Phát Triển Gieo Sạ Thẳng Ở Thái Bình
Gieo thẳng - vấn đề không mới nhưng hiện vẫn còn những tranh cãi nên hay không nên mở rộng trong vụ lúa đông xuân ở miền Bắc có mùa đông lạnh. Thậm chí vụ sản xuất lúa đang diễn ra, 1 tỉnh vùng Bắc Trung bộ, trong văn bản chỉ đạo thời vụ mới đây còn "cấm" dân gieo thẳng vì lo rủi ro. Chúng tôi cho rằng điều đó trái với chủ trương chung của Ngành là khuyến khích gieo thẳng để giảm sức dân, rút gọn thời vụ, tiết kiệm chi phí...
XU THẾ TẤT YẾU
Nhìn lại tốc độ tăng về diện tích lúa gieo thẳng thì tính từ vụ xuân 2008 toàn tỉnh Thái Bình mới chỉ đạt gần 800 ha, vụ này nó được phổ biến như một giải pháp tình thế khắc phục tình trạng lúa xuân chết rét và không đủ quỹ thời gian để làm mạ, đến vụ xuân 2009 diện tích gieo sạ gieo vãi đạt 3.952ha, vụ xuân 2010 diện tích gieo thẳng tăng vụt lên 11.374 ha. Còn vụ xuân 2011 tuy gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất thuận, song diện tích gieo thẳng của Thái Bình vẫn đạt tới 16.360 ha, chiếm 19,85% tổng diện tích gieo cấy, tăng gấp 20 lần so với năm 2008 và tăng 43,84% so với vụ xuân 2010. Đặc biệt có 3 xã diện tích gieo thẳng trên 300 ha: Xã Mê Linh - Đông Hưng đạt 349,2 ha, chiếm 90,7% diện tích gieo cấy của toàn xã; xã Đông Hoàng - Tiền Hải đạt 338 ha, chiếm 85,38% diện tích gieo cấy; xã Duy Nhất - Vũ Thư đạt 327 ha, chiếm 76,5% diện tích gieo cấy. Huyện có diện tích gieo thẳng lớn nhất là Vũ Thư đạt 4.018 ha, chiếm 45,6% diện tích gieo cấy; Đông Hưng đạt 4.004 ha lúa gieo thẳng chiếm 32,2% diện tích gieo cấy toàn huyện.
Vụ xuân 2011 là một vụ rét đậm, rét hại và rét dài với số ngày nhiệt độ liên tục ở ngưỡng nhỏ hơn 15oC tới trên 40 ngày cao hơn con số ngày rét của năm 2008 là 38 ngày, đặc biệt là rét sang gần hết nửa tháng 3, rét ngay sau lịch gieo thẳng, rét khiến cây lúa không ra được rễ mới, chưa bao giờ gieo thẳng lại gặp khó khăn như vậy, một số địa phương người dân hoang mang và hàng trăm ha đã bị "xoa" đi cấy lại. Nhưng đó chỉ là những hộ không đủ khả năng bình tĩnh và tuân thủ quy trình không nghiêm, trên 16 ngàn ha gieo thẳng được hướng dẫn chăm sóc hợp lý, giữ nước đều, sử dụng phân thúc bằng NPK hỗn hợp, phức hợp, phun các chất hỗ trợ sinh trưởng như ET, KH, 3M... gặp thời tiết thuận tháng 4 đã “bùng lên” như hóa. Lúa xuân gieo thẳng nhanh chóng đạt số dảnh tối đa và phân hóa đòng vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, trổ bông cuối tháng 5, suốt giai đoạn này nền nhiệt, ánh sáng, mưa và ẩm độ hết sức phù hợp cho lúa hình thành hoa và trổ bông phơi màu. Có những điển hình năng suất lúa gieo thẳng cao nhất từ trước đến nay: giống lúa chất lượng T10 của gia đình ông Khuyến - xã Đông Trà - Tiền Hải đạt 274 kg/sào (76,1tạ/ha), BC15 của gia đình chị Thu - xã Thuỵ Dân - Thái Thuỵ đạt 350 kg/sào (97tạ/ha).
Bốn vụ xuân, với bốn loại hình thời tiết khác nhau, kết quả theo dõi và thống kê trên hầu hết diện tích gieo thẳng đều được mùa, cho năng suất cao hơn và chí ít không thua kém lúa cấy mạ dược. Điều này khẳng định gieo thẳng có thể áp dụng thành công cho nhiều giống lúa ngắn ngày, và mọi dạng hình thời tiết, là giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Gieo thẳng còn là giải pháp canh tác mang đậm tính nhân văn, tiết kiệm chi phí và hạ giá thành. Gieo thẳng không những giải quyết được khâu thiếu lao động mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào: do tiết kiệm giống từ 30-50%, tiết kiệm công làm mạ và nilon che đậy, tiết kiệm công cấy 100.000-120.000 đồng /sào... mà còn rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa từ 7-10 ngày, nếu thực hiện đúng quy trình kỹ thuật năng suất lúa gieo thẳng tăng từ 10% trở lên so với lúa cấy.
Do những ưu điểm đó nên diện tích gieo thẳng không ngừng tăng lên hàng năm, và đã trở thành xu hướng tất yếu trong sản xuất lúa hàng hoá.
5 CÙNG, 3 KHÔNG
Điều đáng lưu ý là thông qua biện pháp gieo thẳng đã hình thành các nhóm liên kết tự nguyện (5 cùng): cùng 1 vùng, gieo cùng 1 giống, cùng thời vụ, cùng chăm sóc, điều tiết nước, cùng thu hoạch... nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tạo ra vùng hàng hoá tập trung quy mô lớn để từng bước áp dụng cơ giới hoá khâu gặt, không những giảm lao động nặng nhọc cho dân, rút ngắn thời gian thu hoạch, mà còn giảm được chi phí sản xuất trung bình từ 250.000-300.000 đ/sào.
