Chỉ Giữ Lại 50.000 Héc Ta Hồ Tiêu

Hiện Việt Nam có khoảng 60.000 héc ta hồ tiêu, nhưng theo qui hoạch phát triển ngành hồ tiêu đến năm 2020 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thì diện tích trồng loại nông sản này được giới hạn ở mức 50.000 héc ta.
Theo Quyết định 1442 về quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT) vừa ban hành, đến năm 2020 diện tích trồng hồ tiêu của cả nước sẽ giữ ổn định ở mức 50.000 héc ta, năng suất trung bình 3 tấn/héc ta và giá trị xuất khẩu mang về cho Việt Nam từ 1,2-1,3 tỉ đô la Mỹ.
Cũng theo quyết định này, trong những năm tới, Bình Phước sẽ có 10.000 héc ta, trở thành tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất cả nước. Tiếp đến là Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đắk Nông mỗi tỉnh sẽ có 7.000 héc ta hồ tiêu, Gia Lai là 5.500 héc ta, Đăk Lăk sẽ ổn định ở con số 5.000 héc ta.
Ngoài ra, các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đều nằm trong vùng quy hoạch nhưng diện tích chỉ từ vài trăm đến trên 1.000 héc ta tùy theo mỗi tỉnh.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết do mấy năm qua giá hồ tiêu luôn ở mức cao nên người dân đã chặt bỏ cây điều, khoai mì (sắn)... chuyển sang trồng tiêu. Hiện tổng diện tích trồng hồ tiêu cả nước ước tính đã ở quanh con số 60.000 héc ta, trong khi theo quy hoạch Bộ NN – PTNT muốn giữ ở mức ổn định 50.000 héc ta.
Để giữ được diện tích theo qui hoạch, Bộ NN - PTNT cho biết đối với diện tích hồ tiêu già cỗi, thoái hóa khi tái canh lại cần xét điều kiện sinh thái xem có phù hợp với hồ tiêu hay không, nếu không phù hợp thì chuyển sang cây trồng khác. Theo quyết định này, diện tích trồng hồ tiêu không nằm trong quy hoạch nhưng cần tái canh lại, Bộ NN – PTNT khuyến khích người dân chuyển sang trồng các loại cây khác theo đúng quy hoạch của từng địa phương.
Theo đánh giá của VPA, mục tiêu xuất khẩu 1,2 - 1,3 tỉ đô la Mỹ là con số mà ngành hồ tiêu có thể đạt được. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, cho biết trong năm nay, nhiều khả năng, ngành hồ tiêu sẽ gia nhập vào nhóm mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên.
Số liệu thống kê của Bộ NN - PTNT cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay Việt Nam đã xuất khẩu 111.000 tấn hồ tiêu với kim ngạch 790 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 36% về lượng và gần 48% về giá trị.
Ngày 2-7, giá hồ tiêu tại các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên dao động từ 167.000 -173.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với ngày trước.
Related news

Mới đây, Sở NN&PTNT Sóc Trăng, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã khảo sát và trao đổi với xã viên hợp tác xã nuôi tôm Hòa Nghĩa – xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu về hiện tượng tôm chết sớm xảy ra vào đầu tháng 8, khiến bà con rất lo lắng.

Trong khi đó, bệnh thủy sản phát sinh nhiều do thời tiết trong mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về làm giảm chất lượng nước trên sông. Bệnh trên cá tra nuôi thương phẩm chủ yếu là bệnh xuất huyết, gan thận mủ và trắng gan trắng mang với tỷ lệ nhiễm từ 10 - 20%; trên cá nuôi lồng bè chủ yếu là bệnh xuất huyết, phù đầu, nổ mắt, thối mang với tỷ lệ nhiễm từ 10 - 15%.

Sản lượng khai thác thủy sản trong tháng 8 ước đạt 258.000 tấn, đưa tổng sản lượng khai thác 8 tháng đầu năm lên trên 1,9 triệu tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chủ các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai vừa ký vào bản cam kết không sử dụng chất cấm trong nuôi heo. Theo cam kết này, người chăn nuôi sẽ tham gia giám sát, tố cáo khi phát hiện những trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm.

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp đặc biệt là trên lĩnh vực chăn nuôi, năm 2011, UBND huyện Vân Canh (Bình Định) triển khai Đề án lai tạo đàn bò, giao Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với UBND 7 xã-thị trấn thực hiện...