Cà Phê Liên Tiếp Mất Mùa
Tây Nguyên được xác định là vùng cà phê trọng điểm về diện tích trồng cũng như năng suất, sản lượng cà phê của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây sản lượng cà phê của vùng liên tục giảm mạnh theo từng niên vụ, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới người trồng cà phê nói riêng và ngành cà phê nói chung.
Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), sản lượng niên vụ cà phê 2014-2015 sẽ giảm 15%-20% so với năm 2013. Như vậy đây là năm thứ 3 sản lượng cà phê của vùng Tây Nguyên liên tiếp giảm mạnh. Nếu như niên vụ 2012-2013 đã giảm 10-15% thì niên vụ 2013-2014 tiếp tục giảm 15% và niên vụ 2014-2015 sắp tới sẽ giảm nữa. Điều này khiến cho đa phần người trồng cà phê trên địa bàn Tây Nguyên rơi vào tình cảnh thua lỗ, không đủ chi phí…
Đak Lak là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất của khu vực cũng như cả nước với khoảng 202.500 ha, trong đó diện tích trồng mới khoảng 3.000 ha, diện tích cho thu hoạch sản phẩm là 192.000 ha, năng suất ước đạt 22,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 432.000 tấn.
Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, sản lượng cà phê của tỉnh này cũng liên tục giảm dần theo từng niên vụ. Việc sản lượng cà phê giảm do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính được xác định đó là do sự ảnh hưởng của việc bất lợi về thời tiết, tình trạng thiếu nước, cà phê già cỗi, chuyển đổi diện tích cây trồng…
Anh Lê Thanh Hòa (xã Hòa Đông, huyện Krông Păc) chia sẻ: Nhà mình có 5 sào cà phê kinh doanh, tuy nhiên trong 3 năm gần đây sản lượng liên tục giảm mạnh do bất ổn về thời tiết, sâu bệnh… Riêng niên vụ 2014-2015 này qua theo dõi lượng quả trên cành giảm mạnh thì nông dân chúng tôi lại cảm thấy bất an.
Mặc dù diện tích cà phê của tôi đáp ứng đủ lượng nước tưới các đợt nhưng sản lượng vẫn giảm. Theo kinh nghiệm trồng cà phê của tôi thì nguyên nhân chính là do sau khi kết thúc niên vụ cà phê trước, ở Tây Nguyên thời tiết lạnh về đêm khiến cà phê bị rụng lá, hoa không nở hết… điều này ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả.
Không chỉ bị ảnh hưởng do thời tiết, ở Tây Nguyên mùa khô vừa qua chỉ đủ lượng nước tưới cho 60% diện tích trồng cà phê, còn 40% diện tích đang phải chịu nguy cơ thiếu nước. Cụ thể, tại tỉnh Đak Lak, tính đến cuối tháng 4, toàn tỉnh có có 10.105 ha cây trồng bị hạn trong đó có 4.660 ha cà phê bị hạn.
Diện tích bị khô hạn tập trung nhiều ở các huyện Krông Buk, Krông Ana, Lak, M’Drak… Đáng lưu ý là diện tích cà phê bị hạn, nhiều nhất là huyện Krông Buk với 4.000 ha bị hạn do một số vùng không còn nước ngầm để bơm tưới.
Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ 2 ở Tây Nguyên (sau Đak Lak), thời gian qua cũng đã có hàng ngàn ha cà phê rơi vào tình cảnh khô hạn vì thiếu nước, trong đó, huyện Di Linh có đến 6.000 ha cà phê thiếu nước tưới đợt 1; huyện Bảo Lâm có trên 530 ha cà phê và 480 ha chè bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Tỉnh Đak Nông cũng có hàng ngàn ha cà phê ở các huyện Đak Mil, Chư Jút, Krông Nô… thiếu nước.
Chị Lê Thị Thu (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) chia sẻ: “Nhà mình có 1 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh năm thứ 7, do tình trạng thiếu nước kéo dài ở mùa khô vừa qua nên mình chỉ tưới được khoảng trên 50% lượng nước yêu cầu thôi.
Trung bình mỗi gốc cà phê chỉ được tưới chưa đầy 1,5 đợt, trong khi đó cây cà phê cần đáp ứng đủ 3-4 đợt tưới/vụ. Tình trạng thiếu nước diễn ra như vậy nên đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ đậu quả cho cây cà phê bởi chế độ tưới nước là yếu tố quyết định tới năng suất, sản lượng của cây cà phê”.
Ngoài ra, diện tích cà phê ở Tây Nguyên đều có tuổi đời 20-30 năm khai thác, sản lượng và năng suất của diện tích cà phê này đang có dấu hiệu giảm dần theo từng niên vụ…
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Tây Nguyên thì hiện diện tích cà phê già cỗi ở Tây Nguyên chiếm tỷ lệ cao (trên 100 ngàn ha), khoảng 30% tổng diện tích trồng cà phê hiện nay của cả nước đã già cỗi. Đồng thời, năm nay việc tái canh cây cà phê được bà con nông dân quan tâm triển khai, do vậy sản lượng cà phê lại giảm theo diện tích tái canh này.
Related news
Mô hình trồng rau, hoa, quả trong nhà lồng được nhiều người dân áp dụng thành công nhiều năm nay nhưng làm vườn ươm trong nhà lồng thì rất ít nông dân áp dụng vì chi phí đầu tư cao và rủi ro lớn.
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự tàn phá của các đối tượng sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng. Sử dụng thuốc BVTV đúng cách vừa phát huy hiệu quả phòng trừ vừa hạn chế tác hại của hóa chất tới môi trường và bảo đảm an toàn cho chính bản thân người nông dân.
Trong những năm qua, diện tích trồng cây khoai lang dần được mở rộng khắp tỉnh Đắk Nông và đã làm giàu cho nhiều hộ dân trong tỉnh. Không những thế, khoai lang còn được “xuất ngoại” đến nhiều nước trên thế giới.
Dù có giá trị sản phẩm hàng hóa và hiệu quả sử dụng, cộng với đầu ra tương đối ổn định, nhưng thực tế, những ưu điểm trên của cây ngô vẫn bị người dân lẫn chính quyền địa phương hoài nghi. Nguyên do vì đâu?
“Năm nay hành trúng mùa nhưng chi phí 1 công hành khoảng 14 triệu đồng mà bán ra chỉ 12 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc của tôi suốt 3 tháng ròng”.