Bấp Bênh Đầu Ra Ngao Thương Phẩm
Những năm gần đây, nuôi ngao thực sự là nghề “nóng” của người dân ven biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, giá bán ngao thương phẩm đang giảm mạnh, thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Người dân phát triển nuôi ngao ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy xấu...
Những ngày này về các xã Sơn Hải, Quỳnh Thuận, Quỳnh Thọ, An Hòa (Quỳnh Lưu) đều nghe lời than thở của các chủ nuôi ngao. Giá ngao thịt rớt thảm hại nhất từ trước đến nay khiến nhiều hộ dân lao đao. Một chủ hộ nuôi ngao ở vùng triều xã Quỳnh Thuận cho biết: Những năm trước nuôi ngao cho thu nhập khá cao, nên nhiều gia đình nhận thầu với xã đầu tư nuôi ngao dọc vùng triều.
Nhiều hộ có tiềm lực kinh tế còn đầu tư nuôi ngao ở các xã Sơn Hải, An Hòa... Mỗi ha nuôi ngao, người dân phải đầu tư khoảng 400 triệu đồng (tiền con giống, cọc, lưới, công chăm sóc...), sau 16-18 tháng bắt đầu cho thu hoạch. Như giá bán năm ngoái, 1 ha đạt sản lượng 15-20 tấn, thu được khoảng 800 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Năm nay giá ngao thịt rớt mạnh, nên tính ra người nuôi đang chịu lỗ khoảng 300-400 triệu đồng/ha".
Nhớ lại thời điểm con ngao được du nhập vào địa bàn, anh Nguyễn Trường Sơn - cán bộ địa chính nông nghiệp xã Quỳnh Thọ chia sẻ: “Sự đổi đời của người dân Quỳnh Thọ được khơi nguồn khi con ngao trở thành đặc sản được thị trường ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Cũng từ đó, người dân đã nảy ra ý tưởng nuôi ngao ở các bãi bồi ven biển. Nắm bắt kịp thời nguyện vọng của người dân, xã đã có chủ trương khuyến khích phát triển nghề nuôi ngao, như quy hoạch vùng nuôi, tạo sự thông thoáng về cơ chế, chính sách và bảo đảm an ninh trật tự cho người dân nhận thầu vùng bãi triều. Hiện Quỳnh Thọ có hơn 20 ha nuôi ngao thương phẩm, với sự tham gia của 17 tổ hộ; năng suất bình quân 20 tấn/ha, cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương...”.
Ông Thái Bá Khang - Chủ tổ hội người nuôi trồng thủy, hải sản Quỳnh Thọ - Sơn Hải, người tiên phong xây dựng mô hình sản xuất ngao giống cho biết: Khi diện tích nuôi ngao được mở rộng cũng là lúc người dân đối mặt với vấn đề thiếu giống. Nguồn ngao giống tự nhiên ngày một cạn kiệt, các hộ nuôi phải mua con giống từ các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng thông qua khâu ương nuôi trung gian của các trại nuôi ở Thái Bình, Nam Định.
Do đường xa, lại mất nhiều công đoạn vận chuyển nên giá ngao giống được đẩy lên cao, lệ thuộc vào sự bất ổn của thương lái. Do vận chuyển xa, khi thả nuôi bị chết nhiều, ảnh hưởng tới năng suất cũng như chất lượng sản phẩm". Ngoài diện tích ương nuôi ngao giống với diện tích hơn 6.000m2, ông Khang còn nuôi 4ha ngao thương phẩm.
Rớt giá, khó tiêu thụ nên hiện nay, ông Khang vẫn chưa ước tính được còn bao nhiêu ngao tồn đọng dưới cát, trong khi chi phí duy trì đầm bãi ngày một tăng. Ngoài khó khăn về thị trường, ngao còn rất dễ bị chết nếu gặp điều kiện thời tiết, độ mặn của nước thay đổi bất thường hoặc ô nhiễm môi trường.
Khó khăn lớn nhất của nghề nuôi ngao hiện nay là việc xây dựng khâu liên kết giữa phát triển nguồn giống và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Nam - Xóm trưởng xóm 1, xã Sơn Hải lo lắng: "Vụ ngao năm nay, tôi vay tiền ngân hàng đầu tư gần 3 tỷ đồng cải tạo bãi bồi, mua giống nuôi 2 ha ngao thịt.
Nếu với mức giá 25.000đ/kg như vụ trước thì sẽ lãi 300-400 triệu đồng. Vậy nhưng với mức giá hiện nay: 14.000 đồng/1kg (loại 67 con/kg) và 12.500 đồng (loại 73 con/kg) thì lỗ nặng. Vậy nhưng, bế tắc nhất là không có người hỏi mua. Hiện tại tôi đang còn gần 100 tấn ngao thịt "ngâm" dưới cát đang bị "tắc" đầu ra. Chi phí đầu vào cao, chi phí phát sinh cao, nếu không bán được kịp thời dễ bị sạt nghiệp như chơi"...
Như mọi năm vào thời điểm này, các thương lái ở miền Bắc vào thu mua ngao để xuất sang Trung Quốc, xe chuyện dụng nườm nượp nối đuôi nhau về Sơn Hải "ăn hàng". Ngao xuất bãi bao nhiêu được thu mua bấy nhiêu. Tuy nhiên, năm nay thị trường Trung Quốc đột ngột đóng cửa, thương lái từ chối dẫn đến tồn đọng hàng trăm tấn ngao thương phẩm trên các bãi nuôi. Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: “Toàn xã có 1km bờ biển và khoảng 100 ha vùng bãi triều đủ điều kiện tốt để nuôi ngao.
