Chăn Nuôi Gặp Khó Khăn Ở Vĩnh Long
Giá nhiều loại gia súc, gia cầm (GS, GC) giảm xuống dưới giá thành mà theo nhiều hộ chăn nuôi là do dịch bệnh bùng phát tại nhiều tỉnh, thành khiến người tiêu dùng hạn chế sử dụng thịt. Hậu quả, hàng loạt hộ chăn nuôi rơi vào cảnh khó khăn.
Nuôi heo, gà đều lỗ
Hiện giá gà công nghiệp tại một số chợ chỉ còn khoảng 40.000 - 45.000 đ/kg (giảm vài ngàn đ/kg), gà vườn 90.000 - 100.000 đ/kg.
Trong khi đó, do ảnh hưởng dịch heo tai xanh nên giá heo hơi cũng giảm mạnh. Hiện thương lái mua heo hơi ở một số tỉnh ĐBSCL những ngày qua chỉ từ 37.000 - 38.000 đ/kg (đối với trang trại lớn) và 33.000- 34.000 đ/kg (đối với hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ).
Mỗi ký heo bán đi người chăn nuôi lỗ khoảng 8.000đ. “Nếu tình hình này kéo dài thì người nuôi nhỏ lẻ sẽ bỏ chuồng, còn các trang trại cũng phải tính lại phương án chăn nuôi”- một hộ chăn nuôi ở huyện Mang Thít cho biết.
Anh Võ Văn Vĩnh (xã Tân Phú- Tam Bình - Vĩnh Long) cho biết: Hơn 10 năm chăn nuôi heo nhưng chưa thấy năm nào giá heo hơi lại xuống thấp hơn giá thành và lâu phục hồi như năm nay.
“Gia đình tôi còn hơn 10 con heo thịt đến thời điểm xuất bán nhưng với mức giá này thì không thể bán được. Nếu bán với giá 37.000 đ/kg, sẽ bị lỗ ít nhất 500.000đ mỗi con nên chỉ còn cách neo lại, hy vọng giá nhích lên để bớt thua lỗ”.
Theo tính toán của anh Vĩnh, đầu tư nuôi mỗi con heo hơn 4 triệu đồng, trong khi heo hơi bán ra chỉ khoảng 3,7 triệu đ/tạ (100kg). Những năm trước, thời điểm này chuồng heo của anh có trên dưới 50 con nhưng hiện đã giảm phân nửa số lượng.
Giảm số lượng nuôi cũng là hoàn cảnh chung của nhiều hộ nuôi heo khác. Ông Nguyễn Văn Cao (Sáu Cao, xã Trường An- TP Vĩnh Long) cho biết: Lúc trước, trung bình trong chuồng lúc nào cũng có khoảng 70 con heo, kể cả heo thịt và heo nái nhưng hiện chỉ còn hơn 10 con. Nhiều hộ nuôi heo lân cận cũng đã nghỉ nuôi hoặc giảm đàn khá nhiều.
Theo ông Sáu Cao, sở dĩ còn cầm cự nuôi nổi bởi ông tận dụng các phụ phẩm trong quá trình nấu rượu của gia đình nên giảm chi phí trong việc mua thức ăn. Tuy nhiên, “nếu tình trạng rớt giá kéo dài, chắc tôi cũng nghỉ nuôi vì không còn đủ vốn để cầm cự trong thời gian dài”- ông Sáu Cao nói.
Theo nhiều hộ nuôi, sở dĩ họ e ngại việc tái đàn do lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Tại Vĩnh Long, mặc dù ngành thú y đã đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh GS, GC nhưng tỷ lệ tiêm phòng vẫn còn khá thấp, đặc biệt đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ.
Ông Lê Thanh Tùng- Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long từng cho biết: Phần lớn người chăn nuôi heo nhỏ lẻ ít quan tâm công tác tiêm phòng nên nhiều khả năng dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Chuyển đổi chăn nuôi an toàn sinh học
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm gần đây các mô hình chăn nuôi heo, gà hướng tập trung quy mô lớn đang được khuyến khích đầu tư và phát triển khá mạnh.
Anh Lê Tiến Dũng - chủ trang trại nuôi hàng ngàn con heo và gà ở xã Phú Lộc (Tam Bình) cho biết, đã áp dụng nuôi theo hướng an toàn sinh học từ năm 2006 hiệu quả rất khả quan. Trung bình mỗi năm, trang trại của anh nuôi khoảng 150 heo nái và 30 heo giống nhập, còn lại heo thịt.
