Đắk Wil, Khuyến Khích Nông Dân Cải Tạo Vườn Cà Phê Bằng Phương Pháp Ghép Chồi
Theo thống kê, trên địa bàn xã Đắk Wil (Chư Jút) hiện có hơn 750 ha cà phê, trong đó, phần lớn các vườn cà phê đã trồng khá lâu năm. Để thay thế cho diện tích cà phê này, những năm gần đây, người dân đã thực hiện “trẻ hóa” vườn cây bằng cách áp dụng kỹ thuật ghép chồi.
Phương pháp này không những giúp người trồng cà phê tiết kiệm được chi phí đầu tư, mà còn rút ngắn được thời gian chăm sóc, sớm cho thu hoạch với năng suất cao, chất lượng quả tốt.
Vụ cà phê vừa qua, với gần 2 ha, gia đình anh Giang Văn Luận, ở thôn Thái Học đã thu về hơn 8 tấn nhân. Theo anh Luận thì cách đây hơn 3 năm, do trồng bằng giống cũ, mặc dù đã bỏ công đầu tư, chăm sóc nhiều, nhưng vườn cà phê cho năng suất ngày một giảm.
Năm 2009, sau khi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật ghép chồi cà phê bằng giống TR5, gia đình anh đã mạnh dạn cưa ghép, cải tạo hết toàn bộ diện tích, nhận thấy mầm cây sinh trưởng, phát triển ổn định trên gốc cà phê cũ. Đến nay, năng suất đạt cao và vượt trội hơn vườn cà phê cũ gần 1,5 tấn/ha.
Anh Luận chia sẻ: “So với giống cũ, cây cà phê ghép có rất nhiều ưu điểm như cây phát triển nhanh, cành khỏe mạnh, vươn dài, ít sâu bệnh, rút ngắn được thời gian cho thu hoạch. Đặc biệt, đối với phương pháp ghép chồi, nông dân có thể thuận tiện thực hiện trên chính vườn cà phê của mình, không tốn kém chi phí đầu tư gì nhiều ”.
Theo UBND xã Đắk Wil thì hiện nay, người dân chủ yếu lựa chọn những giống cà phê ghép có năng suất, chất lượng cao như TR4, TR5, TR6… để “trẻ hóa” vườn cà phê. Thực tế cho thấy, việc cải tạo vườn cà phê bằng cách ghép chồi không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao mà còn là hướng phát triển kinh tế bền vững nên được người dân rất quan tâm.
Về phía địa phương đã tích cực tuyên tuyền, vận động bà con chặt bỏ những diện tích cà phê đã già cỗi để ghép những giống cà phê mới. Cùng với đó, việc phối hợp với các phòng chức năng của huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật, phương pháp ghép chồi theo phương thức “cầm tay chỉ việc” cũng luôn được địa phương chú trọng.
Đối với những thắc mắc trong quá trình ghép chồi, cũng như chăm sóc đều được cán bộ khuyến nông giải đáp, hướng dẫn tận tình, nhằm giúp bà con nắm vững kiến thức để áp dụng vào sản xuất một cách hiệu quả.
Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, việc cải tạo, tái canh vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi thật sự phù hợp với khả năng, trình độ sản xuất cũng như vốn liếng của nhiều nông dân trên địa bàn xã. Nông dân cũng không đòi hỏi gì về việc Nhà nước phải hỗ trợ giống, kinh phí mà chỉ cần có cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tư vấn đầy đủ, rõ ràng về kỹ thuật là có thể tự làm, nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Related news
Theo số liệu từ trung tuần tháng 10 đến nay, nông dân trong thị xã đã xuống trên 100 ha hành tím sớm, rải rác ở một số địa phương như phường 2, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Lai Hòa; trong đó, Vĩnh Phước xuống giống nhiều nhất trên 80 ha. Ngoài các địa phương nói trên thì một số hộ xuống giống vào cuối tháng 9/2014, đến nay hành đã gần 1 tháng tuổi, với hi vọng hành bán được giá cao khi thu hoạch.
Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, hiện rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn trồng ở niên vụ 2014 - 2015 tiếp tục diễn ra. Qua kiểm tra thực tế, đơn vị này đã phát hiện rệp sáp bột hồng gây hại 20ha sắn trồng tại các xã An Hòa, An Nghiệp, An Xuân, tỉ lệ gây hại từ 20% đến 50%.
Đứng trước ruộng sắn nước xanh um lá, anh Nguyễn Minh Tuấn (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cho biết, ruộng sắn nước nhà anh trông khá đẹp, nhưng khi nhổ thử thì củ quá nhỏ, năng suất ước 2,5 tấn/sào nên người mua chỉ trả giá 3 triệu đồng/sào. Với chi phí 5 triệu đồng/sào, anh lỗ khoảng chục triệu đồng.
Ngoài bán quả sa nhân, thời gian qua, nông dân xã Phìn Ngan còn có thêm thu nhập từ bán cây sa nhân giống cho nhân dân các xã trên địa bàn huyện Bát Xát và một số huyện khác của tỉnh. Thậm chí, nông dân tỉnh khác cũng đến Phìn Ngan tìm mua cây sa nhân tím về trồng. Giá mỗi cây giống từ 3.000 - 5000 đồng. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ước tính, tiền bán cây sa nhân giống của nông dân xã Phìn Ngan năm nay đạt trên 400 triệu đồng.
Mục tiêu của việc thử nghiệm để xác định khả năng chịu mặn của từng giống lúa, từ đó đánh giá mức độ chịu mặn và khả năng thích nghi với từng vùng đất chuyển đổi lúa - tôm, nhằm khuyến cáo nông dân thực hiện trong các vụ mùa tới, góp phần đa dạng hóa cơ cấu giống lúa chịu mặn, thích nghi, có năng suất, thời gian sinh trưởng ngắn ngày, khắc phục tình trạng thiếu hụt giống, giá thành cao.