Cảnh Giác Với Tăng Nóng Hồ Tiêu!

Năm 2014, lần đầu tiên hồ tiêu gia nhập “câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD” của Việt Nam. Niềm vui không phải chờ đến cuối năm. Mới hết tháng 10/2014, kim ngạch xuất khẩu tiêu đã tới 1,1 tỷ USD. Cùng với gạo, cà phê, hạt điều, tiêu Việt Nam thuộc nhóm các mặt hàng có vị thế cao trên thị trường thế giới.
Thành công đó được tích tụ trong mấy chục năm qua. Diện tích tiêu được mở rộng khá nhanh: Năm 1986 mới có 3.900 ha, năm 1995 tăng lên 7.000 ha, năm 2005 tăng vọt lên 49.100 ha, năm 2012 đạt tới 58.900 ha; bình quân tăng trên 11%/năm- tốc độ rất cao so với các cây trồng khác. Và, xuất khẩu tiêu cũng “thăng hoa” tỷ lệ thuận với diện tích trồng tiêu. Năm 2012 so với 1986, lượng tiêu xuất khẩu bình quân tăng 15%/năm.
Tiêu Việt Nam có mặt ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 23 thị trường đạt trên 1.000 tấn là Hoa Kỳ, Đức, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Hà Lan, Singapore, Ai Cập, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Anh, Nga, Pakistan, Hàn Quốc, Philippines, Ukraine, Ba Lan, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Italia, Nam Phi, Australia, Canada, Thái Lan.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về chu kỳ thất thường của thị trường nông sản thế giới, hồ tiêu không phải là ngoại lệ. Chu kỳ thị trường có hai pha “nóng - lạnh”: Sau một thời gian giá cả tăng đủ độ nóng, hối thúc tăng mạnh diện tích, sản lượng, ắt dẫn tới tình trạng cung lớn hơn cầu, từ đó giá bắt đầu giảm và sẽ giảm mạnh trong một thời gian đủ dài. Thị trường hồ tiêu thế giới đã qua hai chu kỳ “nóng - lạnh” 1985-1993 và 1994-2005. Từ năm 2006 đến nay, thị trường đang trong chu kỳ nóng, rất có thể sắp đến chu kỳ lạnh.
Tuy giá tiêu trên thị trường thế giới tăng, nhưng Việt Nam chưa tận dụng tốt cơ hội, nguyên nhân: Công nghệ xử lý và chế biến chưa được quan tâm thích đáng; xuất khẩu chủ yếu là tiêu đen và tiêu trắng chưa xay. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải thu mua khoảng 80% tổng khối lượng tiêu qua thương lái, rất khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Hơn nữa, để trồng 1 ha tiêu, chi phí trên dưới 600 triệu đồng, khoảng 3 năm mới thu hoạch. Vì thế, nhiều người ví cây tiêu là “cây của nhà giàu”. Nếu gom hết vốn liếng để trồng tiêu, khi bị dịch bệnh, người trồng không kịp xử lý sẽ chịu rủi ro lớn.
Mặc dù vậy, một số nơi, diện tích trồng tiêu vẫn tăng nhanh, dường như chưa dừng lại. Nông dân nhiều nơi bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng đã phá bỏ các loại cây điều, cà phê, cao su, ồ ạt chuyển sang trồng tiêu. Không cẩn thận có ngày cây tiêu sẽ lại phải chịu số phận “chặt bỏ” như nhiều loại cây khác!
Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/xuat-nhap-khau/73370/canh-giac-voi-tang-nong-ho-tieu.htm#.VIUZlo0cTDc
Related news

Nhờ sáng kiến trồng rau ngót dưới tán hồ tiêu trên diện tích 7 sào đất nhà mình, ông Nguyễn Xuân Khoa, một nông dân ở ấp 3A, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai có thu nhập thêm mỗi năm từ 60 - 70 triệu đồng.

Theo nhà vườn trồng bưởi da xanh ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang), thì hiện nay do đang là mùa nghịch nên năng suất thu hoạch chỉ đạt khoảng một nửa so với vụ thuận, khoảng 10 - 12 tấn/ha, nhưng bù lại giá đang ở mức cao từ 42.000 - 46.000 đồng/kg và luôn rất hút hàng.
Cuối năm 2014 vừa qua, những lô nhãn đầu tiên có xuất xứ từ ĐBSCL được cấp mã số đi Mỹ. Cánh cửa thị trường khó tính bậc nhất này đã mở, nhưng làm thế nào để tận dụng hết cơ hội khi nhiều vườn nhãn đang đối mặt dịch chổi rồng?

Cây có múi (cam, quýt, bưởi…) cho giá trị kinh tế cao nên được trồng phổ biến tại Việt Nam, tuy nhiên, loài cây này khó bảo vệ các loại bệnh tấn công từ rễ, thân, lá, trái. Trong các loại dịch hại trên cây có múi thì nấm Phytophthora spp. là rất độc hại. Khi vườn cây bị loài nấm này tấn công sẽ làm giảm năng suất, có khả năng gây chết cây và cả vườn cây. TS. Hồ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam có những khuyến cáo cách phòng trị cho vườn cây có múi.

Những tuần gần đây giá bán lẻ dừa tươi trên thị trường tiếp tục tăng thêm khoảng 1.000 - 2.000 đồng/trái so với trước. Tại nhiều điểm kinh doanh dừa tươi ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, các loại dừa tươi ngon (nước ngọt, cơm dừa vừa ăn…) có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/trái; dừa non, dừa có trái nhỏ, giá phổ biến 7.000 - 9.000 đồng/trái.