Giá heo hơi giảm, người nuôi khó khăn

Heo hơi rớt giá
Liên tục trong gần 5 tháng qua, giá heo hơi đã giảm từ 45.000 đồng/kg xuống còn 32.000 đến 34.000 đồng/kg, khiến nhiều hộ chăn nuôi bị lỗ vốn đầu tư. Ông Nguyễn Kim Thành ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), cho biết: “Đàn heo gần 20 con của nhà tôi đã đến kỳ xuất chuồng, bình quân mỗi con đạt trọng lượng trên 85kg. Nhưng hiện nay giá heo hạ thấp quá, mới cách đây hơn 1 tuần còn được 36.000 đồng/kg, bây giờ kêu bán thương lái chỉ chịu mua với giá 32.000 đồng/kg”. Theo ông Thành, mặc dù biết bị ép giá nhưng nếu không bán, tiếp tục nuôi thì chỉ có lỗ nặng thêm vì khi heo đạt trọng lượng trên 85kg thì sức ăn rất khỏe, chi phí thức ăn tốn kém. Cũng như ông Thành, bà Nguyễn Thị Mai ở xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) vừa xuất chuồng hơn chục con heo thịt, được gần 1 tấn heo hơi nhưng chỉ thu được hơn 30 triệu đồng. Tính hết chi phí đầu tư thì lứa heo này, gia đình bà bị lỗ khoảng 10 triệu đồng.
Theo nhiều hộ nuôi heo, hiện nay chi phí thức ăn ngày một tăng trong khi đó giá heo hơi lại giảm mạnh nên người nuôi heo thịt bị lỗ rất nặng. Theo ông Thành, mỗi con heo giống có giá trên 1 triệu đồng, cộng với tiền thức ăn, chăm sóc, thuốc men, thì chi phí cho mỗi con heo đến kỳ xuất chuồng khoảng 4,2 triệu đồng. Bình quân giá thành mỗi ký heo hơi khoảng 42.000 đồng, nhưng giá bán ra chỉ được từ 32.000 đến 34.000 đồng/kg nên người nuôi bị lỗ từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg.
Đối phó với tình trạng này, nhiều hộ nuôi heo đã cắt giảm khẩu phần ăn, trộn thêm nhiều loại rau để giảm chi phí. Bà Trần Thị Nhị ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), cho hay: Để giảm chi phí thức ăn cho đàn heo hơn chục con, tôi không cho ăn ròng thức ăn hỗn hợp như trước nữa mà độn thêm rau muống, chuối cây cắt nhỏ trộn với cám gạo và một phần thức ăn hỗn hợp, nấu thành cháo cho ăn. Với cách nuôi này, heo chậm lớn hơn nhưng bù lại chi phí thức ăn giảm nhiều.
Trong khi đó, nhiều hộ nuôi heo khác lại chọn phương án giảm đàn, ngừng nuôi để cắt lỗ. Ông Nguyễn Sơn ở khu phố Ninh Tịnh 5, phường 9 (TP Tuy Hòa), nói: Gia đình tôi vừa xuất chuồng lứa heo cuối cùng và bị lỗ hơn 4 triệu đồng. Bây giờ tôi không nuôi heo thịt nữa, chỉ giữ lại 2 con heo nái để làm giống, chờ giá heo nhích lên mới gầy đàn lại. Không riêng ông Sơn, mà hiện nay nhiều hộ nuôi heo khác cũng lựa chọn phương án này để giảm lỗ. Ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng trạm Thú y huyện Phú Hòa, cho hay: Đàn heo của địa phương này có khoảng 14.700 con, nuôi tập trung ở các xã Hòa Thắng, Hòa Trị, Hòa Định Đông… Từ sau tết đến nay, giá heo hơi liên tục giảm nên bà con chủ yếu nuôi heo sinh sản, bán giống.
Giá thịt vẫn cao
Trong lúc giá heo hơi liên tục giảm, người nuôi thua lỗ thì nhiều tháng nay trên thị trường, giá thịt heo vẫn chưa giảm. Hiện nay, tại các chợ ở TP Tuy Hòa giá thịt heo dao động từ 65.000 đến 90.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể thịt đùi giá 85.000 đồng/kg, ba chỉ 90.000 đồng/kg, thịt vai 65.000 đồng/kg… Bà Ngô Thị Linh ở phường 7 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Nghe nói giá heo hơi đang hạ, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao”.
Phân bua cho việc này, bà Hồng, một chủ sạp bán thịt heo ở chợ Tuy Hòa, nói: “Mặc dù giá heo hơi giảm nhưng các loại chi phí khác lại tăng nên thực chất chúng tôi cũng đâu lời được nhiều”. Theo bà Hồng, các loại chi phí như vận chuyển, kiểm dịch, giết mổ, phí các loại… đều tăng nên buộc lòng người bán thịt heo phải giữ nguyên giá bán hoặc chỉ giảm chút đỉnh chứ không thể giảm nhiều hơn được nữa. Còn theo bà Loan, một tiểu thương bán thịt heo ở chợ phường 7 (TP Tuy Hòa), thì những buổi chợ sớm bà phải bán thịt với giá cao hơn để bù lại phần hao hụt cho lượng thịt bị ế, bán rẻ lúc chợ trưa.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, khuyến cáo: Để hạn chế thua lỗ, người chăn nuôi heo không nên chạy theo phong trào, rất dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá sụt giảm. Bà con cần quan tâm đến việc giảm rủi ro bằng cách chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh môi trường sạch sẽ, xử lý chất thải, tiêm phòng đầy đủ, chọn mua con giống ở trại giống uy tín…
Related news

“Nhất nước, nhì phân...”, xác định vai trò quan trọng của việc cung cấp nguồn nước để chủ động sản xuất mùa vụ; những năm qua, huyện Bắc Mê đã tăng cường công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình thủy lợi (CTTL) sau đầu tư; đảm bảo sản xuất đúng thời vụ, chống hạn và tăng năng suất cho cây trồng.

Trong sản xuất nông, lâm nghiệp ở huyện Quang Bình; kinh tế tập thể và nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. Hiện, cấp ủy, chính quyền huyện đang tích cực vận dụng các chính sách để hỗ trợ khuyến khích phát triển, mở rộng sản xuất của các HTX sao có thể khai thác được nhiều tiềm năng, thế mạnh, góp phần vào phát triển KT – XH, XĐGN, ở địa phương.

Hiện nay diện tích thả nuôi các mặt hàng thủy sản đang có dấu hiệu giảm sút, đặc biệt là đối với mặt hàng tôm.

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Lý Sơn - Quảng Ngãi) về tình trạng ngư dân bị “đầu nậu” ép giá, “trừ hao” trọng lượng. Nguyên nhân chính yếu là do Lý Sơn chưa phát triển được dịch vụ hậu cần nghề cá, chưa có doanh nghiệp nào uy tín đứng ra thu mua hải sản cho ngư dân.
Hiện nay, nhiều ngư dân trên địa bàn xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã chuyển sang nghề câu mực ốc thay cho nghề kéo lưới, câu mực truyền thống trước đây. Đây là một nghề khai thác mực vừa mới được ngư dân tỉnh Kiên Giang chuyển giao phương tiện và kỹ thuật khai thác, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao nên ngư dân hết sức phấn khởi.