Chăn Nuôi Thủy Sản Đang Từng Bước Phát Triển
Phát huy lợi thế mặt nước, thực hiện đa dạng hóa cây trồng vật nuôi nhằm khai thác nguồn lực phục vụ phát triển, thời gian qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang được nhiều hộ dân quan tâm, mở rộng quy mô, diện tích chăn nuôi, góp phần đáng kể trong nâng cao thu nhập cho người dân.
Gia đình chị Đỗ Thị Phương, ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa - Đắk Nông) nhiều năm nay đã tận dụng bằng việc đào ao vừa trữ nước tưới cho cây cà phê, hồ tiêu vừa để nuôi cá.
Chị Phương cho biết: “Ngoài việc tập trung đầu tư chăm sóc cây trồng chủ lực như cà phê, tiêu thì từ ngày nuôi cá, gia đình tôi không chỉ có thêm nguồn thu nhập đáng kể mà còn tận dụng được lao động nhàn rỗi. Vừa qua, gia đình tôi được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thị xã Gia Nghĩa chọn tham gia mô hình nuôi cá chép V1 và một số loại cá khác. Khi tham gia mô hình, gia đình được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cụ thể nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Trong quá trình nuôi, cá phát triển nhanh; sau 6 tháng, trung bình mỗi con cá chép và rô phi nặng 0,7 kg; cá trắm và cá mè nặng khoảng 1,5 kg, năng suất đạt 14 tạ/sào”.
Vì mới nuôi thử nghiệm nên hiện gia đình chị Phương có 5 sào ao nhưng chỉ mới dùng 1 sào để nuôi cá. Mỗi lứa cá thường nuôi khoảng 6 - 7 tháng là thu hoạch và cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình, trong thời gian tới, gia đình sẽ đầu tư vốn để mở rộng mô hình, chăn nuôi bài bản, chọn các giống cá cho năng suất và chất lượng thịt ngon để nuôi toàn bộ diện tích ao còn lại.
Nhiều năm nay, ông Lê Văn Vui ở phường Nghĩa Thành cũng đã tận dụng 1 ha diện tích mặt nước để nuôi các loại cá như chép, trắm cỏ, rô phi, cá mè, diêu hồng… Mỗi năm gia đình ông Vui thu hoạch khoảng 15 - 20 tấn cá, thu về lãi ròng khoảng 200 triệu đồng.
Trong thời gian qua, nhằm giúp các hộ dân nắm bắt được kỹ thuật nuôi cá, Trung tâm Khuyến nông -Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trạm khuyến nông - khuyến ngư các huyện và thị xã đã xây dựng các mô hình, chuyển giao kỹ thuật cho người dân nuôi các loại cá mang lại hiệu quả kinh tế cao, có đầu ra ổn định.
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình và đưa các giống thủy sản có chất lượng cao để giúp người dân phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tỉnh ta rất có tiềm năng về phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt nên nếu chính quyền địa phương và người dân quan tâm, có hướng khai thác tốt thì sẽ góp phần đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể.
Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 53 ha so với năm 2013, đưa tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh lên 1.228 ha. Hiện nay, vào thời điểm mùa khô, mực nước giảm nên cũng là thời điểm thu hoạch chính của người nuôi thủy sản.
Tính đến hết tháng 11, sản lượng thủy sản khai thác trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 3.200 tấn, tăng khoảng 350 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá nuôi chiếm trên 70%, còn lại là khai thác tự nhiên.
Hiện nay, việc nuôi trồng thủy sản chủ yếu là các loài cá truyền thống như mè, trắm, trôi, chép chiếm 70%; rô phi, diêu hồng chiếm khoảng 20%, còn lại là thủy sản đặc sản như cá tầm, lăng, lóc, bống, cua đồng… chủ yếu được người dân tận dụng mặt nước tại các lòng hồ như thủy điện Đồng Nai 3, hồ Đắk R’tíh, Krông Nô.
Related news
Tuy không phải vụ chính nhưng sản xuất cây vụ đông ở huyện Định Hóa những năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện rõ nét qua sự thay đổi tư duy sản xuất của bà con với việc mạnh dạn đưa nhiều loại cây trồng có năng suất cao vào sản xuất...
Tuy tiềm lực không thể so sánh với các Cty có vốn ngoại, nhưng một số Cty chăn nuôi có vốn nội cũng đã và đang mạnh dạn phát triển theo hướng trở thành một Cty thực phẩm, khép kín từ đầu vào, chăn nuôi tới giết mổ, chế biến và tiêu thụ. Một ví dụ điển hình là Cty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood).
Với 20 xã nông thôn, đến hết tháng 10, bình quân tiêu chí của huyện đã đạt 13,7 tiêu chí/xã, tăng 8,9 tiêu chí/xã so với năm 2011. Đây là mức tăng mạnh không chỉ với Thái Nguyên mà còn với nhiều địa phương khác của các tỉnh trung miền núi phía Bắc (bình quân tiêu chí của các địa phương trong vùng chỉ tăng từ 5-6 tiêu chí).
Hiện nay, thương lái vào tận bè thu mua từ 40.000 - 42.000đ/kg, cao gấp đôi so với cá tra. Với mức giá cá hú thương phẩm hiện tại được xem là cao nhất trong 10 năm qua, do thị trường nội địa khan hiếm mặt hàng này. Ngoài tiêu thụ ở các chợ truyền thống các tỉnh ĐBSCL, thương lái còn đưa đi các tỉnh, thành như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước và Buôn Ma Thuật tiêu thụ. Bình quân mỗi ngày có ít nhất 50 tấn cá xuất đi.
Vào những ngày đầu tháng 10 vừa qua, khi toàn ngành nông nghiệp, các địa phương và bà con nông dân trong tỉnh đang dồn sức cho sản xuất vụ đông, chúng tôi có dịp đi cùng đoàn công tác của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đến kiểm tra tình hình và động viên bà con nông dân sản xuất vụ đông 2014-2015 tại một số địa phương.