Cá Mùa Lũ Ở An Giang

Hằng năm, vào cuối tháng 5 Âm lịch, nước lũ trên thượng nguồn Sông Cửu Long đổ về An Giang, đến tháng 7 nước nhảy tràn bờ sông, bờ rạch:
Leo lên đồng mang theo bao loài tôm cá nước ngọt còn bé tí, thường được gọi là cá non, chúng sẽ lớn lên nhanh chóng nhờ thức ăn tự nhiên. Nào là các lóc, cá trê, cá chạch, cá chèn, cá rô, cá he, cá mè vinh, cá éc, cá mề hôi, cá linh, tôm, cua, ốc…
Người dân An Giang có rất nhiều cách đánh bắt cá tùy theo hoàn cảnh gia đình, có thể dùng “vó cất” đặt cố định ven những con sông, con rạch; họ để lưới của vó chìm xuống đáy sông rạch, chờ lâu lâu cho cá đi ngang qua, cất lên bắt lấy cá trong vó.
Với loại “vó gạt” đặt ở những cái mương, con rạch nhỏ dẫn nước trong đồng ra sông lớn, đó là tấm lưới lớn có bề rộng lớn hơn chiều ngang cái mương nơi đặt vó, chiều dài có khi trên 100 mét. Hai bên ven bờ mương có hai giàn gỗ thường lót bằng ván để đi lại được xuôi mép lưới, phía bên trên hai giàn gỗ có những thanh tre già, dài được nối liền với nhau một cách khéo léo để khi hai người hai bên đẩy một thanh gạt vắt ngang.
Cá theo nước chảy từ trong đồng ra sông vô tấm lưới, thanh gạt được đút lòn phía dưới tấm lưới, đỡ lên cao, cao hơn mặt nước, để vào giá bằng tre dài và mỗi bên có một người đẩy thanh gạt, gạt cá trong lưới về phía đầu mương, nơi có chiếc ghe hứng miệng lưới, đổ cá vào ghe (nên gọi là vó gạt).
Vào những năm 1970, có nơi gạt một lần đong bằng táo, đến cả chục táo, cân có vài trăm ký cá, ngày nay hầu như không còn Vó gạt nữa.
Ven bờ sông, có nơi người ta đan những cái “bò” đan bằng tre, trông giống như nửa cái ghe bầu, trong đó có chất chà (nhánh cây khô). Cái bò này, đặt chìm dưới nước, nơi có bờ đất thoai thoải, được buộc bằng sợi dây chắc chắn vào một cái tời trên bờ sông. Vài ngày, đoán rằng cá đã vào trong đó trú ngụ, người ta quay tời kéo “bò” lên, mở miệng “bò” bắt cá.
Ngoài ra còn có loại “xà di” làm bằng tre, như một cái lợp tép dài có khi gần 2 mét, để khi đặt bắt cá rô, cá mè vinh, một đầu xà di nhỏng cao hơn mặt nước, cá chui vào trong đó, không ra được nhưng còn chỗ ngoi lên thở không bị chết. Xà di được dựng trong những cánh đồng lúa, miệng hom cách mặt đất ruộng chừng 15cm, chỗ đất ngay miệng hom được dọn sạch, khoét lõm xuống, hằng ngày người ta để mồi bằng lúa để nhử cá vào đó.
Thường là cá rô thích lúa đến ăn; loài cá này có đặc tính ăn xong, trồi lên mặt nước để thở theo phương thẳng đứng, chúng sẽ chui qua hom, vào bên trong xà di và không thể tự ra được.
Người ta bắt tôm bằng cái “lờ”, đan bằng tre, bên trong có để mồi bằng miếng cơm dừa khô, tôm rất thích.
Muốn bắt lươn phải dùng “ống trúm” làm bằng khúc tre, dài khoảng 3 lóng (hơn 1 mét), dùng mồi trùn pha mật Rắn Trung được xem là mồi thuốc chuyên bắt lươn.
Tương tự, có lợp bắt cá lóc, lợp bắt tép, cần câu cặm ven bờ sông, bờ rạch; câu giăng trên ruộng; lưới dày bắt nhiều cá nhỏ, lưới thưa bắt cá to, lưới để kéo cá v,v…
Gần đây, người ta đặt “vớn”, trước kia đăng vớn làm đăng đan bằng tre, nay chỉ làm bằng lưới cước. Vớn được cắm trên đồng, có những luồng vớn dài trên 700 mét, đón cả luồn cá đi, cá gặp lưới cước bơi men theo tìm lỗ chui qua, nhưng đó là lỗ dẫn vào những cái “bầu lớn”, từ đây chỉ có đường dẫn vào “bầu ép”, rồi dẫn vào “đú“, để người ta túm lấy, nhấc lên khỏi mặt nước, trút cá vào ghe. Có những chủ vớn vào những ngày trúng mùa, bắt được hai, ba tấn cá là chuyện bình thường. Phần lớn là loài cá linh, nhiều vô kể.
Ở An Giang, khi lũ đạt được đỉnh cao, bắt đầu rút, nước trên đồng thúi dần vì lá cỏ héo rủ, vì dậy phèn, cá chịu không nổi môi trường xấu, theo nước ra sông, và cao điểm vào những ngày nước kém (mùng 5 đến 10, và từ 20 đến 25 Âmlịch), người dân vùng này quen gọi là mùa “cá ra”. Vào những ngày này, các hình thức đánh bắt cá bằng vớn, bằng vó, bằng lưới trúng lớn.
Những ngày bình thường, người ta đi “thăm” (đi đổ xà di, đổ vớn, gỡ cá trong lưới…) mỗi ngày một lần, nhưng vào những ngày cá ra, phải đi “thăm” thường xuyên, ba bốn lần /một ngày. Với loại lưới giăng, người ta phải cuốn lưới mang về nhà treo lên và gở cá ra. Còn các loại vó thì cất, thì gạt liên tục. Có thể nói, cá trên đồng, ùn ùn kéo nhau ra sông.
Khi ta bơi xuồng, bỏ mái dầm xuống sông có khi cá giật mình phóng tung lên trên mặt nước rơi vào xuồng. Ở những cua nước xoáy, những ngã ba, ngã tư, trong những ngày cá ra, như bị dội nước, cá dồn ở nơi này rất nhiều, người ta tập trung dùng chài, quăng bắt cá.
Với cái xuồng nhỏ và cái chài, ngày cá ra, người ta có thể chài được cả trăm ký cá dễ dàng, nhất là cá linh . Mùa cá ra, hầu hết cá đánh bắt được bán cho người ta làm mắm. Cá linh làm nước mắm, các loài cá khác làm mắm sống và là thứ đặc sản của Châu Đốc-An Giang, nổi tiếng, được tiêu thụ ở mọi miền đất nước …
Ngày nay, con người dùng mọi phương tiện đánh bắt hiện đại nên sản lượng thủy sản tự nhiên đã giảm dần, tuy nhiên vào mùa nước nổi cũng vẫn là mùa người dân nghèo kiếm sống và thoát nghèo, những hộ kinh doanh thủy sản vẫn có dịp để làm giàu…
Related news

