Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuối Chín Vàng Bắt Mắt Sau Một Đêm Nhờ Hóa Chất

Chuối Chín Vàng Bắt Mắt Sau Một Đêm Nhờ Hóa Chất
Publish date: Monday. August 12th, 2013

Tuýp hóa chất có nguồn gốc từ Trung Quốc giá 2.000 đồng đem hòa với 2 lít nước rồi phun trực tiếp vào buồng chuối. Chỉ sau một đêm, chuối chín đều, vàng ruộm như chín cây...

Mỗi ngày, những quả chuối bị ép chín bằng thứ hóa chất này vẫn đều đặn xuất ra thị trường nội địa...

Công nghệ “phun - nhúng”

Để giúp bạn đọc thấy được tường tận quá trình chuối bị ép chín, phóng viên đã mất nhiều ngày tìm hiểu chợ chuối nằm ngay sát bờ sông Hồng, ở cuối con phố Hàm Tử Quan (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội). Đây được xem là một trong những đầu mối lớn nhất cung cấp chuối cho TP.Hà Nội, tồn tại khoảng chục năm và có xu hướng ngày càng mở rộng.

"Thuốc này ngứa lắm, khi pha nhớ phải đeo găng tay cho an toàn. Trước nay mấy ông mua thuốc của tôi chỉ đem về rấm chuối, rấm cà chua để bán thôi, chưa thấy ông nào nói là rấm cho nhà sử dụng"

Chủ một quầy thuốc BVTV ở P.Dương Nội (Q.Hà Đông, Hà Nội)

3 giờ chiều một ngày giữa tháng 7, theo chân một người lái tàu tên Tùng (quê xã Vân Hòa, H.Ba Vì, TP.Hà Nội), chúng tôi có mặt tại chợ chuối ven sông Hồng. Hơn hai chục lái buôn tập trung tại chợ phần lớn đều là phụ nữ. Mỗi người tự “quy hoạch” cho mình một khoanh đất rộng chừng vài mét vuông để “trưng bày” hàng hóa.

Những nải chuối, buồng chuối vàng ruộm được bày san sát, nhan nhản khắp nơi. Cả bãi đất rộng đến gần nghìn mét vuông như được nhuộm vàng trong màu chuối chín. Trong các gốc cây cạnh đó, từng buồng chuối còn xanh nguyên, đang trong giai đoạn ủ chín xếp thành từng đống lớn và được phủ bằng những tấm chăn bông cũ mèm, ẩm mốc.

Chúng tôi gặp một người đàn ông đang vác trên vai những buồng chuối xanh, quả chưa căng xếp cạnh đống chuối đang rấm. Bằng chất giọng đặc sệt Ba Vì, anh ta hướng về phía chị lái buôn nói: “Lấy thuốc (hóa chất - PV) hãm luôn đi. Cho mai kịp chín còn đi bán”. Nói xong, anh ta cầm một lọ nước không màu đưa cho người phụ nữ, trước khi bỏ xuống bờ sông với công việc quen thuộc của mình.

Lọ chất lỏng bốc mùi hăng hắc được chị lái buôn pha một lượng nhỏ vào một xô nước. Rồi cứ thế, chị này lấy từng nải chuối xanh nhúng vào xô nước mới pha hóa chất, trước khi đưa ra xếp cạnh đống chuối đang rấm. “Nhúng chuối vào đó làm gì vậy…”, tôi hỏi.

Nghe chưa hết câu, người phụ nữ liếc xéo tôi rồi đáp gọn lỏn: “Biết để làm gì?”, nhưng rồi cũng bật mí: “Ngâm thuốc này thì khi chín chuối mới có màu vàng, đẹp mã”. Vờ như không hiểu, tôi quay ra thắc mắc với chủ tàu tên Tùng. “Ở chợ chuối này hàng nào cũng làm như vậy hết, nhưng không phải họ nhúng hóa chất chỉ để cho đẹp mã, mà công dụng chính là để thúc cho chuối chín trong thời gian ngắn nhất có thể. Còn nếu để chuối chín tự nhiên phải mất tới gần tuần, như vậy tiền thuê bến bãi lái buôn họ chịu sao nổi”, Tùng tiết lộ.

Sợ lôi thôi lại mất mối làm ăn, Tùng vội vàng kéo tôi lên tàu. Vừa thoát khỏi ánh mắt của mấy bà bán chuối, Tùng nhìn tôi rồi xổ ra một tràng: “Loại hóa chất dùng để thúc chuối chín khi nãy là nhập từ Trung Quốc. Thứ này giá rẻ nhưng công hiệu lắm. Sau khi phun hoặc nhúng trực tiếp vào chậu hóa chất pha sẵn, rồi đem rải đều trên mặt đất, phủ chăn bông lên trên là sau đúng một đêm, những nải chuối sẽ ngả vàng, chín đều”. Để tôi tin hẳn, Tùng bồi thêm: “Đây, hóa chất của mấy tay buôn chuối dùng chưa hết. Lát xuống bến chú cứ cầm vỏ tuýp này rồi ra mấy cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mà mua. Cứ nói là mua rấm chuối là người ta hiểu”.

