Đạo Ôn Gây Hại Trên Lúa Xuân
Thời tiết âm u kéo dài, độ ẩm không khí cao khiến bệnh đạo ôn phát sinh mạnh, gây hại đối với sự sinh trưởng của lúa xuân. Mặc dù các địa phương và bà con nông dân đã chủ động phòng trừ, song bệnh đạo ôn vẫn đang đe dọa lúa xuân...
Đạo ôn gây hại trên lúa xuân
Đã 1 tuần nay, bà Nguyễn Thị Tứ (thôn Liên Giang, Thạch Mỹ, Lộc Hà) đứng ngồi không yên vì mấy sào ruộng Xi23 của mình vừa bước vào thời kỳ đẻ nhánh rộ thì bị bệnh đạo ôn hoành hành. Bà Tứ cho biết: “Lúc đầu chỉ lốm đốm vài đám có hiện tượng khô ngọn, thế mà, chỉ mấy ngày sau, bệnh đã lan ra tất cả mấy sào ruộng.
Xót của lắm, tôi đã phun 3 lần thuốc rồi mà vẫn chưa ăn thua”. Từ ruộng bà Tứ, bệnh đạo ôn đã lây lan sang hơn 5 ha của 2 xóm Liên Giang và Hữu Ninh. Hôm chúng tôi đến, cả cánh đồng rộng lớn này gần như đã lem luốc, ngả vàng thành từng đám vì nhiễm đạo ôn và có ít nhất 500 m2 lúa bị cháy khô, lụi tàn. Tìm hiểu mới biết, thửa ruộng khởi phát bệnh có tiền sử bệnh đạo ôn.
Điều đáng quan tâm, chủ hộ sản xuất đã sử dụng giống tự để của năm trước (đã từng bị nhiễm bệnh) cho ruộng nhà. Ông Võ Tá Bình - Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức tập huấn, chỉ đạo bà con tiến hành cắt tỉa ngọn những diện tích có bệnh, đồng thời phun thuốc phòng trừ, nhằm cắt mầm lây lan.
Tuy nhiên, thời tiết vẫn tiếp tục mưa phùn, khiến cho việc phun phòng trừ bị gián đoạn và không có hiệu quả”. Được biết, ở Lộc Hà, Thạch Mỹ là xã duy nhất có lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn.
Thời gian qua, huyện Lộc Hà đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, tổ chức tập huấn về hướng dẫn nhân dân phòng trừ hiệu quả bệnh đạo ôn, không để lây lan rộng.
Vào thời gian này, bà con nông dân TP Hà Tĩnh cũng đang tranh thủ phun thuốc trừ bệnh đạo ôn cho đồng ruộng. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì cùng với Thạch Hà, TP Hà Tĩnh là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích nhiễm với 30 ha.
Ông Nguyễn Văn Bổng (Thạch Bình) cho biết: “Mấy ngày nay thăm đồng, tôi đã thấy có dấu hiệu của bệnh trên ruộng. Tuy đã phun thuốc phòng bệnh theo khuyến cáo nhưng rất khó vì trời mưa phùn kéo dài, thuốc không thể chống cự được sự lây lan của bệnh”.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 83 ha lúa xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn, phân bố ở các địa phương: TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Thạch Hà, Hương Sơn, TX Hồng Lĩnh, Đức Thọ. Tỷ lệ xuất hiện bệnh trung bình 5-7%, nơi cao 20-30%, đặc biệt, hiện tượng cháy đã xuất hiện tại Thạch Mỹ (Lộc Hà) và Thạch Sơn (Thạch Hà).
Ông Nguyễn Trí Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Bệnh chủ yếu phát sinh và lây lan trên bộ giống cũ như IR 1820, Xi 23, NX 30. Hiện nay, thời tiết âm u, thiếu ánh sáng, độ ẩm không khí cao là điều kiện để bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh gây hại và lây lan trên diện rộng.
Tuy bệnh xuất hiện vào thời điểm lúa đẻ nhánh chưa đáng lo ngại đến năng suất nhưng đây chính là nguy cơ nhãn tiền gây ra bệnh đạo ôn cổ bông. Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời thì bệnh đạo ôn cổ bông có thể gây thiệt hại nặng nề đến năng suất, thậm chí là mất trắng.
Tốt nhất, bà con nên thường xuyên thăm đồng, thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện. Tuyệt đối không được bón đạm hoặc các loại phân bón có chứa đạm, duy trì mực nước hợp lý trên ruộng, tiến hành phun thuốc diệt trừ khi bệnh mới xuất hiện”.
Tất nhiên, có cây trồng thì có sâu bệnh. Thế nhưng, những bài học thất bát dường như không làm nên những kinh nghiệm cho bà con nông dân ở nhiều địa phương. Việc cố tình sử dụng giống liền vụ đã bị nhiễm bệnh, gieo cấy không đúng quy trình, không đúng thời vụ hay tập quán bón thừa đạm chính là nguyên nhân trực tiếp khiến cho công tác phòng trừ sâu bệnh trở nên khó khăn, vất vả…
Related news
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, tính đến đầu tháng 7.2013, toàn tỉnh có 1.142,6ha/29.572ha mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng. Trong đó, phân theo mức độ hại như sau: 694,7ha nhiễm dưới 30%; 345ha nhiễm 30-70%; 102,9ha nhiễm trên 70%. Diện tích mì nhiễm rệp sáp bột hồng còn lại trên đồng là 1.095,6ha, trong đó có 648,7ha nhiễm dưới 30%; 344ha nhiễm 30-70%, 102,9ha nhiễm trên 70%.
Chỉ tính riêng số tiền mua thức ăn cho cá chẽm đã lớn nhưng chưa có người mua đã tốn của 100 hộ nuôi ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh số tiền khoảng 250 triệu đồng/ngày. Và không một ai biết được đến bao giờ mới bán được số cá nuôi trên.
Năm 2012 Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ triển khai mô hình trang trại vườn-ao-chuồng-rừng (VACR) tại hai xã Ba Tiêu và Ba Vinh. Mô hình này đã giúp hộ gia đình biết quản lý, sử dụng tiềm năng sẵn có tại địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Cty CP Dịch vụ kỹ thuật hậu cần nghề cá Biển Đông đang lập đề án vay vốn 776 tỷ đồng để đóng mới 33 tàu vỏ sắt.
“Giấc mơ” làm giàu từ chồn nhung đen của hàng chục hộ dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay thực sự đã kết thúc. Tiền mất, công sức bỏ ra “trôi xuống sông, xuống biển” và điều mà các hộ dân này nhận được là một bài học đắt giá. Đây cũng là vấn đề cần được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương nhìn nhận một cách toàn diện để đúc rút kinh nghiệm trong quá trình quản lý công tác chăn nuôi hiện nay.