Hướng Mở Từ HTX Nuôi Nghêu Đất Mũi

Đã qua rồi thời hỗn loạn, người thì nuôi, kẻ khai thác tranh giành nguồn lợi từ con nghêu của bãi bồi Đất Mũi (Cà Mau). Sau khi sắp xếp lại một cách toàn diện, vùng nuôi nghêu bãi bồi đang dần đi vào ổn định.
Đại hội xã viên để hợp nhất 16 hợp tác xã (HTX) hoạt động riêng lẻ thành một tổ chức đồng nhất dưới cái tên HTX nuôi nghêu Đất Mũi vào giữa tháng 5 vừa qua là tiền đề phát huy tiềm năng kinh tế con nghêu thịt ở bãi bồi Đất Mũi.
Ông Lê Vũ Sánh, Giám đốc HTX nuôi nghêu Đất Mũi, cho biết, đại hội đã bầu ra được 13 thành viên trong Hội đồng quản trị. Đồng thời, đại hội cũng thông qua được quy chế hoạt động của HTX, quy chế tài chính và phương thức tổ chức sản xuất trên bãi bồi nhiệm kỳ 2013-2017.
Ổn định vùng nuôi
Về mục tiêu hoạt động sản xuất của HTX, theo ông Sánh, HTX hoạt động chủ yếu là phục vụ cho đời sống người dân vùng bãi bồi, đặc biệt là hộ nghèo của địa phương. Chính nhờ bám sát mục tiêu này nên tạo được lòng tin của xã viên.
Điều đó được thể hiện qua số lượng xã viên làm đơn xin vào HTX ngày một đông. Nếu khi đại hội, HTX chỉ có 1.200 xã viên, thì đến nay đã có thêm 209 hộ dân làm đơn xin vào HTX.
Chính nhờ vào niềm tin HTX sẽ là nơi mang lại cuộc sống ổn định cho họ nên tình hình an ninh trên bãi bồi cũng như tình trạng xâm hại vào vùng nuôi nghêu thịt trong vụ mùa vừa qua được hạn chế triệt để.
Ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư Đảng uỷ xã Đất Mũi, cho biết, nhờ công tác tuyên truyền vận động được quan tâm thực hiện cũng như sự phối hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng nên trong mùa nghêu giống vừa qua, tình hình an ninh trên bãi bồi khá ổn định. Không xảy ra tình trạng xâm chiếm vùng nuôi nghêu thịt hay tranh giành khu vực khai thác như những năm trước.
Để hoạt động của HTX đi vào ổn định cũng như bảo vệ lợi ích của xã viên, ông Sánh cho biết, HTX đã in trên 1.200 thẻ để cấp phát cho các xã viên khi vào khu vực bãi bồi khai thác. Đồng thời cử 13 thành viên trong Hội đồng quản trị đến các ấp để vận động tuyên truyền người dân và xã viên, các tổ hoạt động khai thác theo đúng vùng, khu vực đã quy định.
Con nghêu thịt trên bãi bồi Đất Mũi được đánh giá là vật nuôi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Bởi lẽ nó không chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên mà giá cả thực tế luôn ổn định ở mức cao. Là người có kinh nghiệm nhiều năm theo con nghêu, ông Sánh nhận định, nếu tổ chức sản xuất tốt, con nghêu thịt nơi bãi bồi sẽ giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế nhanh.
Trong vụ mùa 2011-2012, mặc dù bị người dân xâm phạm khá nghiêm trọng cũng như phải chịu hai đợt dịch bệnh nhưng đến khi thu hoạch vẫn có được trên 60% lợi nhuận. Đồng thời, vụ mùa 2012-2013 này tuy chưa thu hoạch nhưng hiện nghêu đang phát triển rất tốt, hứa hẹn cho vụ thu hoạch khá.
Giá trị kinh tế cao
Mặt khác, hiện nghêu giống đã được cho sinh sản nhân tạo. Do đó, giá nghêu giống năm nay dự đoán chỉ dao động trong khoảng 25-30 đồng/con so với 60-70 đồng/con trước kia. Giá nghêu giống giảm trong khi giá nghêu thịt sẽ ổn định ở mức từ 20-30 ngàn đồng/kg trong thời gian qua là cơ sở để khẳng định con nghêu bãi bồi sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Thực tế đã qua cho thấy, nghêu thịt của bãi bồi không phải sợ tình trạng được mùa rớt giá hay đụng hàng với nhiều nơi khác trong khu vực chính là do mùa thu hoạch. Mùa thu hoạch của con nghêu bãi bồi bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau. Vào khoảng thời gian này, nghêu Cần Giờ đã hết mùa (nghêu Cần Giờ sau tháng 10 nếu không thu hoạch sẽ tự chết).
Đồng thời, vào thời điểm này, con nghêu của Gò Công lại gặp phải tình trạng nước đổ từ thượng nguồn về nên giá trị thịt giảm. Ngoài ra, con nghêu của miền Bắc lại chịu thời tiết lạnh nên chất lượng thịt cũng giảm. Ông Sánh khẳng định, nếu được đầu tư bài bản, con nghêu Đất Mũi sẽ mang lại giá trị kinh tế cao.
Hiện HTX đang chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết từ việc đóng mốc vùng nuôi của HTX, xây dựng thêm chòi canh cũng như các điều kiện cho vụ nuôi năm 2013-2014. Song song đó, HTX đang kết hợp với Sở NN&PTNT xây dựng dự án bảo vệ và phát triển nguồn lợi nghêu giống ven biển Mũi Cà Mau. Nếu dự án này được thông qua sẽ nhận được sự hỗ trợ trên 2 tỷ đồng từ một tổ chức của Hà Lan.
Đối với phương án sắp xếp lại bãi nghêu Đất Mũi, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, thông qua HTX này sẽ quản lý và sắp xếp lại toàn bộ các hoạt động của bãi bồi từ tổ chức khai thác giống cho đến ươm giống và nuôi nghêu thương phẩm.
Đối với việc quản lý hoạt động khai thác giống, HTX tiến hành thành lập tổ, đội theo từng ấp, từng tổ tự quản, đối tượng khai thác là những hộ có cuộc sống khó khăn của xã. Ngoài ra, các xã viên HTX quyết định thời gian, phạm vi, kích cỡ khai thác theo quy hoạch. Người khai thác sẽ được hưởng toàn bộ giá trị sản phẩm lao động của mình.
Đối với dự án bảo vệ và phát triển nguồn nghêu ven biển Đất Mũi hiện nay đã thông qua bước đầu và đang chuyển đi Hà Nội cho chủ đầu tư xem xét. Nếu được thông qua sẽ thành lập đoàn kiểm định thực tế để triển khai.
Related news

