dinh dưỡng và trọng lượng của heo cũng tăng đều đặn bình thường.
Ðã vậy, sức đề kháng còn cao hơn khi dùng thức ăn công nghiệp. Thức ăn tự chế của anh chỉ là cám, tấm và men hoạt tính. Công thức được anh truyền lại cho bà con cũng rất dễ làm: 1kg men hoạt tính trộn với 10kg cám và 95kg tấm.
Tấm đem ngâm 1 đêm, sau đó trộn cám và men rồi ủ thêm 1 đêm nữa. Như thế sẽ có được hơn 200kg thức ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng để heo tăng trọng lượng.
Từ cách làm này, chỉ tính riêng tiền thức ăn, 1 tháng gia đình ông tiết kiệm được từ 1 - 2 triệu đồng.
Với những cách làm sáng tạo, năng động trên, nhiều nông dân trong xã An Xuyên đang dần thích nghi với khoa học - kỹ thuật, từng bước ứng dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập.
Related news
Hơn một tháng qua, người nuôi cá điêu hồng ở Hợp tác xã (HTX) xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) phấn khởi vì cá điêu hồng được các thương lái thu mua với giá 40.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với tháng trước và nông dân lãi hơn 6.000 đồng/kg cá. Tuy nhiên, giá cá thường bấp bênh, dịch bệnh tăng, chất lượng con giống và môi trường là những vấn đề khiến người nuôi cá điêu hồng không an tâm.
Từ tháng 3 đến nay, hàu nuôi tại Long Sơn xảy ra hiện tượng chết kéo dài và hàng loạt nhưng chưa rõ nguyên nhân. Có người mất trắng cả tỷ đồng, có người còn chút vốn liếng muốn gầy lại đợt hàu sau nhưng không dám vì sợ rủi ro.
Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích tự nhiên là 529.488ha, trong đó diện tích nuôi tôm 266.000ha (chiếm 40% cả nước, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long).
Huyện Bát Xát hiện có 280,5 ha nuôi thủy sản. Trong đó, diện tích cá nước ấm trên 278 ha (gồm 17,3 ha nuôi thâm canh; 30,2 ha nuôi bán thâm canh; 111,3 ha nuôi quảng canh cải tiến và 119,73 ha nuôi theo hình thức quảng canh), tập trung chủ yếu ở các xã: Cốc San, Quang Kim, Bản Qua, thị trấn Bát Xát. Diện tích nuôi cá nước lạnh gần 2 ha, tập trung tại xã Y Tý và xã Dền Sáng.
Để giải quyết những tồn tại của ngành cá ngừ, giúp ngành này phát triển xứng với tiềm năng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Dự thảo Đề án tổ chức, khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Với đề án này, tỉnh Khánh Hòa sẽ là trung tâm giao dịch cá ngừ của cả nước.