Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cơ Giới Hóa Trong Sản Xuất Mía Giúp Tăng Hiệu Quả Sản Xuất

Cơ Giới Hóa Trong Sản Xuất Mía Giúp Tăng Hiệu Quả Sản Xuất
Publish date: Sunday. February 2nd, 2014

Sau khi thí điểm sử dụng 2 máy nâng xếp mía, năm 2013, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã đưa vào vận hành máy làm đất mía. Cùng với vụ thu hoạch mía 2013 - 2014, Dự án Cơ giới hóa trong sản xuất mía ở huyện đã cho thấy hiệu quả bước đầu.

Huyện Cam Lâm có khoảng 2.200ha vùng nguyên liệu mía (thuộc các xã: Cam Phước Tây, Cam An Nam, Cam An Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Hiệp Bắc và Cam Tân) của Nhà máy Đường Khánh Hòa. Từ trước đến nay, việc trồng, chăm sóc, thu hoạch mía chủ yếu làm thủ công, hiệu quả không cao. Vì vậy, huyện đã triển khai Dự án Cơ giới hóa trong sản xuất mía.

2 năm, cơ giới hóa 2 khâu

Năm 2012, 20 hộ dân (chia thành 2 nhóm) được nhận 2 máy nâng xếp mía. Hiệu quả của thiết bị này đã được ghi nhận. Năm 2013, 50 hộ dân được thí điểm tham gia cơ giới hóa khâu làm đất mía với quy mô 40ha. Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam được lựa chọn là nhà cung cấp máy. Máy làm đất mía bao gồm: Máy cày, bánh lồng cày, bánh lồng vun xới, đánh luống, bánh lốp (bánh bám), lưỡi cày phay, lưỡi đánh luống, lưỡi lấp đất, cánh đánh luống, vun gốc... Chiếc máy trị giá 21 triệu đồng; trong đó, huyện bỏ ra 75% từ nguồn chi xây dựng nông thôn mới, còn lại các hộ đối ứng kinh phí.

50 hộ dân được chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm có 1 người đại diện nhận máy cho cả nhóm sử dụng và báo cáo cán bộ chỉ đạo dự án cùng UBND xã khi máy gặp trục trặc. Các hộ dân còn được tập huấn kỹ thuật, dự hội thảo đầu bờ về cách sử dụng, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng máy làm đất mía. UBND các xã cũng lập ban chỉ đạo giám sát và điều hành dự án, phân công một cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn, báo cáo tình hình.

Ngoài ra, để nhân rộng dự án, Trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư huyện còn tổ chức hội thảo cho khoảng 80 hộ thuộc 4 xã trồng mía trọng điểm của huyện (gồm: Suối Cát, Suối Tân, Cam Hòa, Cam Thành Bắc). Các hộ này được hướng dẫn cách vận hành máy qua băng đĩa trình chiếu, sau đó tham quan và vận hành máy thử nghiệm.

Khả năng nhân rộng

Vụ thu hoạch mía 2013 - 2014 phần lớn các hộ dân đánh giá cao hiệu quả của máy làm đất mía. Ông Trần Xuân Hoàng (xã Cam Tân), nông dân tham gia dự án phấn khởi nói: “Chạy máy này chỉ tốn khoảng 5 lít dầu cho 1ha đất. Máy lại định vị được độ sâu đường cày và độ sâu lấp đất nên rất hiệu quả”. Ông Nguyễn Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Tân cho biết, bình thường 1ha đất cần 35 công lao động làm trong vài ngày, nhưng sử dụng máy làm đất mía, 1ha chỉ cần 1 người làm trong 1 ngày rưỡi đến 2 ngày là xong.

Ngoài ra, đất được làm bằng máy, mía trồng sinh trưởng phát triển tốt, cây thẳng đều hơn, cho năng suất cao. Việc sử dụng máy làm đất đã giảm 35% chi phí sản xuất so với khi chưa có mô hình, hiệu suất lao động lại cao hơn, tiết kiệm thời gian, do đó có thể tăng thu nhập thêm 5,2 triệu đồng/ha cho người trồng mía (với giá mía 950.000 đồng/tấn).

Với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng, dự án giúp giảm đáng kể lao động thủ công trong giai đoạn làm đất và giảm công bốc xếp mía trong giai đoạn thu hoạch. Tính ra, khi sử dụng luân phiên cả 2 loại máy làm đất và máy nâng xếp mía, hiệu quả tăng thêm gần 8,4 triệu đồng/ha so với trước khi có mô hình. Dự án còn giúp thay đổi phương thức sản xuất của nông dân trồng mía, làm tăng hiệu quả sản xuất.

Từ đó, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất. Hiệu quả mà dự án mang lại còn tác động đến các nông dân không tham gia dự án, tạo nên phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất mía nói riêng và vào nhiều đối tượng cây trồng khác nói chung. Điều này cũng góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.

Theo ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, địa phương đang đề nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục cho nhân rộng mô hình máy làm đất mía trên địa bàn huyện trong năm nay.


Related news

Nông sản rõ xuất xứ mới dễ đưa vào Hàn Quốc Nông sản rõ xuất xứ mới dễ đưa vào Hàn Quốc

Ngày 14.7, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo “FTA Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam cập nhật những xu hướng và tình hình thị trường xuất nhập khẩu của Hàn Quốc để tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu.

Thursday. July 16th, 2015
Tăng cường sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam Tăng cường sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản cho biết trách nhiệm xã hội và chất lượng sản phẩm là những yếu tố sống còn để tăng sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam.

Thursday. July 16th, 2015
Yến sào giá nào cũng có Yến sào giá nào cũng có

100 gram yến giá 99.000-120.000 đồng, thay vì 5-6 triệu đồng như thường lệ. Khách mua còn được tặng thêm nồi chưng và tai yến.

Thursday. July 16th, 2015
Cần có giải pháp khẩn cấp đối phó với nắng nóng, khô hạn bất thường trong sản xuất vụ Mùa Cần có giải pháp khẩn cấp đối phó với nắng nóng, khô hạn bất thường trong sản xuất vụ Mùa

Đã gần trung tuần tháng 7, nhưng trời vẫn không có mưa. Nắng nóng, khô hạn đã gây thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất vụ mùa đang diễn ra trên diện rộng. Cần sớm có các giải pháp ứng phó để thúc đẩy sản xuất...

Thursday. July 16th, 2015
Nâng chữ đường, nâng thu nhập Nâng chữ đường, nâng thu nhập

Trong sản xuất mía hiện nay, chữ đường (CCS) được xem là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định đến giá mía và nguồn thu nhập của người dân. Do đó, với sự hỗ trợ tích cực từ Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), hiện người trồng mía trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để cây mía đạt CCS tốt nhất đến ngày thu hoạch.

Thursday. July 16th, 2015