Bệnh viện Cây trồng Trà Vinh mang lại lợi ích cho nông dân

Trước đây, cây trồng bị bệnh chỉ có nước... chờ chết. Nhưng nay đã có đội ngũ bác sĩ thăm khám, cho toa, bốc thuốc cho cây trồng. Thậm chí có cả bác sĩ thăm khám tận vườn hoặc tư vấn từ xa hoàn toàn miễn phí. Đó là những hoạt động của Bệnh viện Cây trồng tỉnh Trà Vinh.
Bệnh viện Cây trồng Trà Vinh được thành lập vào ngày 17/8/2012, do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh quản lý và tổ chức hoạt động, có sự hỗ trợ của Bệnh viện Cây ăn quả miền Nam. Bệnh viện Cây trồng tỉnh được đầu tư các trang thiết bị, máy móc, với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng và có thêm một “trạm xá” được đặt tại huyện Cầu Kè, nơi có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất tỉnh, lên đến gần 10.000ha.
Nhiệm vụ của Bệnh viện Cây trồng Trà Vinh là tiếp nhận các mẫu cây trồng như: Rau màu, cây ăn trái… bị nhiễm bệnh do nông dân gửi đến để xét nghiệm và tư vấn hoặc trực tiếp giúp nông dân điều trị. Đây là một hoạt động bảo vệ thực vật chuyển sang hướng chuyên sâu về sức khoẻ cây trồng, hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của hiện tại.
Y cụ của một chuyến đi lưu động gồm có máy đo độ phèn, máy định vị, kính lúp, kính hiển vi, bộ kíp thử bệnh.... Hàng tháng bệnh viện còn cử đội ngũ bác sĩ xuống địa bàn để khảo sát, khám bệnh lưu động cho cây trồng, giúp nông dân ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Mọi hoạt động của Bệnh viện Cây trồng hỗ trợ cho nông dân đều miễn phí.
Theo Bệnh viện Cây trồng tỉnh Trà Vinh, thì sau ngày thành lập đến nay bệnh viện đã tổ chức được 20 chuyến thăm khám lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh và đã có hơn 400 lượt nông dân mang mẫu phẩm bệnh cây đến thăm khám tại bệnh viên; cấp hơn 350 toa thuốc. Các bác sĩ cây trồng luôn tận tình giúp nông dân kịp thời xử lý các hiện tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại đem lại kết quả cao và tạo được niềm tin cho bà con.
Nếu như trước đây, người nông dân thấy bệnh ở cây trồng thường tìm đến cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật để mua và chủ cửa hàng bán cho thuốc gì thì sử dụng thuốc đó, thì nay chỉ cần có một địa điểm để người dân mang mẫu vật tới, nhờ bác sĩ tư vấn, bắt bệnh, kê đơn thuốc để chữa trị các loại dịch bệnh cho cây trồng hiệu quả nhất.
Chữa bệnh lưu động là một phần trong kế hoạch của Bệnh viện Cây trồng, nhằm giúp bà con được trực tiếp “tai nghe, mắt thấy”, nhận biết bệnh trạng của cây trồng và nguyên nhân, từ đó hướng dẫn bà con cách phòng trị hiệu quả, ít tốn kém nhất.
Related news

Trong nhiều năm qua, thuỷ sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này liên tục năm sau cao hơn năm trước. Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD và trở thành một trong bốn quốc gia hàng đầu về xuất khẩu thuỷ sản trên thế giới.

Số lượng đàn gia súc của tỉnh Yên Bái liên tục giảm qua từng năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một trong những nguyên nhân đó là do bãi chăn thả bị thu hẹp, nguồn thức ăn cho đàn gia súc hạn chế. Vì vậy, muốn tăng đàn, phát triển chăn nuôi, trước mắt cần khắc phục tình trạng thiếu bãi chăn thả.

Tôm nuôi nước lợ tại các vùng nuôi tôm trọng điểm thuộc các tỉnh ven biển ĐBSCL đang vào thời điểm thu hoạch cuối vụ, sản lượng không nhiều. Tuy nhiên, nghịch lý lại xảy ra: Giá tôm lại giảm mạnh khiến những nông dân nuôi tôm sắp bước vào giai đoạn thu hoạch lo lắng.

Tôm tích là loài thủy sản nước mặn đặc trưng ở vùng đất Năm Căn (Cà Mau), thế nhưng mô hình nuôi tôm tích lại rất mới mẻ đối với người dân nơi đây. Anh Thái Trọng Tín, ở ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới là người tiên phong nuôi thử nghiệm đem lại hiệu quả cao mô hình kinh tế này.

Thời gian qua, nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện công suất nhỏ phát triển đã làm suy giảm mạnh nguồn lợi, hiệu quả khai thác. Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững được kỳ vọng góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.