Cạn kiệt thủy sản mùa lũ
Cùng với hiện tượng El Nino (hiện tượng nóng lên khác thường của nước biển ở vành đai xích đạo với phạm vi trải dài gần 10.000km, từ bờ biển Nam Mỹ đến quần đảo Marshall ở khu vực giữa Thái Bình Dương khiến khí hậu toàn cầu biến đổi) là hàng loạt đập thủy điện được xây ở thượng nguồn sông Mê Kông đã khiến vùng đầu nguồn không có lũ, nguồn lợi thủy sản cũng cạn kiệt.
Khan hiếm cá, tôm
Theo dự báo, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông chảy về thiếu hụt từ 20 - 50% nên cuối năm 2015 và đầu 2016, mực nước thấp hơn, xâm nhập mặn vào đất liền sâu và sớm hơn.
Lũ kém, đồng ruộng không được vệ sinh, rửa trôi mầm bệnh, bồi đắp phù sa, nhất là nguồn lợi bị cạn kiệt, ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt thủy sản của người dân.
“Mỗi mùa lũ trước, ngư dân vùng đầu nguồn đánh bắt hàng ngàn tấn cá, tôm, cua, ốc… Còn năm nay, cá linh cũng hiếm hoi vì lũ quá thấp” - ông út Tòng, người dân xã Phước Hưng (An Phú), bộc bạch.
Rảo một vòng quanh các chợ đặc sản vùng lũ ở biên giới, không khí mua bán rất buồn tẻ.
Mới 8 giờ sáng, chợ đã hết sạch cá, tôm.
Tôi cùng anh bạn chạy lòng vòng chợ Khánh Bình tìm mua vài con cá lóc đồng về nấu canh chua, nhưng chỗ nào cũng lắc đầu vì hết cá bán.
Những mớ cá hủn hỉn được bán trong thau, rổ nhỏ cũng có giá đắt đỏ hơn mọi năm.
Nhiều chủ vựa thu mua rắn, rùa, cua đồng… ở xã Khánh An, Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông (An Phú) còn cho biết thêm: “Năm ngoái, lũ nhỏ nhưng làm ăn còn tạm được, còn có đặc sản để bán cho thương lái.
Năm nay lũ không về, mọi thứ đều giảm mấy phần; có hôm chẳng mua được ký rùa nào.
Vì thế, nhiều người không còn mặn mà chuyện đánh bắt nữa, họ ra Bình Dương làm công nhân để có tiền xoay xở”- chủ vựa rắn rùa ở Khánh An than với phóng viên.
Bên bờ kênh Bảy Xã (xã Phú Hữu, An Phú), ông tư Nguyên vừa xếp lại mớ lọp cá linh vừa đặt tối qua vừa cho biết: “Mùa lũ năm nay kỳ lạ chưa từng thấy.
Hồi tháng bảy, nước đã lên mấp mé đồng, qua tháng 8 nước sụt xuống cả mét.
Cá tôm vì thế cũng không có bao nhiêu.
Mọi năm, với 100 cái lọp, mỗi ngày cũng kiếm vài chục ký cá linh.
Năm nay, bữa nào nhiều chỉ khoảng chục ký, có hôm chỉ đủ ăn”.
Do khan hiếm nên giá các loại “đặc sản” mùa lũ cũng cao hơn mọi năm.
Bình quân, giá cá đồng tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, rắn, rùa tăng 30.000 - 60.000 đồng/kg... nhưng vẫn không đủ bán.
Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Theo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản An Giang, khoảng chục năm trở lại đây, lượng thủy sản khai thác trong tự nhiên sụt giảm đến 50%, nên việc kiếm sống của người dân vùng lũ ngày càng khó khăn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn lợi thủy sản, nhưng cơ bản vẫn do việc xây các đập trên thượng nguồn sông Mê Kông làm giảm sản lượng cá của lưu vực.
