Bảo Vệ Hồ Đập Nuôi Tôm Trong Mùa Mưa Lũ
Hải Lăng (Quảng Trị) có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn với hơn 500 ha diện tích ao hồ. Trong đó diện tích nuôi tôm trên cát ven biển ở hai xã Hải An và Hải Khê chiếm gần 100 ha. Nhiều năm qua nhờ phát triển nuôi tôm nên nhiều hộ gia đình đã trở nên giàu có, tuy nhiên do nằm sát với bờ biển nên rất dễ bị thiên tai tàn phá. Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn ao hồ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão năm 2013, huyện Hải Lăng đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm giúp người nuôi tôm bảo vệ tốt tài sản của mình.
Từ năm 2009 đến nay, nhóm hộ gia đình ông Nguyễn Trường Ái, thôn Mỹ Thủy, xã Hải An đã có thu nhập cao chủ yếu dựa vào nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Với 12.000 m2 ao hồ nuôi tôm, mỗi năm đem lại thu nhập cho nhóm hộ gia đình ông Ái khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, do nằm sát bờ biển nên vào mùa mưa lũ ao nuôi dễ bị sạt lở. Do đó, việc chủ động các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất đã được nhóm hộ ông Ái chuẩn bị từ rất sớm.
Theo báo cáo của UBND xã Hải An, hiện trên địa bàn toàn xã có hơn 30 ha diện tích nuôi tôm trên cát. Những năm qua việc nuôi tôm đã đem lại thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình và chiếm 40% tổng thu hàng năm của xã. Do vậy ngoài việc tạo điều kiện cho bà con phát triển nuôi tôm thì công tác bảo đảm ao hồ trong mùa mưa bão là việc làm cấp thiết đối với xã.
Ông Nguyễn Quốc Danh, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ nhiệm HTX nuôi tôm xã Hải An, cho biết: “Xác định việc nuôi tôm mang lại nguồn thu lớn đối với địa phương, do vậy, ngoài việc tạo điều kiện cho người dân phát triển nuôi tôm thì công tác phòng chống lụt bão nói chung và bảo vệ hồ đập nuôi tôm trong mùa mưa lụt nói riêng luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Theo đó, chúng tôi thường xuyên thông báo cho xã viên về tình hình của thời tiết và phải chủ động chuẩn bị các vật tư như cọc tre, phên tre, bạt ni lông, cuốc xẻng... để sẵn sàng ứng cứu hồ đập nuôi tôm khi có sự cố vỡ đê hoặc nước biển tràn hồ... Đối với những diện tích tôm đến độ tuổi thì vận động người dân nên thu hoạch sớm trước mùa mưa bão”.
Huyện Hải Lăng hiện có hơn 500 ha diện tích mặt nước người dân sử dụng để nuôi thủy sản, trong đó có gần 100 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ven biển, số còn lại nuôi các loại cá trắm, cá mè và cá rô phi ở những vùng chân ruộng thấp. Do ở vùng trũng, nên những năm qua thường xuyên bị ngập úng, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi. Để đảm bảo ao hồ nuôi trồng thủy sản cho bà con nhân dân, bên cạnh chủ động công tác phòng chống lụt bão năm 2013, huyện Hải Lăng đang có phương án nhằm giúp bà con bảo đảm tốt cây trồng vật nuôi của mình...
Ông Nguyễn Triển, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hải Lăng cho biết: “Sau khi chỉ đạo bà con thu hoạch lúa hè thu xong, chúng tôi tập trung vào công tác kiểm tra các hồ đập nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Ngoài sự chủ động của các hộ nuôi trồng, sự hỗ trợ của chính quyền từng địa phương có ao hồ nuôi tôm, cá, chúng tôi còn cử cán bộ về tận nơi để hướng dẫn bà con cách phòng dịch cho tôm, cá trong mùa mưa lũ. Đặc biệt là tiến hành kiểm tra các khâu chuẩn bị đảm bảo các hồ đập nuôi trồng thủy sản của các địa phương để có giải pháp hỗ trợ kịp thời trước khi có lụt bão đến. Quan điểm của chúng tôi là tận tình giúp người dân phòng tránh và hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra...”.
Related news
Trung tâm chẩn đoán Thú y T.Ư (thuộc Cục Thú Y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa cho biết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt tại xã Gia Thủy (huyện Nho Quan - Ninh Bình) là do vi rút gây bệnh xuất huyết mùa xuân (SCV) trên mẫu bệnh phẩm cá trắm cỏ tại cơ sở nuôi cá của anh Nguyễn Văn Kiên (xã Gia Thủy, Nho Quan).
Có thể so sánh mô hình nuôi trồng thủy sản kiểu mới này ở huyện Bình Đại (Bến Tre) cũng giống như mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo, gà ở các huyện trong tỉnh. Mô hình này có nhiều ưu điểm là ít vốn, an toàn, ăn chắc, bảo vệ môi trường, phù hợp với bà con nông dân khi không đủ vốn để nuôi tôm theo hướng công nghiệp.
Doanh nghiệp bảo hiểm than thua lỗ, chậm trễ trong việc bồi thường tiền bảo hiểm cho nông dân vì họ cho rằng một số hộ dân có dấu hiệu trục lợi qua việc bồi thường bảo hiểm.
Trước khi chia tách địa giới hành chính, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) là một trong những vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản (NTTS) của thành phố. Huyện xây dựng đề án NTTS quy mô lớn với quy hoạch 3 vùng nuôi nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Từ khi chia tách địa giới hành chính đến nay, phát triển thủy sản của Kiến Thụy gặp khó khăn do quy hoạch bị phá vỡ.
Hiện nay, người nuôi cá thuộc dự án nuôi thủy sản tập trung bắc sông Cửu An (Ninh Giang - Hải Dương) đang gặp khó khăn về giao thông, nguồn nước...