Đánh Thức Tiềm Năng Cây Lê Ở Trà Lĩnh (Cao Bằng)
Lê Trà Lĩnh được các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng đánh giá có hàm lượng đường dinh dưỡng cao nhất so với các giống lê trong tỉnh. Cây lê được nhân dân huyện Trà Lĩnh trồng từ rất lâu đời, nhưng trải qua thời gian, cây lê gần như bị mai một, chỉ còn rải rác ở một số ít địa phương trong huyện.
Trước tình hình đó, từ năm 2003 - 2005, để bảo tồn nguồn quỹ gen giống cây lê, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với huyện Trà Lĩnh thực hiện Dự án “Phục tráng, bảo tồn và phát triển cây lê”.
Dự án hỗ trợ 5.000 cây lê giống cho các hộ dân ở các xã: Cao Chương, Xuân Nội, Quang Hán, Hùng Quốc trồng thử nghiệm. Triển khai thực hiện Dự án, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn kỹ thuật chiết, ghép, chăm sóc cây lê cho 50 cán bộ khuyến nông xóm, xã và một số hộ nông dân trong huyện.
Chọn những cá thể lê có nhiều đặc tính tốt để tiến hành ghép mắt cây lê trên gốc ghép là cây mác cọt để tạo giống; xây dựng mô hình trồng lê với diện tích 1 ha tại xã Cao Chương và thị trấn Hùng Quốc. Dự án đã bảo tồn được quỹ gen, cây lê trên địa bàn huyện phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao.
Đến năm 2012, huyện Trà Lĩnh phối hợp với Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, Hội Làm vườn tỉnh tiếp tục thực hiện Dự án; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, chiết ghép, trồng tạo tán, hỗ trợ phân bón để mở rộng phát triển cây lê địa phương và đưa cây lê giống Đài Loan vào trồng thử nghiệm.
Gia đình chị Triệu Thị Liên, xóm Nà Khoang, thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh), là một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình trồng lê thuộc Dự án "Phục tráng, bảo tồn và phát triển cây lê" của huyện Trà Lĩnh. Vườn lê của gia đình chị phát triển tốt, đang thời kỳ thu hoạch quả.
Nhìn những quả lê chín vàng, mọng nước, mùi vị thơm, ngọt, chị Liên vui vẻ cho biết: Lê là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, dễ tiêu thụ và cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2003, gia đình chị là một trong 3 hộ được huyện chọn thí điểm làm mô hình trồng cây lê, chủ yếu là giống lê địa phương và một số giống lê Đài Loan.
Tham gia thực hiện mô hình, chị được tập huấn kỹ thuật, trồng, chăm sóc, chiết ghép... Với 60 cây lê giống của Dự án đã được trồng và cho thu hoạch 3 năm nay, mỗi vụ lê, gia đình chị Liên thu khoảng 15 triệu đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây lê, với những kiến thức đã được tập huấn, chị Liên tiếp tục nhân giống mở rộng thêm diện tích trồng lê, đồng thời cung cấp giống cho bà con trong vùng.
Trung bình mỗi cây lê từ lúc trồng mất khoảng 7 - 8 năm mới cho thu hoạch, nhưng thời gian cây cho quả trên 50 năm; mỗi 1 ha lê có thể cho 150 tấn quả/vụ. Với giá bán như hiện nay từ 30.000 đồng - 40.000 đồng/kg, có lúc từ 40.000 đồng - trên 50.000 đồng/kg sẽ là nguồn thu nhập không nhỏ đối với nông dân.
Đại hội Đảng bộ huyện Trà Lĩnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định phát triển cây lê theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu đến năm 2015 trồng được thêm 30 ha.
Hiện nay, toàn huyện đã trồng được khoảng 40 ha cây lê, trong đó, khoảng 10 ha cho thu hoạch. Tuy nhiên, diện tích này chưa tập trung thành vùng chuyên canh, vẫn còn trồng rải rác tại các địa phương.
Ông Lưu Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Lĩnh cho biết: Huyện đã có định hướng trong thời gian tới tập trung huy động nguồn lực để phát triển cây lê. Mở rộng diện tích trồng giống lê địa phương, phối hợp với Hội Làm vườn tỉnh và các công ty giống để nhân tạo giống lê, đưa thêm giống lê Đài Loan vào trồng.
Đồng thời, chuyển đổi những vùng đất thiếu chủ động về nước, vùng đất trống, vùng trồng các loại cây hoa màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng lê, phát triển cây lê trở thành cây hàng hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Related news
Đang dạy ngon lành ở Trường Tiểu học Giai Xuân 1, đùng cái, ông Nguyễn Thanh Xuân, ấp Thới An B, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ xin nghỉ về làm vườn khiến bạn bè, đồng nghiệp ngỡ ngàng. Rồi ND Xuân trở thành tỷ và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích SXKD giỏi.
Chuyện thật như đùa này xảy ra ở nhiều vùng nông thôn tỉnh Phú Yên. Nhiều người dân đang khóc dở, mếu dở khi trồng cà dĩa nhưng khi thu hoạch thì không biết là trái cà gì.
Vụ mùa năm nay, người dân ở thôn Mịn To, xã Trù Hựu (Lục Ngạn- Bắc Giang) đã có nguồn thu bạc tỷ từ củ đậu. Chúng tôi về thăm cánh đồng thôn Mịn To đúng dịp bà con đang tất bật thu hoạch cây củ đậu để tiếp tục làm đất sản xuất vụ đông
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, tại các vùng nuôi tôm trong tỉnh, đã có 94,5 ha diện tích tôm bị dịch bệnh, tăng 61,1 ha so với cùng kỳ và chiếm 5% diện tích tôm thả nuôi toàn tỉnh. Trong đó, bệnh do vi-rút đốm trắng 21,5 ha và bệnh do môi trường 73 ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Hoài Nhơn và Tuy Phước.
Người chăn nuôi chưa kịp khôi phục lại đàn lợn do tin đồn về dịch tai xanh, bây giờ lại lao đao với thông tin về chất tạo nạc.