Mất mùa cam
Nhờ trồng cam, đời sống của người dân khấm khá, nhiều hộ trở thành triệu phú, tỷ phú.
Nhưng vụ cam năm nay, nhiều hộ trồng cam của xã đã phải nếm “trái đắng” khi toàn bộ diện tích cam chỉ đạt năng suất bằng ½ mọi năm.
Tại vườn cam của gia đình ông Nguyễn Văn Bình (thôn 1), khác hẳn cái không khí nhộn nhịp của mùa thu hoạch, vườn cam của gia đình ông có vẻ “đìu hiu”.
Ông Bình cho biết: “Mọi năm, vào thời điểm này, vườn cam nhà tôi nườm nượp khách vào mua hàng nhưng năm nay cam mất mùa, cả vườn chỉ ước vài tấn, số lượng cam giảm 40% so với năm ngoái nên không đáp ứng được nhu cầu thị trường”.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam, ông Nguyễn Văn Tấn lắc đầu buồn bã, bởi vườn cam rộng 2 mẫu của gia đình ông, chỉ đạt sản lượng quả bằng 50% sản lượng quả của năm ngoái.
Mặc dù giá bán cam tăng từ 3.000 - 5.000/kg nhưng năng suất giảm quá nhiều nên nguồn thu của gia đình ông từ cây cam cũng giảm một nửa.
Nếu như mọi năm, vào thời điểm này, vào các vườn cam tại Quảng Châu, cây nào cây ấy xum xuê quả, nhưng năm nay, cây nào cũng lác đác quả.
Theo những người trồng cam nơi đây, thời điểm cây cam ra hoa lại đúng vào dịp trời mưa nhiều, nên hoa không đậu quả.
Còn những cây ra hoa muộn, khi quả to bằng chén uống nước, gặp thời tiết bất thường, nắng gắt cộng với mưa rào, khiến cây cam rụng trái.
Mặc dù, người trồng cam Quảng Châu đã sử dụng nhiều biện pháp như: sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để chống rụng trái, đánh bầu… nhưng mọi cố gắng của người dân không chống chịu được với sự khắc nghiệt của thời tiết.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Toàn xã có trên 40 ha đất trồng cam, trong đó 70% diện tích trồng cam đã cho thu hoạch.
Đa số người dân trong xã trồng cây cam đường canh.
Năm trước, sản lượng cam của toàn xã đạt khoảng 250 tấn nhưng năm nay sản lượng cam chỉ bằng 50% sản lượng cam năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sản lượng giảm là do yếu tố bất thường của thời tiết”.
Năng suất giảm, trong khi chi phí đầu vào như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, khiến không ít người trồng cam Quảng Châu phiền lòng.
Ông Bình chia sẻ: “Nếu bán cả vườn cam, số tiền thu về chỉ đủ để thuê người làm và trả tiền phân bón.
Biết không có lãi nhưng do sản xuất bấp bênh, người dân chỉ biết trông ngóng vào thời tiết, cầu mong mưa thuận gió hòa”.
Cùng tâm trạng với ông Bình, ông Trần Văn Duy bùi ngùi chia sẻ: “Năm ngoái cam được mùa, người trồng cam chúng tôi rất phấn khởi.
Năm nay, nhiều người thua lỗ nặng vì trồng cam.
Cây cam không những không cho quả mà mưa nắng thất thường, khiến cam trút lá, bộ rễ của cam bị hỏng, nên sau vụ thu hoạch, chúng tôi phải đánh bỏ những cây đó”.
Cam mất mùa không phải là tình cảnh riêng gia đình ông Bình và ông Tấn mà còn là tình trạng chung của tất cả các hộ trồng cam trên vùng đất bãi Quảng Châu.
Khi sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết thì nông sản không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn “được giá thì mất mùa, được mùa thì rớt giá”.
Related news

Xí nghiệp gà giống Tam Đảo, thuộc Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam, chuyên cung cấp cho thị trường giống gà Ross 308 (giống gà của Mỹ). Với khoảng 50.000 gà giống bố mẹ, mỗi năm, Xí nghiệp cung cấp cho các trang trại, cơ sở chăn nuôi khoảng 4,7 vạn gà giống. Để đảm bảo nguồn gà giống khỏe mạnh, Xí nghiệp đặc biệt coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh.

Cây điều nhiều năm mất mùa, mất giá, nhưng thay đổi loại cây trồng khác trên diện tích đất đồi dốc là điều rất khó đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Điểu Đan ở thôn 5, xã Minh Hưng (Bù Đăng - Bình Phước) đã lên rừng mang giống rau nhíp về trồng xen trong vườn điều và ca cao. Đây là cách làm mới, vừa tăng thu nhập, vừa giúp bảo tồn một loại cây thực phẩm, có dược tính của đồng bào Xêtiêng ở Bình Phước.

Từ lần gặp đầu tiên, tôi rất ấn tượng với chú bởi tác phong nhanh nhẹn và cởi mở. Chú là người biết nắm bắt cơ hội để làm kinh tế gia đình: nuôi ong lấy mật và làm du lịch. Chú Lê Hữu Phước, 58 tuổi, một nông dân chân chất, thích học hỏi, ngụ ở ấp Phú Hiệp - xã Vĩnh Bình (Chợ Lách - Bến Tre).

Thời gian qua, một số nông dân trồng rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bỏ cây tràm chuyển qua trồng cây xà cừ. Theo các hộ dân, trồng xà cừ lợi nhuận cao hơn 3 lần trồng tràm và tốn ít công hơn. Ông Hồ Sơn Tư, chủ trang trại lớn ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc - Đồng Nai), cho biết với diện tích khoảng 25 hécta xà cừ năm thứ 12 - 13, hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất gỗ tới hỏi mua với giá 2,5 - 3 triệu đồng/m3. Sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 600 triệu đồng/hécta.

Huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) có trên 9.240ha trồng cây ăn trái, trong đó có 2.408ha cam sành. Nhờ làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đưa cây có múi xuống chân ruộng đang được nông dân huyện Trà Ôn phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.