Một số địa phương đã áp dụng cho vùng sản xuất lúa giống (Đông Quý - Tiền Hải, Nguyên Xá - Vũ Thư), hay lúa Nhật hàng hoá (Vũ Hoà - Kiến Xương, Song An - Vũ Thư)..., lúa nếp đặc sản (Vũ Tây - Kiến Xương)... là thực hiện thêm được "3 không" trong sản xuất: không cấy, không gặt, không phơi (bán lúa tươi).
Đây là tiền đề cho sản xuất hàng hoá, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Gieo thẳng giải phóng phụ nữ khỏi các khâu lao động nặng nhọc nhất trong làm lúa là khâu cấy: “còng lưng, bán mặt cho đất bán lưng cho trời”.
Những bài học kinh nghiệm sau 4 năm ứng dụng gieo thẳng ở Thái Bình:
- Phải có sự chỉ đạo sát sao của các cấp các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chính quyền cơ sở nhất là bà con nông dân.
- Có chính sách hỗ trợ, động viên tạo động lực ban đầu để bà con nông dân áp dụng từ đó tạo sức mạnh lan tỏa ra toàn địa phương. Cụ thể ở Thái Bình, tỉnh, huyện có chính sách hỗ trợ dụng cụ sạ hàng, máy làm đất, máy gặt đập liên hợp...; ngoài ra nhiều huyện, xã có chính sách hỗ trợ thuốc trừ cỏ, giống...
- Tập huấn, chuyển giao đào tạo và huấn luyện kỹ thuật cho cán bộ cơ sở và bà con nông dân từ đầu vụ và thường xuyên hàng vụ, hàng năm. Các mô hình phải được triển khai rộng và đồng bộ, sức thuyết phục cao, công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật phải được chú trọng thường xuyên, trên mọi phương tiện thông tin truyền thông (đài PTTH, báo, hệ thống truyền phát thanh huyện, xã).
- Phải quy hoạch vùng chủ động tưới tiêu, định hướng để các hộ nông dân thảo luận, tạo sự đồng thuận cao để liên kết sản xuất: chọn giống lúa, chọn người ngâm ủ cho cả thôn, chọn người khéo kỹ thuật đi sạ cho thôn, và áp dụng phun thuốc cỏ đồng bộ ngay sau sạ hàng, tiết nước hợp lý để cho lúa gieo sạ sinh trưởng thuận lợi.
- Kịp thời tổng kết rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, đánh giá những khâu đã làm tốt, những điển hình cần học tập nhân rộng, những hạn chế khó khăn cần khắc phục.
Mục tiêu của Thái Bình: Đưa diện tích gieo thẳng vụ xuân 2012 lên trên 20 ngàn ha, phấn đấu đạt 24-25 ngàn ha vào 2015. Tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật gieo thẳng, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả.
Để đạt được mục tiêu trên cần tập trung vào một số khâu trọng điểm sau:
- Tăng cường tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nâng cao nhận thức về sản xuất hàng hoá, mở rộng thị trường đồng thời tiếp tục hỗ trợ máy làm đất, máy gặt đập liên hợp cho nông dân.
- Đẩy mạnh liên kết nhóm "5 cùng, 3 không" trong sản xuất, gắn với liên kết, hợp tác trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, kể cả hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất...
- Hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất, cứng hoá kênh mương, dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất và có cơ chế quy vùng sạ lúa chất lượng, lúa hàng hoá cả 2 vụ xuân muộn, mùa sớm, cây vụ đông để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập nâng cao đời sống cho dân.
Hy vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, gieo sạ liên kết "5 cùng, 3 không" sẽ là phương thức mới trong sản xuất lúa không riêng chỉ Thái Bình
Related news
Trong khi đó ở Thạch Thành (Thanh Hóa), nhiều gia đình lại đang có thu nhập cao từ con nuôi đặc sản, được bà con duy trì trong nhiều năm, theo hướng mở rộng sản xuất, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Sau hơn 6 tháng ứng dụng quy trình sản xuất hành lá theo tiêu chuẩn VietGAP, sáng 27/11/2014, Chi cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long phối hợp Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6 trao giấy chứng nhận VietGAP (ảnh) cho 10 nông dân của Hợp tác xã Rau - củ quả Tân Bình (ấp Tân Thới, xã Tân Bình, Bình Tân, Vĩnh Long), với tổng diện tích 5ha. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 86 triệu đồng, thời hạn 2 năm.
Ông Phạm Văn Trường, ấp 2, xã Long Hòa cho biết: Lúa trồng ở đây đảm bảo sạch 100%, không dư lượng thuốc BVTV. Lúa bị sâu, rầy bà con xả nước vào ngập đọt ngâm khoảng 12 giờ rồi xả nước ra không con nào sống nổi. Các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao được trồng trên đất nuôi thủy sản.
Trạm Bảo vệ thực vật Bến Cát - Bàu Bàng cho biết, hiện trên địa bàn xuất hiện rệp vảy hại cây cao su, tập trung chủ yếu ở các bộ phận lá, ngọn non và cành. Rệp vảy chích hút chất dinh dưỡng làm cho lá không quang hợp được ánh sáng, cây sinh trưởng chậm, thậm chí làm các cành và cây cao su khô héo rồi chết.
Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giúp nông dân giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm, nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất mà còn tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao, đồng đều, an toàn cho người sử dụng và môi trường.