Sau hơn 10 năm gắn bó với cây cao su, giờ đây anh Phạm Văn Nam (dân tộc Mường) ở thôn Quang Thọ, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa đã trở thành đại gia…
Năm 1983, anh Nam cưới vợ khi đang là chiến sĩ công an. Vì hoàn cảnh gia đình, ít lâu sau anh xin về nghỉ chế độ. Thôn Quang Thọ có một cái hồ rộng khoảng 2ha HTX vẫn thả cá, nhưng "cha chung không ai khóc" nên hiệu quả thấp. Thấy vậy, anh đã viết đơn đề nghị xã cho nhận thầu lại ao cá với mức thuế gấp rưỡi.
"Được HTX giao lại hồ, tôi vét bùn, be bờ rồi cho nước vào để thả cả. Mỗi vụ tôi thả khoảng 3 vạn cá giống gồm trắm cỏ, trôi, chép, rô phi… Hai vợ chồng cắt cỏ cho cá, đi khắp đường làng ngõ xóm nhặt phân trâu về cho cá ăn. Ngay năm đầu, tôi thu hơn 2 tấn cá, lãi hơn 2 cây vàng"- anh Nam nhớ lại.
Năm 1998, một lần đi qua Nông trường Cao su Lam Sơn, thấy cao su xanh tốt, anh quyết định trồng loại cây này trên diện tích đất vốn trồng ngô, sắn. Tiền bán cá, anh mua giống cao su, phân bón. “Đây là cây trồng mới nên tôi phải vừa làm vừa học cách trồng, chăm sóc, cạo mủ qua sách, báo, vào tận Nông trường Lam Sơn, Nông trường Sông Âm học hỏi và tham gia các lớp tập huấn của Hội ND xã, huyện tổ chức"- anh Nam cho biết.
Đến nay anh đã có 7ha cao su, trong đó 5ha đã cho thu hoạch. Theo anh Nam, trồng cao su không khó, đầu tư không cao nhưng cho thu nhập khá ổn định. Trung bình 1 cây cao su từ khi trồng đến khi thu hoạch (5-6 năm) chỉ phải đầu tư 130.000-150.000 đồng/cây tiền giống và phân bón. Anh tiết lộ: "Năm 2005, 5ha cao su của tôi bắt đầu cho thu hoạch, những năm đầu thu từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Vài năm gần đây lượng mủ nhiều, giá mủ cao, trung bình tôi thu 380 triệu đồng/năm".
Dẫn tôi lên thăm lô cao su rộng mênh mông, hàng hàng thẳng tắp, cầm bát mủ trắng ngần trên tay, anh Nam khoe: "Với giá mủ như hiện nay, năm nay chắc chắn tôi sẽ thu khoảng 420 triệu đồng. Từ khi cây cao su của tôi có thu nhập, bà con ở đây trồng theo. Hiện toàn xã có 190ha cao su, trong đó 70ha đã cho thu hoạch, nhiều hộ có tới chục ha".
Năm 2010, anh Nam cất ngôi biệt thự hơn 2 tỷ đồng. Anh Nam luôn bảo anh có được ngày hôm nay là nhờ người vợ biết chăm lo gia đình, dạy dỗ con cái. Nhưng điều vợ chồng anh vui hơn là con cái học hành trưởng thành. Cậu con trai đầu hiện đang học cao học chuyên ngành điện tử ở Hàn Quốc, cậu thứ hai đang làm cho một tập đoàn lớn tại Hà Nội. Năm 2007, gia đình anh là một trong những đại biểu của Thanh Hóa dự Đại hội gia đình hiếu học toàn quốc.