Trong khi ở nội địa, hầu hết các cánh đồng đều được đê bao khép kín để sản xuất 3 vụ, cùng với việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường, nên không chỉ có lượng cá tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng, mà nhiều sản vật từng giúp người nghèo mưu sinh, như: Bông súng, điên điển, rau muống đồng… cũng ít đi, khiến cuộc sống của người dân vùng lũ càng thắt ngặt hơn.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bên cạnh việc thả cá về tự nhiên, hàng năm, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đều khuyến cáo người dân không đánh bắt cá non đầu mùa, đặc biệt không sử dụng các công cụ đánh bắt thủy sản bằng xung điện.
Từ nhiều năm nay, huyện An Phú đã làm tốt vấn đề này, cụ thể là tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, mạnh tay xử lý nhiều trường hợp đánh bắt cá bằng xung điện.
UBND huyện và Phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện An Phú ban hành nhiều văn bản triển khai đến 14 xã, thị trấn trong huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nạn đánh bắt cá bằng xung điện.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền tận nhà, trên hệ thống truyền thanh để người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản… Qua tuyên truyền, ra quân xử lý, người dân đã ý thức được mức độ nguy hiểm từ việc khai thác cá bằng xung điện và ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày một nâng lên.
Đã có hàng chục hộ dân chuyển đổi nghề, nhiều hộ được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo việc làm, nuôi bò, đóng xe đẩy mua bán hàng hóa…
Kiên quyết với nạn đánh bắt cá bằng xung điện, huyện An Phú xem xét đưa tiêu chí bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào tiêu chí thi đua giữa các xã, thị trấn.
Đồng thời, tăng cường thống kê số hộ dân, phương tiện, ngư cụ đánh bắt thủy sản trên địa bàn; thống kê các cơ sở sản xuất, chế tạo các loại xuyệt điện và cho cam kết không chế tạo ngư cụ cấm…
Related news
Trong tháng 2/2013, diện tích nuôi trồng thuỷ sản (ở nước ngọt và nước lợ) toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt hơn 570 ha, tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước.
Cá bống bớp là loài cá nước lợ, thuộc họ cá bống đen, thân hình trụ tròn, mắt nhỏ, mõm tầy, có nguồn dinh dưỡng cao, giá trị xuất khẩu lớn. Cá bống bớp đã được nhiều địa phương tổ chức nuôi song đến nay chỉ có vùng nuôi mặn lợ của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) là nuôi được cá bống bớp với quy mô lớn. Nghề nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng khởi phát từ xóm Chùa, xã Nghĩa Thắng khoảng trước năm 1990. Mặc dù điều kiện tưới tiêu nước ở đây chưa được quy hoạch nhưng năng suất nuôi cá bống bớp đã đạt 4 - 6 tấn/ha…
Trong nhiều năm qua, năng suất, sản lượng lúa ở vùng ĐBSCL không ngừng tăng lên nhờ sự liên kết 4 nhà trong sản xuất lúa. Bà con nông dân ngày càng thích nghi và biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất, nhân giống lúa tạo ra năng suất, sản lượng vụ sau cao hơn vụ trước. Năm 2012, sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL ước đạt 24,6 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so năm 2011, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với sản lượng hơn 7,2 triệu tấn, đạt trị giá hơn 3,2 tỉ USD. Lúa đông xuân 2012 - 2013 đang vào vụ thu hoạch được đánh giá là vụ lúa trúng mùa, năng suất bình quân ban đầu trên 7 tấn/ha. Đạt được kết quả đó là do nông dân thường xuyên quan tâm sử dụng giống lúa mới, giống lúa chất lượng cao.
Đây là mô hình nuôi heo áp dụng công nghệ lên men từ quần thể các vi sinh vật sống để xử lý chất thải của vật nuôi, làm cho môi trường thông thoáng, giúp đàn heo ăn nhiều, lớn nhanh. “Nuôi heo không tắm” - cách gọi nôm na này đang lan truyền nhanh trong người dân Hậu Giang. Đây là mô hình nuôi thí điểm đầu tiên, với những phát hiện khá thú vị khi tận dụng các nguồn phụ phẩm ở ĐBSCL, hứa hẹn mở ra hướng chăn nuôi hiệu quả ở ĐBSCL
Bên cạnh hỗ trợ vốn vay cho những hộ nghèo, hộ có nhu cầu làm ăn phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp người dân có đời sống tốt hơn.