Ngoài diện tích 50 ha cho các hộ nhận khoán, xã còn khoảng 30 ha để cho bà con khai thác ngao tự nhiên. Nhiều năm qua, ngao là đối tượng nuôi có lợi nhuận cao, với mức lãi từ 150-200 triệu đồng/ha. Năm nay ngao vừa rớt giá vừa khó tiêu thụ, hiện lượng ngao quá lứa còn tồn đọng dưới cát toàn xã là khoảng 1.000 tấn. Ngao không bán được, trong khi người nuôi vẫn phải chịu chi phí trông coi, lãi suất ngân hàng…
Khó chồng lên khó, giữa năm 2012, một số đầm nuôi ngao xuất hiện dịch bệnh khiến nhiều chủ đầm trắng tay. Nguyên nhân ngao ứ đọng, ngoài yếu tố đầu ra không ổn định cũng có một phần do nhiều hộ dân thấy nuôi ngao lãi lớn đã ồ ạt thuê bãi, đầu tư cải tạo đầm, trong khi có nhiều người dân chưa nắm vững quy trình kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi, thả giống mật độ quá dày gây ra tình trạng dịch bệnh, thua lỗ...
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, hiện tổng diện tích nuôi ngao của toàn huyện là 87 ha, diện tích tự nhiên khoanh nuôi có tác động là 40 ha, chủ yếu ở các xã Sơn Hải, Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận, An Hòa. Một lứa ngao tùy theo thả con giống to hay nhỏ mà thời gian nuôi từ 15-18 tháng, năng suất bình quân đạt khoảng 20 tấn/ha.
Thực tế sản xuất những năm qua cho thấy con ngao rất thích hợp với môi trường sống vùng bãi triều của Quỳnh Lưu, tỷ lệ sống cao, ngao thương phẩm vỏ trắng sáng, béo mẩy...
Tổng sản lượng thu hoạch ngao hàng năm đạt khoảng gần 2.000 tấn; góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân, đồng thời tạo việc làm cho ngư dân đang khai thác hải sản kém hiệu quả chuyển sang nuôi hải sản ven biển.
Để khai thác hiệu quả diện tích nuôi ngao trên theo hướng bền vững, UBND tỉnh đã có chủ trương quy hoạch tổng thể trên cơ sở phải phù hợp với quy hoạch rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, đến năm 2015 Quỳnh Lưu mở rộng diện tích lên 120 ha nuôi ngao. Và để phát triển nghề nuôi ngao bền vững, huyện đã phối hợp với các xã ven biển quy hoạch vùng nuôi; tập huấn kỹ thuật nuôi; khuyến cáo bà con không ồ ạt mở rộng diện tích theo phong trào khi thấy giá ngao tăng...
Hướng đi tuy rõ, nhưng người nuôi ngao đang chịu "thiệt đơn, thiệt kép" do phải chấp nhận nguồn giống trôi nổi, trong khi đầu ra bấp bênh. Để nghề nuôi ngao tiếp tục trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế thì điều quan trọng là các địa phương một mặt tìm cách tăng thị phần xuất khẩu, hướng đến những thị trường tuy khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng nhưng đầu ra có tính ổn định, đồng thời tìm hướng phát triển sang những thị trường tiềm năng mới.
Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, khi hầu hết người dân còn thụ động trong sản xuất thì các cấp chính quyền cần có chính sách hỗ trợ bà con về kỹ thuật, lãi suất vốn vay kinh doanh. Về lâu dài, cần xây dựng chiến lược sản xuất bằng việc quy hoạch vùng ương nuôi con giống, xây dựng thương hiệu, kết nối với những thị trường ổn định và gắn sản xuất với chế biến.
Related news
Theo ông Nguyễn Xuân Trương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hiện nay phong trào chăn nuôi ở xã đang phát triển mạnh về số hộ lẫn đàn vật nuôi, ngoài nuôi heo, gà... thì mô hình chăn nuôi dê đang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Giun (trùn) quế có chứa trên 8% axit, khi sử dụng làm thức ăn chăn nuôi giúp vật nuôi ăn khỏe, chóng lớn, ít bệnh tật, cho thịt thơm ngon hơn hẳn so với vật nuôi thông thường. Ngày càng có nhiều hãng sản xuất thức ăn công nghiệp quan tâm đưa bột trùn trộn vào thức ăn chăn nuôi để tạo sự khác biệt so với thức ăn thông thường, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Tận dụng lợi thế của một địa phương miền núi, với nhiều diện tích vườn cây ăn quả, đồi rừng, người dân xã Thành Kim (Thạch Thành - Thanh Hóa) đã phát triển nghề nuôi ong mật. Từ những hộ nuôi ban đầu cho hiệu quả kinh tế cao nên xã đã khuyến khích các hộ có điều kiện nhân rộng đàn ong.
Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho hay, trong 6 tháng của năm 2015, các doanh nghiệp trên địa bàn đã nhập khẩu gần 1,1 triệu tấn bắp. Để nhập khẩu lượng bắp trên, các doanh nghiệp phải chi ra gần 259 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước thì bắp nhập khẩu tăng gần 60% về lượng và 75% về giá.
Hàng chục triệu hộ chăn nuôi sẽ sống ra sao khi mà chỉ cần 10 doanh nghiệp nhập khẩu bò là đủ đáp ứng nhu cầu của hơn 90 triệu dân?