"Loại hóa chất này khi tiếp xúc với da sẽ gây khó chịu mẩn ngứa. Còn khi ngấm vào cơ thể với lượng lớn sẽ gây hôn mê, dẫn tới tử vong"

Bà Nguyễn Thị Nhung, Trưởng bộ môn Thuốc, cỏ dại và môi trường thuộc Viện BVTV (Viện Khoa học nông nghiệp VN)

Muốn mua bao nhiêu cũng có

Tại khu vực Q.Hà Đông, mới chỉ ngó qua tuýp hóa chất mà Tùng đưa cho tôi, chủ một cửa hiệu kinh doanh thuốc BVTV liền cho biết: “Em thử xuống các hiệu thuốc BVTV dưới khu Đại Mỗ (H.Từ Liêm), Dương Nội (Q.Hà Đông), Song Phương (H.Hoài Đức), Vân Nội (H.Đông Anh)… hỏi xem. Ở đấy họ chuyên trồng cà chua, biết đâu vẫn dùng loại thuốc này để cho thu hoạch sớm”. Vẫn theo chủ cửa hiệu này, ngoài chuối, người dân còn dùng loại hóa chất trên để rấm cà chua, vải và mít. Tuy nhiên, do ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người nên loại hóa chất này bị cấm sử dụng.

Tại một quầy thuốc BVTV ở P.Dương Nội (Q.Hà Đông), thoạt nghe có ai đó hỏi mua hóa chất rấm chuối, người đàn ông trạc 50 tuổi, đội mũ phớt đen chạy ra, nhanh miệng chào hàng luôn: “Thuốc rấm à? Anh có. Đúng, rấm chuối, cà chua hay mít đều được. Đều là hoa quả mà. Các chú gặp anh là đúng địa chỉ đấy. Các chú mua bao nhiêu?”. Nói đoạn anh ta bưng ra một bọc ni lông to đùng, bên trong đựng nhiều vỉ hóa chất loại 10 tuýp một.

Quan sát bằng mắt thường, tuýp hóa chất có vỏ bằng nhựa mềm, to cỡ ngón tay áp út, trong chứa chất lỏng màu trắng nhờ nhờ. Vỏ tuýp có một nhãn nhỏ viết đầy chữ Trung Quốc, không thấy ghi địa chỉ nơi sản xuất, hạn sử dụng hay tem nhãn tiếng Việt ngoại trừ hai từ “Điền Phong”.

Anh chủ quầy nói: “Giá mỗi tuýp là 2.000 đồng. Loại thuốc này trong nước không có đâu, phải nhập ở tận cửa khẩu Lạng Sơn về. Nhưng nói về độ hiệu quả thì nó là số một. Mỗi lọ này chú pha đều với 2 lít nước rồi đem phun trực tiếp vào buồng chuối. Đảm bảo chỉ sau một đêm là chuối chín đều. Quả nào cũng vàng ruộm như chín cây”.

Tôi chọn một gói gồm 10 lọ nhỏ với giá 20.000 đồng. Trước khi cầm hóa chất, tôi hỏi: “Thuốc này có độc không anh? Rấm chuối đem ăn bình thường chứ?”. Anh ta liền xua tay: “Các ông giả ngố hả? Thuốc này là rấm chuối đem bán chứ nhà mình ăn thì việc gì mà phải ngâm thuốc. Cứ để mấy ngày cho nó chín tự nhiên, ăn vừa thơm vừa an toàn”. Rồi anh ta ghé tai nói nhỏ: “Độc hay không tôi không biết.

Nhưng thuốc này ngứa lắm, khi pha nhớ phải đeo găng tay cho an toàn. Trước nay mấy ông mua thuốc của tôi chỉ đem về rấm chuối, rấm cà chua để bán thôi, chưa thấy ông nào nói là rấm cho nhà sử dụng”. Theo người này, thuốc được nhập về từ Trung Quốc và nếu chúng tôi mua nhiều, giá hóa chất chỉ còn 1.500 đồng/tuýp.


Related news

Người đầu tiên mang cây măng cụt về Long Khánh Người đầu tiên mang cây măng cụt về Long Khánh

Nông dân Võ Thành Lập (ảnh), ngụ ấp Nông Doanh, xã Xuân Tân được xem là người đầu tiên trồng cây măng cụt trên vùng đất Long Khánh. Từ 20 cây măng cụt đầu tiên ông mang từ tỉnh Sông Bé cũ về trồng vào năm 1973, đến nay khu vườn rộng 2hécta của ông đã có trên 600 cây măng cụt lớn nhỏ khác nhau.

Thursday. July 2nd, 2015
Đầu tư máy móc nông nghiệp còn manh mún Đầu tư máy móc nông nghiệp còn manh mún

Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là yêu cầu không thể thiếu để ngành nông nghiệp có thể cạnh tranh khi bước vào sân chơi chung. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, như: Nghị định 68 ưu đãi vốn cho doanh nghiệp, nông dân mua máy móc, thiết bị từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến nông sản; Nghị định 210 ưu đãi cho dự án ứng dụng công nghệ cao…

Thursday. July 2nd, 2015
Giải cứu vải thiều khi thương lái Trung Quốc ngừng mua Giải cứu vải thiều khi thương lái Trung Quốc ngừng mua

Từ doanh nghiệp cho đến một số cá nhân đang tìm cách đẩy mạnh bán trong nước để giải phóng số vải đang chín rộ, sau khi thương lái đột ngột ngừng mua khiến giá rớt kỷ lục.

Friday. July 3rd, 2015
Friday. July 3rd, 2015
Tìm giải pháp ổn định đầu ra cho trái dâu Phong Điền Tìm giải pháp ổn định đầu ra cho trái dâu Phong Điền

Dâu hiện là một trong những loại cây ăn trái chiếm diện tích khá lớn tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Trong đó, dâu hạ châu là loại cây ăn trái đặc sản tại địa phương đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Để duy trì và phát triển bền vững diện tích trồng dâu trên địa bàn Phong Điền, các cấp, các ngành chức năng tại địa phương và thành phố đã và đang rất quan tâm giúp nông dân ổn định đầu ra sản phẩm.

Friday. July 3rd, 2015