Tuy không phải là “đại gia” về nhiều đất, nhiều mía nhưng thương lái buôn mía ở thị trấn Cao Phong (Cao Phong - Hòa Bình) đều biết đến tiếng ông Lê Thanh Tân ở khu 7. Tiếng của ông không phải đất rộng, nhiều mía mà là lúc nào vườn mía của ông đứng đầu bởi cây mía to, đều, màu đẹp.

Phước Trung là xã vùng cao thuộc huyện Bác Ái (Ninh Thuận). Toàn xã có 542 hộ, với 2.408 khẩu, sinh sống ở 4 thôn: Đồng Dày, Rã Trên, Rã Giữa và Tham Dú, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, Nhà nước đã đầu tư xây dựng trên địa bàn một số công trình thủy lợi, tiêu biểu như: Hồ chứa nước Phước Trung, đập Ô Căm.

Thời gian gần đây một số thông tin cho rằng, các cấp chính quyền của tỉnh Đồng Nai và Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai - Dofico đã làm trái quy định như: “Tổ chức “cướp” doanh nghiệp (DN)? Vết “nhơ” trong việc thu hút FDI

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho rằng: Khi chúng ta chạy theo sản lượng thì việc đảm bảo độ đồng đều về giống, chất lượng của hạt gạo cũng như bảo quản chế biến sau thu hoạch chưa theo kịp.

Chương trình xây dựng NTM hiện đang gặp khá nhiều khó khăn, vì thế theo nhiều ĐBQH, chúng ta cần có những giải pháp căn cơ để tháo gỡ những nút thắt khó khăn này.