Theo Hiệp hội thủy sản huyện Châu Thành, mức giá cá tra thương phẩm cung cấp cho các nhà máy chế biến thủy sản đang ổn định ở mức 24.500 đồng/kg, do thị trường cuối năm xuất khẩu mạnh nên giá cá tra có chiều hướng tăng lên, tuy nhiên cũng không cao hơn so với mặt bằng giá chung do các nhà máy chế biến thu mua.

Theo bà con trồng khoai lang, mấy ngày gần đây giá khoai lang tím đột ngột tăng cao trở lại, trên 700 ngàn đồng/tạ, cao hơn thời điểm trước đó vài tháng từ 500 ngàn đến 550 ngàn đồng/tạ. Nguyên nhân là do khoai lang tím đang trong giai đoạn thu hoạch trên địa bàn huyện và các vùng lân cận không còn nhiều, thị trường tiêu thụ khan hiếm nên giá khoai lang tím tăng trở lại.

Hiện nay, tình trạng xuống giống tự phát, không đồng loạt đang diễn ra phổ biến ở một số xã trên địa bàn huyện Hồng Ngự. Việc sản xuất cùng một cánh đồng nhưng nhiều trà lúa khi xuống giống không đồng loạt đã gây khó khăn trong công tác quản lý của địa phương cũng như phòng trừ dịch bệnh.

Theo các thương lái, nguyên nhân giảm giá do chỉ tiêu thụ nội địa, việc xuất khẩu sang một số nước như các năm trước đã bị giảm số lượng. Ngoài ra, hiện nay đang vào mùa của nhiều loại trái cây nên người tiêu dùng phần nào hạn chế ăn mít mà chuyển sang măng cụt, chôm chôm, thanh long, sầu riêng…

Mới chớm mùa Đông, nhiều nơi trên địa bàn huyện Quản Bạ có nhiệt độ lạnh về đêm, thường xuyên có sương muối dày đặc vào buổi sáng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất; trong đo, việc bảo vệ đàn trâu, bò luôn là mối quan tâm của đồng bào nơi đây. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc và vật nuôi.