Mùa Chôm Chôm Kém Vui!

Điệp khúc “được mùa, mất giá” là nỗi lo sợ của bà con nông dân nói chung và những người trồng cây ăn trái nói riêng. Mùa chôm chôm năm nay cũng vậy, nhiều người đầu tư vốn liếng, công sức vào vườn cây với hy vọng sẽ thu được lợi nhuận. Thế nhưng, khi đến vụ thu hoạch thì chôm chôm bị rớt giá thê thảm, không tìm được đầu ra khiến nhiều nông dân đang hết sức băn khoăn.
Trước Tết Đoan ngọ (mùng 5.5 AL), hàng trăm nhà vườn trồng chôm chôm ở huyện Hoà Thành “than trời” vì trái chôm chôm hiện nay rớt giá thê thảm- chưa đến 3.500 đồng/kg. Thậm chí, việc tìm đầu ra cho trái chôm chôm cũng rất khó khăn, bởi có ít thương lái đến tận vườn mua như những năm trước đây.
Ấp Trường Lưu, xã Trường Đông là nơi có số diện tích trồng chôm chôm khá lớn của huyện. Trên các con đường trong xóm, đâu đâu cũng thấy chôm chôm đang chín đỏ cây. Có những cây chôm chôm trái chín từ màu đỏ tươi đã chuyển sang màu đỏ bầm, nhưng nhà vườn vẫn chưa thể hái bán vì thương lái không chịu mua.
Chú Nguyễn Văn Gấm- một người làm vườn lâu năm tại ấp Trường Lưu than thở, với giá chôm chôm mà thương lái mua tại vườn có giá dao động chỉ từ 2.200 đồng đến 3.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động… thì nhà vườn gần như chẳng còn lời lóm gì. Cũng có nhiều nhà vườn do chán nản với giá chôm chôm quá “bèo” nên không muốn thu hoạch, cứ để trái chôm chôm “treo” trên cây phó mặc cho trời.
Tại vườn chôm chôm gia đình ông Vương Văn Du, ấp Trường Lưu, xã Trường Đông, đang thu hoạch với sản lượng trên dưới 17 tấn trái, nhưng cũng chỉ bán được 3.200 đồng/kg. Ông than phiền: “Gia đình tôi sống nhờ vào vườn chôm chôm này thôi, cứ nghĩ năm nay chôm chôm được mùa hy vọng sẽ có lời khá để mua cặp bò về nuôi. Nhưng với giá cả hiện nay thì đến cái đuôi bò cũng mua không nỗi”.
Còn tại xã Phước Đông, huyện Gò Dầu thì giá chôm chôm mà các thương lái đến vườn mua chỉ có 2.000 đồng/kg- thấp hơn khá nhiều so với giá mua tại các vườn chôm chôm ở xã Trường Đông. Giá thấp, nhà vườn mang chôm chôm ra chào bán ngoài đường, thậm chí có vườn còn thu hút khách bằng cách cho khách vào vườn hái trái.
Theo ông Trương Văn Rưa- Chủ tịch UBND xã Phước Đông, trước tình trạng giá chôm chôm như năm nay, người nông dân coi như không có lời- thậm chí có thể lỗ cả tiền phân bón đầu tư. Cũng theo ông Rưa, năm nay ngoài chôm chôm rớt giá, các loại hoa màu khác như bầu, bí cũng rơi vào cảnh tương tự khiến đời sống người nông dân càng khó khăn hơn.
Theo một số nhà vườn, một trong những nguyên nhân khiến chôm chôm năm nay “rớt giá” là do cung vượt cầu. Trước tiên là do nhà vườn trồng chôm chôm thường điều chỉnh thời gian ra trái và thu hoạch vào tháng 6 dương lịch, bởi thời điểm này trùng Tết Đoan Ngọ, mức tiêu thụ nhiều và giá cao. Tuy nhiên, do hầu hết nhà vườn canh cho chôm chôm ra trái và thu hoạch cùng một thời điểm nên dẫn đến tình trạng “dội hàng” vì sản lượng tăng cao.
Kế đến là chôm chôm Tây Ninh năm nay “đụng hàng” với chôm chôm từ Long Khánh (Đồng Nai) và miền Tây ồ ạt đưa về tiêu thụ càng khiến cho nguồn cung tăng vọt trong khi nhu cầu tiêu thụ thì có hạn. Hơn nữa, những năm trước, chôm chôm Tây Ninh thường chín trước các tỉnh lân cận, thu hoạch sớm và bán được trước khi chôm chôm “nhập” đưa về. Năm nay chôm chôm Tây Ninh lại chín cùng lượt chôm chôm tỉnh ngoài, khiến tình trạng “dội hàng” phát sinh “đột biến”. Chôm chôm bị rớt giá là điều tất nhiên.
Hiện nay, nhiều nhà vườn trồng chôm chôm ở Tây Ninh phải “tự thân vận động” để giảm bớt phần nào lỗ lã. Thiết nghĩ, để chôm chôm và nhiều mặt hàng nông sản khác có được đầu ra ổn định đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các ngành chức năng liên quan trong việc định hướng sản xuất phát triển, tìm thị trường. Chứ để người nông dân “tự bơi” thì họ có thể “đối mặt” với cảnh trắng tay do tình trạng “được mùa, mất giá” mà những hộ nông dân trồng chôm chôm hiện nay đang gặp phải.
Related news
Vụ mùa năm nay, toàn xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) gieo cấy 69ha lúa, cơ cấu giống chủ yếu là các giống lúa địa phương và Nhị ưu 838. Từ đầu tháng 6, nông dân xã Quảng Lâm đồng loạt ra đồng nạo vét kênh mương, cày ải đất, chuẩn bị thóc giống để gieo mạ sau đó đợi mưa xuống, có nước mới tiến hành gieo, cấy. Thời điểm này, khoảng 90% diện tích đã được cày ải xong. Sau mấy trận mưa giông đầu mùa, lượng nước dồi dào, bà con tập trung dẫn nước vào ruộng bắt đầu gieo, cấy.

Tại TP Cần Thơ, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức Hội nghị "Đánh giá Công tác Giống vật nuôi tại các tỉnh ĐBSCL". Nhiều đại biểu khẳng định, không thể "bỏ quên", thậm chí phải hết sức quan tâm đến công tác giống vật nuôi trong bối cảnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp đang triển khai tích cực. Xuất phát từ thực tế đó, những vấn đề liên quan, đặc biệt là những "mảng tối" trong công tác sản xuất, kinh doanh và quản lý giống vật nuôi ở ĐBSCL đã được đưa ra bàn thảo.

Hiện nay, trên thị trường có khoảng từ 50 - 60 Cty sản xuất các sản phẩm bổ sung là có đăng ký sản xuất, còn những Cty "lôm côm" thì nhiều vô kể.

Gà được thả hoàn toàn tự nhiên, sáng kiếm ăn trong rừng, tối về gốc cây ven nhà để ngủ, muốn bắt đãi khách phải dùng… chài

Bằng nguồn vốn địa phương, năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Trà Vinh đã triển khai mô hình nuôi vịt biển thích ứng với biến đổi khí hậu tại Ấp Tư, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang với số lượng con giống 500 con/02 hộ dân tham gia.