Đắng lòng vì ngô ngọt

Nhóm hộ gia đình ông Trần Đình Bình, HTX Thượng Phước, xã Triệu Thượng (Triệu Phong) đã được Công ty Cổ phần Tín Đạt Thành về tận nơi đặt vấn đề sản xuất giống ngô ngọt, trong đó doanh nghiệp cho nông dân tạm ứng trước 800 ngàn đồng/sào, hướng dẫn kỹ thuật và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm khi đến mùa thu hoạch.
Sau nhiều năm trồng ngô, đây là lần đầu tiên những nông dân như ông Bình được doanh nghiệp trực tiếp đến hợp đồng sản xuất, thu mua sản phẩm vì vậy ông và một số nông hộ chuyên trồng ngô ở vùng đông Giang Quang, HTX Thượng Phước đã ký hợp đồng sản xuất 2,8 ha ngô ngọt cho Công ty Cổ phần Tín Đạt Thành.
Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng trồng, chăm sóc và đến nay đã qua thời gian thu hoạch hơn nửa tháng, doanh nghiệp vẫn không về thu mua sản phẩm với lý do sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo ông Bình, khác với những giống ngô mà ông thường trồng trước đây, bắp ngô càng chín thì hạt càng già, càng chắc còn giống ngô ngọt này thành phần hạt ngô chủ yếu là đường và nước, không có tinh bột nên việc không thu hoạch đúng thời điểm khiến lượng nước trong hạt bốc hơi, hạt nhăn nheo. Giống ngô này quá ngọt, thị trường trong tỉnh cũng không quen tiêu thụ bắp tươi nên doanh nghiệp không thu mua thì nông dân cũng không bán ra ngoài được.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài HTX Thượng Phước, Công ty Cổ phần Tín Đạt Thành còn hợp đồng sản xuất với nhiều nông dân ở HTX Thủy Khê, xã Gio Mỹ (Gio Linh) và HTX An Mỹ, xã Cam Tuyền (Cam Lộ) với tổng diện tích gần 20 ha. Theo hợp đồng kinh tế mà Công ty Cổ phần Tín Đạt Thành ký kết với nông dân thì chất lượng sản phẩm khi thu hoạch là: bắp tươi, hạt đều, lớp áo dày, không sâu bệnh, còn râu ngô ở đầu quả và trọng lượng trung bình phải đạt từ 4 lạng/ quả bắp trở lên thì công ty thu mua với giá 4.000 đồng/kg.
Qua quá trình sản xuất, nông dân đã chăm sóc kỹ lưỡng nhưng diện tích ngô trên vẫn không thể đạt được kết quả như mong muốn ban đầu, ngô vẫn có những bắp to, bắp nhỏ và không phải quả nào cũng còn râu ngô đầu bắp. Tuy không có được 100% diện tích ngô đạt quy chuẩn nhưng cũng có từ 50 – 80% diện tích đạt yêu cầu nhưng dựa vào những cam kết trong hợp đồng, công ty đã không thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân (kể cả những quả bắp đạt quy chuẩn).
Với giá thị trường hiện nay, trung bình 1 ha ngô cho thu nhập từ 25 – 30 triệu đồng thì mặc dù được doanh nghiệp cho ứng trước 8 triệu đồng/ha nông dân trồng ngô ngọt vẫn mất trắng từ 17 - 22 triệu đồng/ha.
Ông Bình cho biết: “Nông dân chúng tôi thường lấy vụ trước nuôi vụ sau nhưng với vụ ngô ngọt thất thu như hiện nay chúng tôi không biết lấy đâu chi phí để tái đầu tư. Đặc biệt, doanh nghiệp không thu mua ngô cứ giữ lại trên ruộng thế này thì nông dân không có đất sản xuất. Sau 3 tháng bỏ tiền của, công sức đầu tư trên vùng đất bãi bồi màu mỡ giờ phải phá bỏ diện tích ngô không thu hoạch này thì chúng tôi lại tốn thêm chi phí.”
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết: “Việc doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân là vấn đề được khuyến khích trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, về giống ngô Sugar 75 mà Công ty Cổ phần Tín Đạt Thành hợp đồng sản xuất với nông dân một số vùng trong tỉnh thì đây là giống ngô mới, chưa được trồng thử nghiệm ở Quảng Trị và doanh nghiệp tự ý về hợp đồng trực tiếp với nông dân chứ không qua cơ quan chức năng, vì vậy chúng tôi đã không biết để tư vấn cho nông dân trước khi ký hợp đồng với doanh nghiệp nên xảy ra trường hợp đáng tiếc trên. Qua sự việc này, nông dân cần thận trọng khi lựa chọn giống cây trồng sản xuất, nhất là với những giống lạ, chưa qua thử nghiệm và không rõ nguồn gốc”.
Related news

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản lượng nhãn của Hưng Yên năm nay ước đạt khoảng 35.000 tấn, trị giá khoảng 300-400 tỉ đồng.

Thời gian gần đây, trên những trang quảng cáo của các báo và mạng Internet xuất hiện thông tin về một giống dừa tên gọi dừa xiêm dây siêu trái.

Theo kế hoạch năm 2015, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ thả nuôi 5.700 ha thủy sản các loại, trong đó có 4.100 ha nuôi tôm nước lợ. Tính đến cuối tháng 8, toàn huyện đã thả nuôi 4.290 ha tôm sú và tôm thẻ, vượt kế hoạch hơn 190 ha, do có một phần diện tích bà con thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, tập trung nhiều ở xã Tài Văn và Đại Ân 2.

Hiện nhiều vựa cua trên địa bàn An Giang và Đồng Tháp lo lắng do lũ kém, mưa ít nên sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nên luôn sốt giá.

Chế biến và nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Các cấp, các ngành, các chuyên gia về môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giúp địa phương giải quyết vấn đề này một cách lâu dài và bền vững.