Công Nghệ Nuôi Cá Lồng Xa Bờ Ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc, nhu cầu nuôi cá lồng ngoài khơi chưa bao giờ cấp thiết như hiện nay vì mật độ tập trung quá lớn của các lồng nuôi truyền thống ở các khu vực ven biển.
Tuy nhiên, các lồng nuôi truyền thống bằng gỗ không thể chống chọi được với bão tố. Công nghệ nuôi xa bờ bằng lồng hình tròn NaUy đã được đưa vào Trung Quốc từ năm 1996 nhưng khả năng mở rộng áp dụng công nghệ này rất chậm, do năng lực đầu tư thấp của các DN gia đình quy mô nhỏ.
Năm 2004, Chương trình Tiếp thị Quốc tế của Hiệp hội Đậu tương Hoa Kỳ (ASAIM) đã đa dạng hóa chương trình nuôi cá biển bằng lồng xa bờ, nơi điều kiện môi trường tốt hơn và ít cạnh tranh hơn so với các ngành khác, mở đầu với bốn lồng đa diện ở đảo Hải Nam trong các năm 2004 - 2008.
Từ năm 1999, ASAIM đã khởi đầu một chương trình phát triển nuôi cá biển bằng thức ăn chế biến trong lồng tại các tỉnh ven biển của Trung Quốc. Những thử nghiệm với thức ăn làm từ đậu tương hàm lượng cao cho cá mú Nhật Bản, cá đù Mỹ đỏ, cá đổng vàng, cá nục vây vàng và các loài cá khác đã mang lại thành công.
Sau đó, nhóm nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của TS Micheal Cremer tiếp tục tiến ra vùng xa bờ, nơi có chất lượng nước tốt hơn, do chất lượng nước vùng ven bờ ngày càng xấu đi, đe dọa tương lai của nuôi trồng thủy sản Trung Quốc.
Ngoài ra, còn những vấn đề khác như sự lan truyền bệnh tật do sử dụng tràn lan cá tạp làm thức ăn, ô nhiễm vùng nước ven biển do chất thải nông nghiệp và công nghiệp. Những nỗ lực nuôi xa bờ ban đầu không thành công do cá nuôi bị thất thoát và lồng nuôi bị bão phá hoại.
Chuyên gia nuôi trồng hải sản Hsiang Pin Lan của ASAIM cho biết: “Yêu cầu của chúng tôi là thiết kế lồng có thể chống chọi với gió bão thường xuyên xảy ra tại các vùng biển Trung Quốc. Tuy nhiên, thiết kế không nên quá phức tạp để ngư dân quy mô nhỏ vẫn có thể nuôi được.
Trên toàn cầu, đã có những thiết kế tốt cho những lồng nuôi kiên cố nhưng chi phí quá lớn và chỉ có những công ty lớn mới có thể chịu nổi chi phí như vậy”.
ASAIM tài trợ cho hoạt động phát triển lồng nuôi cá xa bờ thông qua chương trình đánh giá đậu tương Mỹ và nguồn hỗ trợ tài chính bổ sung từ Cơ quan Nông nghiệp Quốc tế Mỹ.
“Chúng tôi đã bắt tay xây dựng công nghệ nuôi cá lồng xa bờ trong nhiều năm và đã điều chỉnh nhiều lần. Lồng nuôi do chúng tôi thiết kế đã chống chọi được với cơn bão cấp 12 mang tên Dawei với tốc độ gió lên tới 200 km/giờ năm 2005. Chiếc neo bằng xi măng hình vuông nặng 5 tấn, nhưng ở dưới nước nó chỉ còn 3 tấn. Lồng có một khớp xoay quay đa chiều thích hợp với dòng nước đến từ nhiều hướng khác nhau.
Điểm đặc trưng quan trọng nhất trong công nghệ của chúng tôi là hệ thống tự điều chỉnh độ ngập nước. Khi có dòng chảy mạnh, hệ thống tự động nhấn chìm lồng xuống dưới mặt nước ở độ sâu nhất định, nơi lực sóng - gió đã giảm đáng kể. Một đặc điểm khác là ống chuyển cá là một đường ống ngầm dưới nước”.
Bảo dưỡng dễ dàng cũng là một điều quan trọng. Ông Lan cho biết chiếc lồng chỉ sâu 4 mét nên người vận hành không cần thiết bị lặn. Các kiểm nghiệm của họ cho thấy mỗi chiếc lồng có thể tích 100 m3 có thể giữ được 6 tấn hay 10.000 con cá với tỷ lệ sống sót đạt 99%. Thông tin chi tiết về lồng nuôi cá xa bờ hiện được giới thiệu trong một đĩa CD hướng dẫn.
Kể từ năm 2008, nhóm này đã sử dụng 4 chiếc lồng nuôi xa bờ cố định với nhau bằng dây chão cho mục đích nghiên cứu và phát triển. Năm 2009, mức chi phí cho mỗi lồng là 15.000 USD và cho hệ thống dây chão 300 USD. Hiện nay, họ đang tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh hệ thống lồng, như sử dụng lưới đồng để chống các loài sinh vật bám. Đến nay đã có 7 lồng như vậy, trong đó 3 chiếc đặt ở Biển Đen thuộc một chương trình nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ và chính quyền bang Georgia.
Ông Lan cho biết: “Nói chung, mục tiêu không phải đưa ra khuôn mẫu để ngành nuôi hải sản Trung Quốc dập khuôn, mà chỉ đưa ra những gợi ý để họ cân nhắc”.
Related news
Tuần trước, 12 nước châu Á - Thái Bình Dương, gồm Australia, New Zealand, Mỹ, Peru, Chile, Mexico, Canada, Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Nhật Bản, đã nhất trí thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Trong báo cáo Viễn cảnh Lúa gạo tháng 10, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2015 đạt khoảng 42,4 triệu tấn, giảm 2% so với 43,2 triệu tấn năm 2014, nhưng không đổi so với dự báo tháng trước.
Phúc bồn tử, dâu New Zealand... được trồng tại Việt Nam có giá chỉ bằng phân nửa so với hàng ngoại nhập đang được người tiêu dùng đón nhận.
Hôm nay (17/10), giá cà phê tại thị trường Việt Nam và thế giới đều giảm mạnh. Trong phiên giao dịch đêm hôm qua, giá cà phê robusta trên sàn Liffe kỳ hạn 11/15 giảm mạnh 54 USD/tấn hay -3,24% xuống còn 1.613 USD/tấn, các kỳ hạn khác cũng giảm 42 - 43 USD/tấn.
Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết đã xây dựng một cuốn cẩm nang phát triển sản phẩm tín dụng nông nghiệp để Việt Nam có thể vận dụng nhằm mở rộng dịch vụ cung cấp tài chính cho các hộ nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp.