Bỏ trồng lúa để nuôi cá, trồng cỏ voi

Ruộng lúa biến thành ao cá, đồng cỏ
Lão nông Lê Văn Sự (ấp 3, Tân Nhựt, Bình Chánh), dù tuổi đã cao nhưng hằng ngày vẫn cùng con trai Lê Quốc Tuấn đẩy xe cút kít chất đầy thức ăn cho cá ra ao nuôi.
Vài năm trước, ông Sự đã biến 4 công (4.000m2) đất ruộng lúa thành ao nuôi cá.
“Lúc ấy ruộng sâu nên cấy mạ bao nhiêu chết bấy nhiêu.
Bực mình, tôi cho đào ao nuôi cá” - ông nói.
Giờ với 4 công mặt nước, mỗi năm ông Sự thu hoạch được hơn chục tấn cá tra, phi, mè…, lời khoảng 100 triệu đồng.
Theo ông Sự, nuôi cá cũng có lúc thắng, lúc thua, nhưng tính chung vẫn lời gấp chục lần trồng lúa.
“Giờ ở đây, đất lúa người ta chuyển sang đào ao nuôi cá hết rồi.
Như con gái tôi cũng vừa đào 2 công đất làm ao nuôi cá” - ông Sự cho biết.
Hiện huyện Bình Chánh còn gần 3.000ha đất trồng lúa, năng suất bình quân 3,7 tấn/ha.
Theo ông Thái Thành Tâm – Chủ tịch Hội Nông dân huyện, những năm qua, diện tích đất lúa trên địa bàn giảm khá nhanh, do nông dân chuyển sang canh tác, chăn nuôi những loại cây, con có giá trị kinh tế cao hơn.
Sở dĩ có điều này là do sản xuất lúa không thuận lợi về thổ nhưỡng, thủy nông, lại manh mún nên khó áp dụng cơ giới hóa, dẫn đến năng suất lúa không cao.
Trong khi đó, tại ấp 6, xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi), nông dân nuôi bò sữa đã biến cánh đồng trồng lúa 60 - 70ha thành cánh đồng cỏ voi.
Anh Nguyễn Văn Dũng đang nuôi bò sữa tại đây cho biết, trồng lúa thua lỗ, trong khi cần cỏ cho bò sữa ăn nên bà con đã lấy đất lúa trồng cỏ.
“Thường thì người dân chuyển đất lúa sang trồng cỏ không thông báo hay xin phép chính quyền địa phương.
Thấy trồng cỏ lợi hơn trồng lúa nên mặc nhiên chính quyền để dân làm” - anh Dũng nói.
Theo UBND xã Tân Thạnh Đông, hiện khoảng 300ha đất trồng lúa của xã đã chuyển sang trồng cỏ để đáp ứng cho đàn bò sữa hơn 22.500 con.
Ông Dương Văn Minh – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi cho biết, việc nông dân Tân Thạnh Đông bỏ lúa trồng cỏ đã diễn ra nhiều năm nay.
Thực tế cho thấy, lợi nhuận từ việc trồng cỏ cho bò ăn cao gấp 5 lần trồng lúa.
Đồng loạt chuyển dịch
Theo quy hoạch của TP.HCM, đến năm 2020, thành phố vẫn còn khoảng 3.000ha lúa ở ngoại thành, chủ yếu là huyện Củ Chi và Bình Chánh.
Hiện toàn thành phố còn hơn 8.300ha đất lúa, với năng suất khá thấp, bình quân 4,5 tấn/ha.
Thậm chí, một số vùng năng suất chỉ khoảng 2,5 tấn/ha.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, thành phố hiện có 56 xã còn trồng lúa, trong đó 8 xã trồng lúa 1 vụ, 19 xã trồng 2 vụ và 29 xã trồng 3 vụ.
Trước thực trạng trên, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT TP.HCM) vừa đề xuất chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với điều kiện địa phương nhằm tăng thu nhập cho nông dân.
Theo đó, hàng trăm ha đất lúa ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè sẽ chuyển sang trồng cỏ, lan, cây ăn quả, rau, củ…
Ông Dương Đức Trọng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho biết, trong kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị, tất yếu phải bỏ cây lúa cho thu nhập thấp sang cây trồng có thu nhập cao hơn.
Quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM đã cho thấy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã chuyển dịch đúng hướng, với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi bò sữa, trồng rau an toàn, hoa lan – cây kiểng, cá cảnh…
Related news
Nhiều năm qua, thành quả của các chương trình, dự án cải tạo đàn bò chính là việc lai tạo với giống bò Zebu nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Những năm đầu tách tỉnh, đàn bò trên địa bàn tỉnh Bình Phước chủ yếu là bò vàng Việt Nam, trọng lượng nhỏ, tỷ lệ thịt xẻ thấp và sức sản xuất kém.

5 tháng đầu năm 2015, chăn nuôi trong tỉnh Đồng Tháp gặp nhiều thuận lợi do giá tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định, không xuất hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Trong các tháng đầu năm, ngành chức năng tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc và gia cầm như kiểm dịch, giám sát chặt chẽ việc giết mổ và buôn bán gia súc, gia cầm, tiêu độc, khử trùng môi trường, tiêm phòng...

Mô hình nuôi ong lấy mật (do Trung tâm Thực nghiệm khoa học và ứng dụng công nghệ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu hướng dẫn) dù chỉ mới áp dụng thí điểm ở một vài hộ dân, nhưng bước đầu đã mang lại thu nhập khá ổn định. Một trong những hộ thực hiện thành công mô hình này là ông Văn Công Thống (thị trấn Phước Long).

Theo Bộ Công Thương, ngày 8-6 Cục vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường Hồng Kông (FEHD) có thông báo sẽ áp dụng lệnh cấm nhập khẩu gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm của Việt Nam. Nguyên nhân là do Việt Nam đang có dịch cúm gia cầm H5N1 và H5N6.

Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn còn trong vòng đàm phán giữa 12 quốc gia thành viên nhưng tại Việt Nam, nhiều loại thịt bò Úc đang bày bán tại các siêu thị có giá tương đương với thịt bò nội địa. Điều này khiến nhiều nông dân nuôi bò trong tỉnh lo ngại.