Tìm Lối Đi Cho Rau An Toàn
Hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm sạch và an toàn trở thành bức thiết đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại là khi người nông dân bắt đầu sản xuất rau an toàn thì họ lại vướng phải nhiều rào cản từ thị trường tiêu thụ.
Khai hoang thị trường
Lấp Vò là một trong những huyện tiên phong trong thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn gắn với thị trường tiêu thụ của tỉnh. Sau thời gian thực hiện mô hình đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: tổ chức và hướng dẫn nông dân sản xuất theo qui trình, đưa được rau an toàn đến với các điểm chợ trên địa bàn huyện, đặc biệt ký được hợp đồng liên kết tiêu thụ với siêu thị VinaFood Mart Cao Lãnh. Song, mô hình này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Hiện nay, mặc dù sản phẩm rau an toàn bước đầu tìm được một lượng khách hàng nhất định, tuy nhiên lượng khách hàng vẫn chưa đủ lớn để tổ hợp tác (THT) rau an toàn Mỹ An Hưng B (ấp An Thuận, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò) có những đơn hàng sản xuất ổn định. Là đơn vị đi đầu nên THT có nhiều lợi thế trong chiếm lĩnh thị trường. Nhưng phải thấy rằng hành động tiên phong của THT rau an toàn Mỹ An Hưng B giống như “khai hoang thị trường”.
Bởi lẽ, thị trường chưa quen với mặt hàng rau sạch, tâm lý nghi ngờ và so sánh về giá cả của khách hàng vẫn còn là rào cản khiến rau an toàn vẫn khó khăn tìm chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh đó, do chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên nông dân vẫn chưa nhiệt tình chuyển đổi sang sản xuất theo mô hình mới.
Ông Tô Phước Lập - tổ trưởng THT rau an toàn Mỹ An Hưng B cho biết: “Cái khó của THT hiện nay là không chủ động được sản xuất, vì không nắm bắt được nhu cầu của thị trường nên nhiều lúc sản phẩm sản xuất thừa phải bán ra bên ngoài, đồng giá với sản phẩm rau thường. Nếu có được đối tác có đơn đặt hàng cố định thì vấn đề thừa hàng sẽ không xảy ra, bà con trong THT sẽ yên tâm sản xuất hơn”.
Hiện tại, phần lớn các điểm chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp không có bán rau an toàn. Vì vậy, khi THT rau an toàn Mỹ An Hưng B tung sản phẩm ra thị trường sẽ chịu một áp lực lớn về giá thành vì người tiêu dùng sẽ so sánh với sản phẩm rau thường. Nếu người tiêu dùng nhận ra rằng, việc bỏ số tiền mua sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe và không phải tốn công sơ chế, thì rõ ràng rau an toàn chiếm ưu thế hơn.
Giải pháp căn cơ cho sự phát triển lâu dài
Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng huyện Lấp Vò vẫn quyết tâm thực hiện và duy trì mô hình sản xuất rau an toàn và gắn với thị trường tiêu thụ. Anh Trần Văn To - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lấp Vò cho biết: “Mặc dù thời gian đầu còn gặp nhiều trở ngại, nhưng đây là cách duy nhất để phát triển vùng màu của huyện theo hướng bền vững.
Trong năm 2015, huyện tiếp tục thực hiện và mở rộng mô hình. Đồng thời, huyện sẽ làm cầu nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ rau an toàn đến các điểm trường, nhà trẻ”.
Sắp tới, siêu thị Coop Mart đang là đích đến cho thị trường tiêu thụ mà THT đang quyết tâm hướng tới. Tuy nhiên cần nhận định rõ, siêu thị Coop Mart là một kênh phân phối lớn và tiềm năng nhưng để hợp tác lâu dài với đơn vị này thì đòi hỏi tiềm lực của THT phải đủ mạnh, diện tích sản xuất của vùng phải đủ lớn và sản phẩm cũng phải đa dạng.
Thực tế, làm như thế nào để nâng cao tiềm lực cho đơn vị sản xuất khi việc thực hiện mô hình mẫu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, người nông dân vẫn chưa mặn mà và tin tưởng vào tiềm năng kinh tế của sản phẩm mình làm ra... Đó vẫn còn là bài toán khó mà các ngành cần có một kế hoạch và lộ trình thực hiện thỏa đáng hơn.
Related news
Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Dự án Khoa học công nghệ cấp tỉnh “Phát triển mô hình chăn nuôi lợn rừng Thái Lan lai quy mô nông hộ” tại huyện Phổ Yên.
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch cúm H5N1, một số hộ chăn nuôi gà phải lâm vào cảnh trắng tay. Thế nhưng, tại ấp Tân Hữu thuộc xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc có mô hình nuôi gà ta theo phương pháp mới của anh Nguyễn Văn Thành vẫn không bị dịch bệnh. Hàng năm, gia đình anh thu nhập trên trăm triệu đồng từ việc bán trứng, bán gà giống và gà thịt.
Ông Phạm Văn Tánh, ấp Thanh Nhung I (Phước Trung, Gò Công Đông, Tiền Giang) vừa thu hoạch ao nuôi tôm đất 3.000m2 đầu tiên với lợi nhuận hơn 15 triệu đồng. Do không có nhiều kinh nghiệm nuôi đối với loại tôm này nên hiệu quả mang lại chưa cao, nhưng bước đầu có thể thấy đây là giải pháp thay thế an toàn đối với các ao nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh bị dịch bệnh.
UBND tỉnh Long An vừa phê duyệt Quy hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích mía vùng quy hoạch là 11.000 ha, sản lượng 900.000 tấn mía, chiếm trên 90% sản lượng mía toàn tỉnh.
Gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh Đồng Nai chuyển qua trồng thanh long ruột đỏ vì giá bán cao, lời nhiều. Diện tích trồng thanh long ruột đỏ tăng nhanh. Tuy nhiên, đầu ra của loại trái cây này ra sao thì hầu hết người trồng rất mù mờ.