Tôm chết hàng loạt ở Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) do nắng nóng
Nguy cơ thua lỗ
Tại thôn Phụng Chánh, trung tâm nuôi tôm lớn ở xã Vinh Hưng, các hồ tôm vắng chủ trong cái nắng đầu tháng tư. Anh Nguyễn Đức Khánh cho biết: “Gia đình tôi đầu tư hơn 150 triệu đồng thả nuôi 30 vạn con tôm ươm và 1, 5 triệu tôm Post xen với cua và cá dìa với hơn 10 ha ao. Đến thời điểm này, tôm nuôi gần 2 tháng bỗng dưng chết hàng loạt, không bán được đồng nào”.
Theo anh Khánh, đây là lần đầu tiên nuôi tôm xen ghép thất bại. Mấy năm trước, thời tiết thuận lợi, tôm phát triển bình thường diện tích ao hồ của gia đình thu được 1,5 - 2 tấn tôm, kiếm 200-300 triệu đồng. Bây giờ trong hồ chỉ còn cua và cá. Anh Trần Dược, người nuôi tôm có tiếng ở thôn Phụng Chánh rầu rĩ: “Vụ này nuôi 8 hồ tôm xen ghép nhưng đến thời điểm này tôm nuôi đã chết hết. Giờ tôi hy vọng tháng tới thu cá và cua mới biết vụ này thắng hay thua. Nhưng thời tiết cứ nắng nóng như mấy hôm nay, chắc không ổn rồi”.
Dọc theo các đường đê, ao hồ tôm ở đây xuất hiện cá dìa chết rải rác. Ông Hầu Văn Ánh, Chủ nhiệm HTX Đại Thắng (Vinh Hưng) lo lắng: Năm 2015, HTX Đại Thắng có 300 hộ tham gia nuôi tôm xen ghép khoảng 260 ha, nhưng đến thời điểm này tôm nuôi chết dần. So với mấy năm trước, vụ này bà con HTX Đại Thắng có nguy cơ thua lỗ.
Từ giữa tháng 4 đến nay, không riêng người dân Vinh Hưng lo lắng vì tôm chết mà các xã ven đầm Cầu Hai cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Anh Lê Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Điền cho biết, năm nay toàn xã đưa vào nuôi 179 ha tôm; trong đó có 139 ha chuyên tôm và 40 ha tôm xen cua cá. Tuy nhiên do nắng nóng, những ngày qua nhiều vùng nuôi tôm ở địa bàn các thôn Miêu Nha, Bát Sơn chết nhiều. Thống kê sơ bộ toàn xã Lộc Điền đến ngày 7/5 có hơn 30 ha tôm chết. Đặc biệt, có hộ anh Nguyễn Văn Phước, thôn Bạch Thạch, xây dựng mô hình thí điểm nuôi 5 ha tôm chân trắng đang ăn ngồi không yên vì tôm mới đến 1,5 tháng tuổi đã chết hàng loạt, buộc phải bán giá rẻ. “Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài, tình trạng tôm chết và chậm lớn, sẽ ảnh hưởng đến năng suất sản lượng cuối vụ”- anh Lê Quốc Việt nói
Sốc thời tiết
Theo ông Mai Văn Xĩ, Phó Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, năm 2015, Phú Lộc đưa vào nuôi 924 ha tôm; trong đó 758 ha tôm xen ghép, số còn lại là diện tích chuyên tôm. Đến thời điểm này có 77 ha tôm chết; trong đó có 50 ha tôm xen ghép. Các địa phương có diện tích tôm chết khá lớn như xã Vinh Hưng, Vinh Giang, Lộc Trì, Lộc Điền, thị trấn Phú Lộc.
Tìm hiểu nguyên nhân tôm chết, ông Xĩ lý giải, do thời tiết nắng nóng gay gắt, sự biến động quá lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm. Hơn nữa, khi trời nắng nóng kéo dài, nước bốc hơi nhanh làm cho mực nước trong ao xuống thấp nhưng người nuôi không chủ động được ao lắng nên không thể cấp bù kịp thời. Ông Xĩ cho biết, trước tình trạng tôm chết đang diễn ra trên địa bàn, cán bộ ngành chức năng đã đến hiện trường nắm bắt tình hình, tìm hiểu nguyên nhân.
Hiện, UBND huyện Phú Lộc chỉ đạo người nuôi tôm áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi tôm nước lợ, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi đã được hướng dẫn. Đối với những ao hồ có tôm chết không tháo nước ra ngoài làm lây lan đến diện tích ao hồ xung quanh; tiến hành rải vôi, vệ sinh hồ. Khi thấy tôm có dấu hiệu bất thường và tiếp tục chết, người nuôi cần thông báo, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng; đồng thời phải vớt ngay tôm chết ra khỏi ao và tiến hành tiêu hủy; nếu tôm đủ lớn khẩn trương thu hoạch non nhằm giảm thiệt hại.
Huyện Phú Lộc cũng đã phân cấp 2,2 tấn thuốc cloruamin về các địa phương, nhưng khuyến cáo người nuôi tôm xử lý đúng cách, đúng quy trình cho những hồ nuôi xen ghép nhằm tránh thiệt hại số cá và cua còn lại trong ao hồ.
Điều đáng lo nữa là sau khi tôm nuôi xen ghép chết hàng loạt, người dân thôn Phụng Chánh phát hiện cá dìa và cua trong hồ đang bắt đầu chết dần.
Related news

Kết quả đoàn kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính 6 cơ sở (1 trường hợp kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng; 5 trường hợp kinh doanh sản phẩm phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố) và xử lý 2 trường hợp vi phạm nhãn hàng hóa và 1 trường hợp buôn bán thuốc BVTV không có trong doanh mục với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng NN-PTNT - Chi nhánh Cà Mau, tổng dư nợ ngân hàng đã đầu tư cho vay phục vụ phát triển NN-NT 15.069 tỷ đồng, chiếm trên 50% tổng dư nợ toàn tỉnh.

Đồng thời đây cũng sẽ là cơ sở rõ ràng cho việc hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể như chất lượng thực phẩm, kiểm soát vệ sinh trong SX và chế biến thực phẩm cũng như thương mại song phương ngày càng phát triển.

Theo VASEP, trong những tháng cuối năm nay, tình hình XK các mặt hàng thủy sản chủ lực đã có nhiều thuận lợi. Chẳng hạn, trong quý 3 vừa rồi, sau một thời gian dài liên tục sụt giảm, XK cá tra đã phục hồi trở lại khi tăng 6,6% so với cùng kỳ 2013. Nhờ đó, trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị XK cá tra đã đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng nhẹ (0,2%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số ý kiến cho rằng nên phân cấp thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật cho Chủ tịch UBND huyện, xã nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong phòng chống dịch bệnh bởi công tác chống dịch mà chờ đến hết “quy trình hành chính” để đến với Chủ tịch tỉnh là quá chậm, dịch có thể bùng phát nhanh gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.