Cây Thanh Long Ruột Đỏ Trên Đất Quảng Sơn
Vượt hơn 50km đường rừng, chúng tôi có mặt tại nhà ông Nguyễn Anh Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hợp Tiến, người đầu tiên mang cây thanh long ruột đỏ về trồng ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong - Đắk Nông).
Sau gần 2 năm, mô hình này bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho bà con xã viên.
Không sợ thất bại
Tâm sự về quá trình đưa cây thanh long ruột đỏ “bén duyên” đất Quảng Sơn, ông Đức cho biết: Suốt hơn một tháng trời, tôi ròng rã trên chiếc xe máy đi thăm các mô hình kinh tế ở Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Định… để học hỏi kinh nghiệm. Khi nhìn thấy cây thanh long, trong đầu tôi chợt có ý nghĩ: “Trên đất cát bỏng rát mà cây thanh long vẫn sống tốt thì với khí hậu, đất đai như Tây Nguyên sẽ rất thuận lợi cho thanh long phát triển”. Tuy nhiên, nhận thấy đầu ra của cây thanh long ruột trắng bấp bênh nên ông tiếp tục hành trình tìm hiểu.
Qua báo, đài, ông biết mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Mười Thân ở Trà Vinh, vậy là ông lặn lội xuống tận nơi học hỏi kinh nghiệm. Về nhà, ông thuyết phục các hộ gia đình xã viên trồng thử giống cây này. Mới đầu, mọi người không tin lắm vì thanh long ruột đỏ là loại cây mới, bà con chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, nguồn vốn đầu tư lớn, nên mọi người khuyên ông từ bỏ.
Không nản lòng, ông tiếp tục lặn lội xuống Trà Vinh mời ông Mười Thân lên khảo sát đất trồng, khí hậu, chia sẻ kinh nghiệm. Ông khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Nếu thất bại tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Lấy được lòng tin, các hộ gia đình trong HTX Hợp Tiến cùng nhau góp công, góp của trồng thanh long ruột đỏ.
“Không có cây nào dễ như thanh long ruột đỏ”
Đó là khẳng định của hầu hết xã viên HTX Hợp Tiến. Anh Đồng Xuân Liễu cho biết: “Trồng thanh long khá đơn giản, chỉ cần chọn giống chuẩn, làm đất kỹ càng. Khi trồng chỉ nên lấp đất vừa hết phần rễ khoảng 5 - 7cm. Trong thời gian sinh trưởng và phát triển, cây ra nhiều mầm, chỉ nên chọn mầm tốt nhất, khi nào lên đến đỉnh trụ thì mới để và cho phát triển mầm”.
Trong quá trình chăm bón, thời kỳ đầu cứ cách nửa tháng tưới phân một lần, có thể sử dụng urê hoặc DAP; rắc thuốc kiến và thuốc mối, nếu không mối và kiến sẽ ăn hết mầm, ảnh hưởng tới sản lượng thanh long sau này. Hiện, trong vườn nhà ông Đức đã có 2ha cho trái bói, nhiều thương lái tìm đến thu mua. Đầu ra ổn định, ông cùng xã viên HTX dự định mở rộng diện tích trồng thanh long.
Không chỉ phát triển mô hình thanh long, HTX còn tạo nguồn giống cung ứng cho bà con trong vùng và các tỉnh lân cận với giá 5.000 đồng/cây. Đối với gia đình khó khăn muốn trồng thanh long ruột đỏ, HTX tạo điều kiện bằng cách chỉ lấy một nửa tiền giống, số tiền còn lại khi nào thu hoạch mới phải hoàn trả.
Ngoài ra, xã viên HTX Hợp Tiến còn kết hợp chăn nuôi bò, không những có nguồn phân bón hữu cơ cho thanh long mà còn có nguồn thu nhập ổn định. Sau hơn 1 năm chăn nuôi, với tổng số 15 con, HTX đã xuất 3 con bò với tổng giá trị 65 triệu đồng. Từ nguồn thu đó, HTX tiếp tục quay trở lại đầu tư cho cây thanh long ruột đỏ.
Đoàn kết giúp nhau vượt khó
Không những được biết đến là điểm sáng trong phát triển kinh tế, HTX Hợp Tiến còn tích cực tham gia công tác từ thiện. Đơn vị đã tạo mọi điều kiện giúp người dân từ nơi khác vào vùng đất này làm ăn sinh sống, điển hình như gia đình ông Ngô Đức Chính quê ở Bắc Giang. Ông Chính tâm sự: Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình tôi chuyển vào đây sinh sống. Lạ nước, lạ cái nên việc làm ăn rất khó khăn, may nhờ HTX Hợp Tiến đứng ra giúp, tôi có đất canh tác, có nhà ở”.
Khi nói về ý nghĩa của tên Hợp Tiến, ông Đức cười nói: “Tâm nguyện duy nhất của chúng tôi là đoàn kết mọi người cùng nhau hợp tác để tiến lên làm giàu chính đáng”.
Tuy nhiên, ông và xã viên HTX vẫn trăn trở vì dù rất muốn giúp nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng nguồn vốn có hạn nên rất cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người, đặc biệt là sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, ngân hàng tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế.
Related news
Hạt chùm ngây 100.000 - 120.000 đồng/kg, lá non 50.000 - 60.000 đồng/kg, giống 15.000 đồng/cây, loài vốn chỉ làm hàng rào giờ có thể mang lại cho nông dân cả trăm triệu mỗi năm.
Thời điểm hiện nay, người dân ở các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Cao Lộc (Lạng Sơn) đang bước vào vụ thu hoạch quả mác mật với nềm vui được mùa, được giá.
Hiện nay, sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 100 thị trường nước ngoài. Những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ) là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2013, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất ASEAN, đứng thứ hai tại châu Á và thứ 6 trên thế giới với kim ngạch đạt trên 5,5 tỷ USD.
Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại chợ Hà Vị, TP. Bắc Giang” được coi là mô hình chợ an toàn đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Ông Nguyễn Tiến Từ - Chủ tịch UBND xã Phong Hải chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, quản lý quy hoạch, sản xuất vùng nuôi tôm trên cát của địa phương tại Diễn đàn KN @ NN "Phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo hướng an toàn, bền vững ở vùng cát ven biển các tỉnh miền Trung” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức.