Chú Trọng Phát Triển Nông Nghiệp Công Nghệ Cao
Để tiếp tục sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong điều kiện đô thị hóa nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhiều nông dân trong tỉnh đã chuyển hướng sang làm nông nghiệp đô thị (NNĐT), nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC)…
Đầu tư cho nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao để ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Trong ảnh: Ông Đoàn Thái Sơn, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một bên mô hình trồng lan của mình Ảnh: N.TRẦN
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phát triển NNĐT, NNCNC còn là hướng đi nhằm giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm nông nghiệp khi đến tay người tiêu dùng.
Trong những năm qua, Bình Dương luôn chú trọng phát triển các mô hình NNĐT, NNCNC. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều trang trại, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP, đạt chuẩn Viet GAP giúp sản phẩm nông nghiệp đến với người tiêu dùng nhiều hơn. Tuy nhiên, kết quả và hiệu quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.
Mới đây, đoàn cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ban, ngành liên quan của tỉnh đã tổ chức tham quan, học tập mô hình hoạt động NNCNC tại TP.HCM nhằm đúc kết kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp khảthi đểxây dựng, áp dụng vànhân rộng cho bàcon nông dân trong tỉnh.
Dự án khu NNCNC tại TP.HCM được thành lập năm 2004 với tổng diện tích 88,17 ha, vốn đầu tư 152 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hình thành các vùng sản xuất NNCNC. Qua đó tác động tích cực vào việc chuyển đổi nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng CNC vào sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững.
Dự án khu NNCNC tại TP.HCM còn thực hiện các hoạt động ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tư vấn chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình, hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực, kêu gọi đầu tư...
Dự án được chia thành nhiều phân khu như khu thí nghiệm và trưng bày sản phẩm, khu nhà kính, khu học tập và chuyển giao công nghệ, khu bảo quản chế biến, khu lâm sinh và cảnh quan… tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Tấn Bình, quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: “Hiện nay việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp đang hết sức cần thiết. Qua chuyến tham quan và tìm hiểu mô hình ở TP.HCM, chúng tôi nhận thấy có nhiều vấn đề phù hợp với điều kiện nông nghiệp ở Bình Dương trong giai đoạn hiện nay.
Từ đúc kết một số kinh nghiệm của mô hình sản xuất NNCNC, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chế độ, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất NNCNC nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững; đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án NNĐT, NNCNC và chuyển giao những mô hình đạt hiệu quả cao”.
Để NNĐT, NNCNC phát triển ổn định, ngoài các chính sách của địa phương, các nhà chuyên môn cũng cho rằng cần chú trọng đến quy trình chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biết ứng dụng NNCNC, cũng như khả năng lan tỏa của mô hình đến người dân…
Related news
Người nuôi cá lóc ở ĐBSCL đang thắng lớn khi giá cá đang đứng ở mức 42.000-45.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí người nuôi thu về lợi nhuận từ 10.000-15.000 đồng/kg.
Với lợi thế vùng đồng màu cùng với kinh nghiệm sản xuất qua nhiều năm tích lũy, các hộ nông dân xã Giao Phong (Giao Thủy) đã thực hiện nhiều biện pháp thâm canh, chuyển đổi mạnh về cơ cấu cây trồng với các công thức luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng cây rau màu trái vụ một cách hợp lý, phù hợp với từng chất đất và mùa vụ, tổ chức sản xuất hàng hóa gắn với dịch vụ thị trường tạo nên nhiều cánh đồng cho thu nhập hàng trăm triệu trên mỗi ha.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: 1- Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; 2- Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; 3- Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; 4- Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.
Thuộc diện hộ nghèo của xã Cam Thủy (Cam Lộ), gia đình ông Lê Phước Hoàng được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất ở vùng kinh tế mới Cam Thủy Bắc để phát triển sản xuất. Có đất đai và sức lao động nhưng vì không có vốn đầu tư sản xuất nên thời gian đầu ông Hoàng chỉ trồng được vài giống cây ngắn ngày.
Hồ tiêu là một trong những loại cây chủ lực xóa đói giảm nghèo ở xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tuy nhiên, khoảng từ năm 2009-2012 vì lý do cây bị bệnh chết nhanh, giá cả không ổn định nên nhiều người dân tạm ngừng trồng tiêu, chuyển sang trồng các loại cây khác.