Các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn chăn nuôi tại trang trại được thực hiện nghiêm ngặt. Ai vào khu vực chuồng bắt buộc phải khoác đồ đã được khử khuẩn. Nhờ chú trọng đến môi trường chăn nuôi và chất lượng giống ngay từ đầu nên đàn heo của trang trại phát triển nhanh. Thời gian nuôi heo con từ lúc cai sữa đến khi xuất chuồng đạt trọng lượng 100kg/con chỉ mất 3 - 3,5 tháng.
Ngoài ra, để cân bằng giữa phát triển chăn nuôi với bảo vệ môi trường, anh Dũng còn mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất khí biogas từ phụ phẩm chăn nuôi phục vụ việc nấu nướng và phát điện góp phần giảm chi phí về điện cho hoạt động chăn nuôi.
Trong khi đó, theo ông Võ Văn Vĩnh, nếu chăn nuôi hướng này phải đầu tư nguồn vốn rất lớn nên không phải ai cũng đủ điều kiện để nuôi.
Vì vậy, theo ông Vĩnh trước mắt để người chăn nuôi nhỏ lẻ “sống” được trong tình cảnh chưa thể thực hiện đồng bộ chăn nuôi an toàn sinh học thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn để giúp hộ nuôi tái đàn, ổn định đời sống.
Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đang thực hiện hỗ trợ người nuôi heo, gà theo quy trình sản xuất tốt (VietGAP), với tổng kinh phí trên 5,1 tỷ đồng.
Theo đó, dự án sẽ thực hiện giai đoạn từ 2012 - 2015, tại tất cả địa phương trong tỉnh. Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống và chi phí lần đầu tư vấn chứng nhận VietGAP. Người nuôi sẽ đối ứng vốn đầu tư cơ sở, thiết bị nuôi.
Mục tiêu chung dự án là hình thành các mô hình chăn nuôi heo, gà theo hướng an toàn sinh học nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu dịch bệnh; tiến tới phát triển ngành chăn nuôi an toàn, bền vững, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường…
Ông Lê Thanh Tùng cho rằng: “Ngành chăn nuôi cần mạnh dạn thay đổi, chuyển sang mô hình nuôi công nghiệp, nuôi tập trung, quy mô lớn, có quy hoạch đầu tư rõ ràng. Đây là hướng đi tất yếu để ngành chăn nuôi phát triển bền vững”.
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên gia súc - gia cầm
Trước diễn biến phức tạp dịch bệnh trên đàn GS, GC, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác phòng, chống. Những địa phương chưa xuất hiện dịch bệnh cần tăng cường phòng chống dịch tránh lây lan; chủ động rà soát dịch bệnh khu vực trọng điểm chăn nuôi, nơi có ổ dịch cũ và nguy cơ phát sinh dịch nhằm phát hiện sớm để xử lý kịp thời. Tuyên truyền người chăn nuôi chủ động phòng dịch, khi phát hiện GS mắc bệnh, chết phải báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y xử lý và không vứt xác GS bừa bãi làm dịch lây lan…
Related news
Trong năm 2015, dự báo kim ngạch XK vào thị trường Australia tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt đối với ngành hàng nông, thủy sản.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa 2015 vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, bàn giải pháp chống hạn cho sản xuất vừa tổ chức tại Phú Yên, Bộ NN-PTNT đề ra kế hoạch vụ mùa đến toàn vùng chuyển đổi 8.891ha. Trong đó Tây Nguyên 4.466ha, vùng duyên hải Nam Trung Bộ 4.425ha, Phú Yên chuyển đổi 500ha sang trồng bắp, đậu các loại.
Ông Dương Huy Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành (Trà Vinh) cho biết: Vụ lúa hè - thu, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật huyện; Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh; Công ty Trách nhiệm hữu hạn phân bón Lio Thái xây dựng cánh đồng lúa theo hướng VietGAP tại ấp Thanh Nguyên B với diện tích 100ha, có 46 hộ nông dân tham gia.
Tình trạng sông Ba Lai chưa được khép kín là nguyên nhân làm sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre bị thiếu nước.
Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đang áp dụng thành công mô hình trồng mè xen canh với lúa đông xuân và hè thu. Mô hình này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/héc-ta, mà còn tăng thêm màu mỡ đất và tạo việc làm cho lao động địa phương...