Đặc sản ghẹ xanh đang bị suy giảm nghiêm trọng
Ghẹ xanh được nhắc đến như một đặc sản nổi tiếng của vùng biển Kiên Giang.
Đây là một trong những loài hải sản có giá trị kinh tế, không chỉ phục vụ tiêu dùng nội địa mà còn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật, Thái Lan..., đem lại nguồn thu thập đáng kể cho nhiều hộ gia đình.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn lợi ghẹ xanh đang bị suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng ngàn ngư dân địa phương.
Theo báo cáo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản, đơn vị đã nghiên cứu đánh giá nguồn lợi ghẹ xanh ở vùng biển Kiên Giang từ năm 2012, sản lượng khai thác đã giảm 20,5% so với năm 2013 và giảm đến 43% so với năm 2009, chỉ khoảng 11.000 tấn.
Còn theo kinh nghiệm từ những ngư dân làm nghề khai thác ghẹ lâu năm, sản lượng ghẹ đánh bắt được hiện nay chỉ bằng một nửa so với vài năm trước đây.
Chị Phan Thị Đông, ngư dân ở xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc cho biết: “Những năm trước đây, mỗi ngày chúng tôi có thể đánh bắt được hơn 20 kg ghẹ, còn bây giờ chỉ được khoảng chục kg đổ lại.
Có những ngày thời tiết không tốt thì chẳng được bao nhiêu….”.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nguồn lợi ghẹ xanh bị suy giảm nghiêm trọng như hiện nay là do nhu cầu thị trường tăng cao dẫn đến việc khai thác quá mức.
Mặt khác, nhiều ngư dân hành nghề đánh bắt ghẹ vẫn sử dụng các loại ngư lưới cụ không đúng với quy định cho phép, khai thác một cách tận diệt.
Vì cái lợi trước mắt, nhiều ngư dân đã đánh bắt cả các loại ghẹ nhỏ và ghẹ đang mang trứng, trong khi đây là yếu tố cần thiết để duy trì và phục hồi nguồn lợi ghẹ trong tự nhiên.
Việc suy giảm nguồn lợi ghẹ xanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con ngư dân tại Kiên Giang, nhiều người buộc phải đi làm nghề khác kiếm sống.
Bên cạnh đó, sản lượng ghẹ xanh khai thác được bị sụt giảm nghiêm trọng cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu ghẹ.
Nhiều doanh nghiệp không thể đạt được sản lượng đề ra do thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó giám đốc Công ty TNHH Trang Ngọc Phát cho biết: “Chúng tôi là một đơn vị thu mua ghẹ xanh để làm hàng cao cấp xuất khẩu chủ yếu cho thị trường Mỹ.
Như mọi năm, công ty chúng tôi thu vào khoảng 180 tấn ghẹ xanh, tuy nhiên tính tới thời điểm này chỉ thu khoảng 60 tấn, chỉ bằng 1/3 so với những năm trước”.
Để duy trì bền vững nguồn lợi tự nhiên có giá trị này, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành các văn bản quy định về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang và Câu lạc bộ ghẹ VASEP với sự hỗ trợ từ Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên, đã tiến hành thực hiện Chương trình cải tiến nghề khai thác Ghẹ xanh nhằm xác định và giải quyết các vấn đề cần ưu tiên trong công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi ghẹ xanh nói riêng và nguồn lợi thủy sản nói chung.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Quản lý dự án cải tiến nghề khai thác ghẹ xanh Kiên Giang cho biết: “Đến nay, dự án đã hoàn thành việc đánh giá tình trạng nguồn lợi, đã xác định được nguồn lợi đang bị khai thác quá mức, rất cần những giải pháp tức thời và lâu dài để khôi phục, duy trì lại nguồn lợi này.
Dự án đã xây dựng mô hình đồng quản lý, nâng cao nhận thức cho ngư dân thong qua các hoạt động tuyên truyền và tổ chức tập huấn để thiết lập mô hình đồng quản lý”.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 20.000 ngư dân tham gia đánh bắt ghẹ xanh với khoảng 1.700 tàu công suất nhỏ hơn hoặc bằng 90 CV và một lượng lớn ghe nhỏ ở các xóm ấp ven bờ biển, sử dụng lưới rê hoặc bẫy để đánh bắt.
Việc bảo vệ nguồn lợi ghẹ xanh nói riêng, nguồn lợi thủy sản nói chung là bảo vệ chính đời sống của hàng ngàn ngư dân Kiên Giang.
Trách nhiệm này không thuộc về riêng ai mà cần có sự đồng thuận của nhà quản lý, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu ghẹ và ngư dân trong việc khai thác và sử dụng nguồn lợi ghẹ đúng quy định, sẽ góp phần nâng cao được giá trị thương phẩm của mặt hàng ghẹ xanh trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, đồng thời đảm bảo sinh kế lâu dài cho cộng đồng ngư dân ven biển.
Related news
Đầu năm 2009, thời tiết mưa nhiều, đa số các vườn trồng chôm chôm ở Đồng Nai cho trái muộn và thất mùa. Thế nhưng, vườn chôm chôm của ông Nguyễn Văn Nam ở ấp Bưng Cần, xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc), vẫn sai trái và thu lời hơn 70 triệu đồng/hécta
Nằm ở khu vực ĐBSCL nên Vĩnh Long có tiềm năng đa dạng trong sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Sự phong phú về đối tượng cây trồng, vật nuôi, cùng với lợi thế về điều kiện tự nhiên
Nhìn ngôi biệt thự đẹp lộng lẫy nằm giữa thôn Khúc, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, Hưng Yên của anh Đỗ Văn Sỹ, ai cũng thán phục.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa - xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước (Tiền Giang): 2 tháng trước, không khí các vườn khóm ở Tân Phước hết sức ảm đạm do giá khóm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu đột ngột giảm mạnh, chỉ còn 2.000 - 2.200 đồng/kg
Những ngày này ở làng Xuân Trì (xã Hoàng Hanh, huyện Ninh Giang, Hải Dương), những thửa ruộng ớt cuối cùng đang được bà con nhổ hết để chuyển sang cấy lúa.