Phát Triển Tiềm Năng Cây Ngô Trên Đồng Đất Thanh Hóa
Ngô là 1 trong 4 cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta. Hàng năm, diện tích trồng ngô của toàn tỉnh đạt khoảng 49.000 - 54.000 ha, với năng suất trung bình đạt khoảng 42 tạ/ha/vụ, sản lượng đạt hơn 200.000 tấn/năm.
Với những con số trên, hiện Thanh Hóa đang là tỉnh có diện tích trồng ngô và năng suất đứng thứ 2 trong toàn vùng Bắc Trung bộ. Hiện tại, cây ngô đang chiếm 10,8% trong diện tích đất nông nghiệp canh tác hàng năm, và chiếm 7% giá trị sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh.
Mặc dù đang chiếm vị trí không nhỏ trong ngành trồng trọt, song, theo như nhận định của các chuyên viên nông nghiệp tại nhiều cuộc hội nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đặc biệt gần đây nhất là cuộc họp về đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, chất lượng, hiệu quả do đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, thì việc sản xuất ngô trên địa bàn tỉnh ta hiện vẫn chưa phát huy hết tiềm năng cả về diện tích và năng suất.
Bởi lẽ, do nông dân vẫn còn xem nhẹ khâu chăm sóc ngô, hoặc chưa chăm sóc đúng cách, đúng thời điểm, nên năng suất ngô vẫn đạt thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Bên cạnh đó, do hầu hết diện tích trồng ngô đều được bà con nông dân thu hoạch theo hình thức thủ công, bảo quản tại nông hộ, nên tỷ lệ thất thoát còn nhiều, chất lượng sản phẩm chưa cao.
Ngoài những khó khăn trên khiến cây ngô trên địa bàn tỉnh chưa phát huy tối đa tiềm năng, theo phân tích thì hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có khoảng hơn 32.000 ha đất trồng lúa cho hiệu quả kinh tế thấp do điều kiện tưới tiêu khó khăn.
Nếu một phần diện tích đất trồng lúa này được chuyển đổi sang trồng ngô đi kèm với việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn, bởi lẽ cây ngô có đặc tính khỏe mạnh, sinh trưởng tốt trong điều kiện thiếu nước cũng như chịu được ngập úng.
Thực tế từ huyện Ngọc Lặc cho thấy, hệ thống thủy lợi của huyện gặp nhiều khó khăn, nhiều diện tích đất trồng lúa thuộc vùng khó tưới luôn trong tình trạng thiếu nước, năng suất thấp. Từ năm 2010, huyện đã chuyển một số diện tích đất trồng lúa khó tưới, năng suất thấp sang trồng các giống ngô chịu hạn, kèm theo đó là sử dụng phân viên nén và áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh để tăng năng suất.
Sau nhiều vụ sản xuất, những diện tích được chuyển đổi này đều đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,2 đến 1,5 lần so với trước kia. Bởi thế, huyện đã định hướng cho bà con nông dân trong huyện chuyển dần những diện tích đất sản xuất lúa khó tưới, năng suất thấp sang trồng ngô.
Trên cơ sở phân tích và kết quả thực tế tại nhiều địa phương trong tỉnh, Sở NN&PTNT đã có định hướng tăng diện tích gieo trồng ngô vụ đông và chuyển linh hoạt đất lúa sang trồng ngô, phấn đấu đến năm 2015 diện tích gieo trồng ngô của tỉnh sẽ đạt 60.000 ha (tăng 6.000 ha so với hiện nay), đến năm 2020 đạt 62.000 ha và sẽ tăng lên 72.000 ha năm 2025; năng suất tăng từ 42 tạ/ha như hiện nay lên 51 tạ/ha năm 2020 và tăng lên 55 tạ/ha năm 2025.
Cây ngô sẽ được bố trí trồng theo từng vùng. Đối với vùng ngô bãi ven sông, đất chuyên màu thuộc các huyện Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Yên Định, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc sẽ được trồng 3 vụ/năm, kèm theo đó là áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất; đồng thời xây dựng các cơ sở phơi sấy, chế biến tập trung để bảo quản chất lượng hàng hóa.
Đối với vùng ngô trên sườn đồi thấp và bán sơn địa thuộc vùng khó tưới ở các huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Bá Thước, Thọ Xuân, Thường Xuân sẽ được ưu tiên lựa chọn các bộ giống chống hạn, kèm theo đó là thời vụ, mật độ và các biện pháp thâm canh phù hợp để cho hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích ngô trên đất 2 lúa ở các huyện có điều kiện; đồng thời, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất nguồn ngô giống...
Theo ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng phòng trồng trọt, Sở NN&PTNT thì: Cùng với việc đẩy mạnh công tác thu hoạch và chế biến, nhất là khâu phơi, sấy để bảo đảm chất lượng ngô thương phẩm cần đưa các giống ngô lai, năng suất cao, thích hợp gieo trồng vụ đông vào sản xuất đại trà để tăng năng suất và sản lượng.
Đối với ngô vụ đông, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm né, tránh thiên tai, phát huy lợi thế về giảm chi phí để đạt hiệu quả sản xuất cao nhất.
Đưa vào gieo trồng một số loại giống ngô có khả năng trồng dầy, sinh khối lớn để làm thức ăn gia súc, nhất là cho trang trại chăn nuôi bò sữa tại các vùng được quy hoạch nuôi bò sữa; bố trí một phần diện tích nhất định tại các huyện gần đô thị để gieo trồng các giống ngô thực phẩm ăn tươi, như: ngô nếp, ngô đường... làm sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng...
Hy voång rằng, với sự định hướng đúng đắn của ngành nông nghiệp tỉnh nhà, cùng với các giải pháp sẽ được thực hiện đồng bộ, cây ngô sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh trên đồng đất tỉnh Thanh.
Related news
3 ha đất tại phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM được chủ đầu tư đào ao thả cá, trồng rau sạch, cây ăn trái, nuôi vịt, thỏ và có thêm cả sân bóng để tạo nên một nông trại cho thuê thu hút hàng nghìn khách đến trải nghiệm.
Bệnh sữa ở tôm hùm do vi khuẩn Rickettsia - like là tác nhân chính, ngoài ra còn do vi khuẩn V. fluvialis, V.alginolyticus và một số ký sinh trùng gây nên.
Sáng 16.11, khi Dân Việt tới cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Trường Phú - nơi vừa bị phát hiện trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi, Giám đốc công ty là Đoàn Văn Thênh đã bịt kín mặt và cho biết thấy rất mệt mỏi trong những ngày qua.
Tuy không nằm trong 20 xã điểm được tỉnh chỉ đạo đạt chuẩn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) trong năm 2015 nhưng bằng nhiều giải pháp phù hợp, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã cán đích trong tháng 10 vừa qua.
Đảm đương cương vị Phó Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), bà Lâm Thị Có “lăn xả” vào thực hiện nhiều việc cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, ND có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.