Chuyển Hướng Sản Xuất Để Làm Giàu
Ông Nguyễn Đình Lộc (thôn 3, xã Đạ Ròn, Đơn Dương, Lâm Đồng) đang sở hữu gần 5.000m2 cà phê robusta cho năng suất cao (bình quân khoảng 5 tạ/sào), hàng năm mang về thu nhập cho gia đình trăm triệu đồng.
Nhận thấy sản xuất cà phê đầu tư công chăm sóc, thu hoạch vất vả, giá cả thị trường lại bấp bênh, nên ông Lộc quyết định phá bỏ toàn bộ gần 5.000m2 cà phê, vay thêm vốn 800 triệu đồng của NHNo-PTNT đầu tư xây dựng chuồng trại mua đàn bò giống 10 con, trồng trên 4 sào cỏ (4.000m2) để chuyển sang nghề chăn nuôi bò sữa.
Để có chuồng trại đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, ông Lộc đã đến các hộ gia đình đã nuôi bò sữa từ trước, kể cả vào Công ty Đà Lạt Milk học hỏi kinh nghiệm xây dựng chuồng trại, bắc hệ thống nước tưới tự động cho đồng cỏ và tự xuống công ty giống bò sữa tại huyện Hóc Môn - TP Hồ Chí Minh chọn mua 10 con bò sữa đã mang thai, vận chuyển an toàn về chuồng trại của gia đình.
Trong 10 con bò mẹ của ông Lộc mua, có 8 con giống Hà Lan đã thuần chủng, 2 con giống F1 đều thuộc diện đủ tiêu chuẩn kỹ thuật về trọng lượng, tăng trọng, mang thai, cho sữa… Sau khi nhập bò về được gần 4 tháng, đã có 3 bò mẹ sinh sản bê con và cho sữa bình quân 18-20 kg/ngày/con.
Ông Lộc cho biết, với năng suất 18-20 kg/ngày/con hiện nay, chưa phải là cao, (bình quân đạt được 25 kg/ngày/con, mới đạt được hiệu quả kinh tế cao), bởi đây là lứa sinh sản đầu tiên của bò, thể tạng và sự tích sữa của bò mẹ chưa ổn định, vào các lứa sinh sản thứ 2, thứ 3 sản lượng sữa sẽ tăng dần và đi vào ổn định, nhưng bước đầu cũng đã cho gia đình ông thu nhập được trên dưới 35 triệu đồng. Cuối tháng 2/2014, 7 bò mẹ còn lại sẽ sinh sản hết, sẽ cho ông nguồn thu nhập lớn từ sản lượng sữa và đàn bê giống.
Ông Lộc tính toán, với giá sữa do Công ty sữa Hà Lan mua hiện nay 14.500 đồng/kg, (sẽ được thưởng giá thêm nếu chỉ số đông đặc sữa cao, số lượng nhập sữa đạt trên 100 kg/lần…) nếu cả 10 con bò sữa mẹ của ông đều cho sữa với năng suất bình quân 20 kg/con/ngày, gia đình ông sẽ có thu nhập vào khoảng 2,9 triệu đồng/ngày và với chu kỳ thu hoạch sữa 7 tháng/con/năm, thì mỗi năm gia đình ông sẽ thu nhập từ sản lượng sữa của đàn bò vào khoảng 550 triệu đồng, sau khi trừ chi phí các khoản, lợi nhuận còn lại cao gấp 3, 4 lần so với sản xuất cà phê, trong lúc chăm sóc lại đỡ vất vả hơn nhiều.
Điều đáng mừng hơn là sau khi kiểm tra chuồng trại, đàn bò, đồng cỏ và dụng cụ phục vụ chăm sóc, vắt sữa, Công ty sữa Hà Lan đã ký hợp đồng tiêu thụ sản lượng sữa ổn định, lâu dài và hỗ trợ nhiều dụng cụ, kỹ thuật cho gia đình ông Nguyễn Đình Lộc. Hiện nay, ông Lộc đã nắm vững kỹ thuật chăm sóc bò, cho phối giống, tách bê con, vắt sữa và bảo quản sữa theo đúng quy trình kỹ thuật.
Từ bài toán kinh tế chênh lệch khá cao giữa sản xuất cà phê và nuôi bò sữa như trường hợp ông Nguyễn Đình Lộc, một lãnh đạo của xã Đạ Ròn cho hay: Phong trào nuôi bò sữa của xã trong những năm trước vốn đã phát triển mạnh mẽ, nay càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Nhiều hộ gia đình đã thấy hiệu quả của nghề nuôi bò sữa, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sang nghề nuôi bò sữa. Và nghề nuôi bò sữa hiện không chỉ phát triển mạnh mẽ ở xã Đạ Ròn, mà còn ở các xã khác ở huyện Đơn Dương như Ka Đơn, Tu Tra, Thạnh Mỹ...
Related news
Chạy xe máy dọc theo tuyến quốc lộ 80 từ Ba Hòn (Kiên Lương) đến Mũi Nai (TX Hà Tiên) tôi không khỏi giật mình xót xa khi chứng kiến vạt rừng cây đước, cây mắm ven biển bị người dân chặt phá loang lổ để làm ao nuôi tôm.
Vụ cà phê 2014-2015 đang bắt đầu bước vào mùa thu hoạch. Không khí chuẩn bị cho mùa vụ mới diễn ra sôi động ở các nông hộ. Phấn khởi hơn, năm nay, không chỉ giá cả ở mức cao mà năng suất cà phê cũng tăng hơn năm trước, hứa hẹn một năm trúng mùa đến với bà con nông dân.
Trong những năm gần đây, nhờ tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nông dân đã chú trọng đa dạng hoá các loài vật nuôi để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.
Các ngân hàng cam kết xử lý, trả lời trong 4 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ. UBND tỉnh cũng đã công bố phân bổ cho 92/150 dự án đăng ký cùng với cam kết hỗ trợ lãi suất… Nhưng chưa có dự án nào được phê duyệt gửi đến ngân hàng nên không thể nào giải ngân được.
Năm 2012, các thôn Tân Bình 1, Tân Bình 2, Thanh Xuân 1 và Thanh Xuân 2 (xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) được chọn làm vùng quy hoạch để triển khai Dự án sản xuất chè VietGAP của tỉnh. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, đến nay, những khó khăn của dự án đã bắt đầu nảy sinh.