Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gắn đào tạo nghề với xây dựng nông thôn mới

Gắn đào tạo nghề với xây dựng nông thôn mới
Publish date: Thursday. May 21st, 2015

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với thực tiễn của địa phương nên thời gian qua, thị xã Quảng Trị đã đạt được những kết quả khả quan trong quá trình triển khai thực hiện. Được tham gia tập huấn về nuôi gà thả vườn do Trung tâm dạy nghề thị xã Quảng Trị tổ chức tại xã Hải Lệ, chị Nguyễn Thị Bích ở thôn Tân Mỹ cho biết: “Gia đình tôi hiện đang nuôi gần 100 con gà thả vườn nhưng chủ yếu áp dụng phương pháp chăn nuôi truyền thống, do vậy rủi ro về dịch bệnh khá cao.

Khi tham gia lớp học nghề về nuôi gà thả vườn, tôi được tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới về kinh nghiệm nuôi gà, cách phòng trừ dịch bệnh. Sau lớp học này, tôi dự kiến sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi gà để nâng cao thu nhập cho gia đình”. 

Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm qua Trung tâm dạy nghề thị xã Quảng Trị đã thực hiện tốt công tác tập huấn, đào tạo nghề trên địa bàn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Ông Hoàng Tụng, Giám đốc Trung tâm dạy nghề thị xã Quảng Trị cho biết, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã mở trên 20 lớp dạy nghề thu hút gần 700 lượt lao động nông thôn trên địa bàn tham gia.

Các nghề được lựa chọn để đào tạo chủ yếu dựa trên cơ sở nhu cầu của lao động nông thôn như: kỹ thuật chăm sóc cây hồ tiêu, chế biến món ăn, sử dụng thuốc thú y trong trang trại, trồng nấm, kỹ thuật nuôi gà thả vườn, kỹ thuật trồng ngô, kỹ thuật làm chổi đót...

Trên cơ sở những kiến thức học tập được từ các lớp tập huấn, dạy nghề, nhiều lao động nông thôn đã áp dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, trong nghề nấu ăn, sau khi hoàn thành khóa học trên địa bàn thị xã đã thành lập 3 tổ nấu ăn chuyên phục vụ đám cưới, hội nghị, bình quân mỗi tổ giải quyết việc làm cho từ 10-15 lao động nông thôn. Nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt cũng đã được người dân đầu tư xây dựng, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao như mô hình nuôi cá chình ở thôn Tân Lập, nuôi cá nước ngọt tại thôn Như Lệ, Tích Tường...

Để tạo thêm cơ hội cho lao động nông thôn có việc làm, trong tháng 6/2015 sắp tới, Trung tâm sẽ tiếp tục liên kết với Công ty Phước Hiệp Thành (Thừa Thiên- Huế) để mở thêm nghề thủ công mỹ nghệ, gia công, đan lát sợi, tạo thành phẩm bàn ghế và các vật phẩm khác để xuất khẩu qua thị trường các nước châu Âu và tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chuyên môn trong tỉnh đã hoàn thiện cơ bản các văn bản hướng dẫn, thực hiện cơ chế phối hợp hiệu quả về quản lý đề án. Công tác tuyên truyền đã được triển khai tích cực, hoạt động khá hiệu quả thông qua hệ thống thông tin truyền thông các cấp. Từ đó đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của việc dạy nghề cho lao động nông thôn đối với việc phát triển nguồn nhân lực ở nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương và xây dựng NTM.

Nhờ vậy, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh đã chủ động lồng ghép các nguồn kinh phí của Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và nguồn vốn từ các chương trình, dự án để thực hiện công tác đào tạo nghề. Nhiều cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp đã tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, bước đầu tạo sự gắn kết giữa các địa phương với cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, tạo việc làm cho lao động sau khi học nghề. Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh, trong 5 năm (2010-2014), tổng số lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được tham gia đào tạo nghề là 28.394 người, trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956 từ nguồn Trung ương là 17.752 người. Sau khi được tham gia đào tạo, đã có 15.009 lao động nông thôn có việc làm mới hoặc tiếp tục làm việc cũ nhưng năng suất và thu nhập cao hơn, chiếm 87,21%.

Như vậy, nhờ việc triển khai thực hiện hiệu quả nên việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp nông dân nâng cao thu nhập trên chính đồng ruộng và chuồng trại của gia đình mình. Đây chính là điều kiện góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại các vùng nông thôn trong tỉnh gắn với các tiêu chí trong quá trình xây dựng NTM.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế nhất định. Việc đào tạo nghề gắn với việc làm và giải quyết việc làm đã tăng song tỷ lệ hộ sau khi đào tạo vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu chưa cao. Vấn đề đối ứng từ nguồn địa phương rất hạn chế, kinh phí chủ yếu từ Trung ương. Công tác kiểm tra, giám sát việc đào tạo nghề còn hạn chế, chất lượng chưa cao, một số nơi chưa đánh giá được thực chất hiệu quả tổ chức đào tạo của các cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, do trình độ nhận thức của một bộ phận người lao động còn hạn chế, chưa có chí hướng học nghề, vẫn theo tập quán canh tác cũ, manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu, từ đó đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Thiết nghĩ, để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với chương trình xây dựng NTM trước hết phải gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, dạy nghề phải phối hợp với tuyên truyền, tư vấn việc làm, vay vốn phát triển sản xuất, từ đó giúp lao động nông thôn hiểu rõ vai trò của đào tạo nghề. Đồng thời, các địa phương cũng nên chọn những nhóm nghề thích hợp với nhu cầu và đặc điểm của mỗi vùng.

Các chương trình đào tạo nghề phải được xây dựng trên diện rộng, đáp ứng nhu cầu cho nhiều đối tượng, chú trọng đào tạo các nghề truyền thống tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương. Làm được như vậy sẽ tạo ra những chuyển biến rõ nét trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.


Related news

Đề nghị hỗ trợ 20.000 liều vắc xin lở mồm long móng Đề nghị hỗ trợ 20.000 liều vắc xin lở mồm long móng

UBND tỉnh Phú Yên vừa có văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề nghị bộ này hỗ trợ cho tỉnh 20.000 liều vắc xin lở mồm long móng (LMLM) tuýp O, A và 20.000 lít thuốc sát trùng Benkocide để phòng và chống dịch LMLM đang xảy ra trên địa bàn.

Wednesday. November 25th, 2015
Xây dựng 5 xã an toàn dịch bệnh Xây dựng 5 xã an toàn dịch bệnh

Bình Dương thực hiện đề án “Thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm, giai đoạn 2015 - 2020” với mục tiêu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm tại các huyện của 5 tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh.

Wednesday. November 25th, 2015
Triển vọng từ nuôi chim trĩ Triển vọng từ nuôi chim trĩ

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố Cà Mau bắt đầu chú ý nuôi chim trĩ. Đây là mô hình mới, cho thu nhập kinh tế khá cao.

Wednesday. November 25th, 2015
Chăn nuôi đón mùa Tết Chăn nuôi đón mùa Tết

Vài tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán đây là thời điểm người chăn nuôi đang ráo riết chuẩn bị con giống, thức ăn vỗ béo đàn gia súc, gia cầm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao vào dịp cuối năm.

Wednesday. November 25th, 2015
Vỡ mộng với cây gừng Vỡ mộng với cây gừng

Đầu vụ năm nay, diện tích gừng tại Cà Mau tăng lên nhanh chóng để thay thế cây mía sau đợt sốt giá đột biến vào năm 2014. Chỉ với vài ba công đất gừng, nhiều người đã trở thành triệu phú.

Wednesday. November 25th, 2015