Cơ hội nào cho trái nhãn?
Ngành nông nghiệp Vĩnh Long xác định, “cây nhãn vẫn nhiều tiềm năng”, cho nên cũng như nhiều tỉnh- thành ĐBSCL, Vĩnh Long đang tiếp tục chiến dịch phòng chống chổi rồng, mục tiêu đến cuối năm nay sẽ có vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu.
Yêu cầu khắt khe
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp- PTNT), hiện 3 vùng trồng nhãn được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số đạt chuẩn xuất khẩu là Bến Tre, Đồng Tháp và Cần Thơ với khoảng 100ha. Nhãn của những địa phương này được xuất khẩu vào Mỹ có thể bán từ 20 - 25 USD/kg.
Nhưng nhãn khi vào thị trường Mỹ phải được chiếu xạ loại bỏ ký sinh trùng; mỗi lô hàng phải kèm theo chứng chỉ của Cục Bảo vệ thực vật, xác định sản phẩm phù hợp với quy định. Ngoài ra, còn phải tuân thủ các quy định rất ngặt nghèo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Chính những quy định khắt khe này, cộng với việc dịch bệnh chổi rồng vẫn còn phức tạp là nguyên nhân nhãn Vĩnh Long chưa được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu.
Nhận định về chiến dịch phòng trị nhãn chổi rồng chưa mang lại nhiều kết quả mong muốn trong thời gian qua, Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho rằng, do trong thời gian dài giá nhãn luôn mức thấp, nông dân ngán ngại đầu tư phòng trị.
Từ năm 2013 đến hết năm 2014, giá nhãn xuống chỉ còn 8.000 - 10.000 đ/kg, trong khi giá thành bao gồm cả chi phí phòng trừ bệnh đã lên tới 7.000 đ/kg nên lời không còn đáng kể. Điều này khiến nông dân càng bỏ bê vườn, dịch bệnh tái bùng phát trở lại.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay, giá nhãn có phần khởi sắc trở lại, dao động từ 12.000 - 15.000 đ/kg. Ghi nhận tại một số xã cù lao huyện Long Hồ- nơi có diện tích nhãn lớn nhất tỉnh, sau thời gian bỏ phế, nhiều nhà vườn đã quay lại chăm sóc và trồng mới những vườn nhãn không thể cải tạo.
Đầu tư khôi phục vườn nhãn
Vĩnh Long đang có cơ hội rất lớn xuất khẩu nhãn nếu khống chế được bệnh chổi rồng, tiến tới xây dựng vùng trồng đạt chứng nhận GlobalGAP hay VietGAP.
Kế hoạch phòng chống dịch chổi rồng, Sở Nông nghiệp- PTNT đề xuất phân loại vườn nhãn tiêu da bò bệnh chổi rồng áp dụng những biện pháp thích hợp.
Theo đó, đối với các vườn nhãn bị bệnh đã già cỗi, tuổi đời trên 20 năm, năng suất thấp, cây cao và rất khó cắt tỉa cành để kiểm soát bệnh, đề nghị nông dân chặt bỏ để chuyển sang các cây ăn quả khác có giá trị, hoặc trồng các giống nhãn mới có chất lượng, năng suất cao. Với vườn nhãn có tuổi đời từ 10 - 15 năm, sẽ vẫn áp dụng các quy trình phòng trừ, chăm sóc theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp- PTNT.
Sở Nông nghiệp- PTNT cũng đang chỉ đạo Trung tâm Giống nông nghiệp nghiên cứu, chọn tạo giống nhãn kháng bệnh chổi rồng, có năng suất cao, chất lượng quả ngon, thích ứng rộng, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đưa vào khuyến khích nhà vườn sản xuất.
Mục tiêu của ngành nông nghiệp, trong năm nay phải xây dựng 1 - 2 mô hình lớn đảm bảo các yêu cầu của Cục Bảo vệ thực vật để tiến hành cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu gắn với chiến dịch phòng trừ bệnh trên cây nhãn do Bộ Nông nghiệp- PTNT phát động. Đến cuối năm 2015, Vĩnh Long sẽ có vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa- Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, nhãn là loại cây có thể xử lý ra trái quanh năm, đáp ứng được số lượng lớn để xuất khẩu. Dự kiến thời gian tới mỗi năm, ViệtNam có thể xuất khẩu sang Mỹ khoảng 1.200 tấn nhãn. Đây là cơ hội lớn cho trái cây đặc sản ViệtNam, nhất là trái nhãn của ĐBSCL, tiếp bước thanh long và chôm chôm bước vào thị trường được cho là khó tính này.
PGS-TS Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho rằng, chinh phục được các thị trường mới như Mỹ, sẽ tạo nhiều động lực để nông dân tiếp tục phát triển vườn nhãn. Nhãn có thể rải vụ, cho ra trái vụ nghịch, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu về sản lượng của nhà nhập khẩu hàng tháng, hàng năm. Nếu thị trường tiêu thụ được rộng mở, chỉ trong vòng 3 năm, nông dân đủ khả năng cũng cố vườn cây, cung cấp sản phẩm với sản lượng lớn, ổn định cho xuất khẩu.
Related news

Đến nay đã mấy năm, người dân xã Lộc Bình (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế) vẫn còn tiếc “đứt ruột” khi những viên ngọc trai bị bế tắc đầu ra.

Theo đánh giá chung, nuôi tôm theo hướng VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao nhưng đòi hỏi người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật...

Những năm gần đây, tình hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp (CN-BCN) trên địa bàn huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) phát triển rất nhanh, chưa có quy hoạch đồng bộ. Đặc biệt, tại các xã thuộc khu vực nước mặn như Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Mỹ A… việc phát triển nuôi tôm tự phát đã gây quá tải cục bộ đường dây hạ thế, tạo áp lực rất lớn trong công tác cung cấp điện.

Ngày 25-4, Tập đoàn Sao Mai (Sao Mai Group) đã tổ chức hội nghị phát triển nguồn nguyên liệu năm 2015 với sự tham gia của lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, chuyên gia các viện, trường, đại diện 42 hộ nuôi liên kết – đối tác của Sao Mai Group…

Hiện nay, rệp sáp bột hồng xuất hiện lây lan nhanh, gây hại cây sắn trồng tại các xã Xuân Quang 3, Xuân Sơn Nam và Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Do tính chất nguy hiểm của loại rệp này, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên phải triển khai các biện pháp ngăn chặn.