Thoát Nghèo Ở Nam Trà My Phương Án 3 Cây, 3 Con

Đó là cây chuối, sâm, keo và con bò, heo, dê. Sáu loại cây trồng, vật nuôi này có nguồn tiêu thụ mạnh, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng miền núi, đem lại thu nhập cao và nhất là dễ thực hiện khi mà tập tục sản xuất của người dân còn lạc hậu. Đầu tư mạnh cho 3 cây, 3 con này sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân ở Nam Trà My thoát đói nghèo.
Thực trạng trong các năm qua, người dân Nam Trà My chưa thực sự tạo được hướng phát triển bền vững từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Điển hình là sau khi cây quế bị rớt giá, ế ẩm thì hàng trăm hộ dân vẫn tập trung trồng mới đến khi bán không được thì chặt hạ làm củi.
Huyện chủ động hỗ trợ giống cây trồng cho bà con chuyển đổi như cây bời lời đỏ, sao đen, huỳnh đàn đỏ…, các loại cây này có thời gian thu hoạch khá lâu, đến vài chục năm nên người dân khó có thể tính tới chuyện sớm thoát nghèo được. Về phía người dân, ngoài việc bám vào các loại cây truyền thống và nương rẫy thì chưa có một hướng đi nào mới đối với cây trồng.
Nhiều diện tích đất lâm nghiệp vẫn bỏ không mặc cho tre, nứa tự do sinh trưởng. Về chăn nuôi thì chính cách thức chăn thả lạc hậu, thiếu chăm sóc nên đàn gia súc, gia cầm ngày càng bị giảm sút do dịch bệnh, chết rét và do bán ồ ạt để lấy tiền tiêu xài.
Một nguyên nhân nữa mà Nam Trà My chưa phát huy được thế mạnh của chăn nuôi, trồng trọt là ý thức sản xuất còn hạn chế. Ông Trần Xuân Mố - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, vừa qua huyện Nam Trà My đã hỗ trợ hàng chục nghìn cây sâm trúc cho nhân dân thôn 2 (xã Trà Cang) trồng.
Tuy nhiên, do người dân thiếu trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc nên sâm bị chuột ăn, chết khô rất nhiều. Trong khi đó, các hộ trồng sâm tư nhân nhờ làm tốt khâu bảo vệ nên các vườn sâm lên xanh tốt.
Hay như các hộ dân tại xã Trà Tập, thời gian qua đã có nguồn thu nhập rất lớn từ việc bán rau rừng. Thấy bà con tìm được hướng đi mới để xóa đói giảm nghèo nên Trung tâm Dạy nghề huyện mở ngay 2 lớp tập huấn sản xuất rau sạch để bà con chủ động nguồn cung.
Tuy nhiên, tập huấn xong, không một hộ nào đứng ra trồng rau với lý do thu hái ngoài tự nhiên khỏe hơn! Một cán bộ ở Nam Trà My khẳng định, hiện nay vẫn còn nhiều hộ không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách. Chính việc lúng túng trong công tác chuyển đổi cơ cấu cũng như cách thức sản xuất cây trồng, vật nuôi, cộng thêm ý thức của người dân còn kém nên đã bỏ qua cơ hội thoát nghèo.
Tập trung 3 cây, 3 con
Trong buổi làm việc với lãnh đạo huyện Nam Trà My, ông Phan Việt Cường - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính tỉnh gợi ý rằng, huyện cần tập trung đầu tư mạnh cho cây sâm, keo, chuối mốc và con bò, dê, heo. Theo ông Cường, hiện ở các địa phương miền núi, chính quyền nhận thấy hiệu quả thực sự của 6 loại cây trồng vật nuôi này nên đã đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển.
“Đừng đầu tư dàn trải nhiều rồi lúng túng. Chỉ cần 3 cây và 3 con đó nếu huyện làm một cách khoa học thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả - ông Cường nói.
Theo phân tích thì đối với cây keo, một loại nguyên liệu đang có giá cao, đầu ra ổn định và thời gian trồng đến khai thác cũng chỉ 5 năm. Tương tự, cây sâm trúc, một loại dược liệu quý hiếm của huyện cũng cần hỗ trợ giống và thu hút thêm nhiều hộ dân tham gia trồng. Một cây sâm giống mua 25 nghìn đồng, đưa vào trồng, chăm sóc 5 năm có thể bán được gần một triệu đồng.
Còn cây chuối mốc khi đưa vào trồng chừng một năm thì ra trái. Hiện mỗi buồng chuối mua tại chỗ cũng hơn 60 nghìn đồng. Nếu người dân trồng với số lượng nhiều thì sẽ có thêm nguồn thu nhập khá, hơn nữa việc trồng chuối không phải tốn công chăm bón như cây trồng khác.
Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định: “Chuối mốc rất dễ trồng. Nguồn giống nhân dân sẵn có khá nhiều, cho trái quanh năm, đầu ra tương đối ổn định. Đây cũng là hướng đi mới để địa phương xóa đói giảm nghèo”.
Về chăn nuôi, với một huyện có điều kiện khí hậu mát mẻ, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào mà không phát triển được dê, bò, heo thì quả là điều đáng tiếc. Đây là những vật nuôi dễ phát triển, cho hiệu quả cao và vốn đầu tư cũng tương đối với điều kiện kinh tế hộ. Trong đó nuôi dê đem lại hiệu quả cao bởi vật nuôi này thích ứng rất tốt ở miền núi, ít bị dịch bệnh và phát triển khá nhanh. Một con dê đưa vào nuôi khoảng một năm được hơn 10 ký hơi với giá bán tại chỗ hơn 1,2 triệu đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện hướng đi 3 cây, 3 con thì đòi hỏi chính quyền địa phương phải thay đổi nhận thức cho người dân. Cần tổ chức lại phương pháp sản xuất bằng cách tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây, chăm sóc vật nuôi đúng kỹ thuật.
Cạnh đó, địa phương cũng cần hỗ trợ giống, vốn ban đầu và đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nêu cao ý thức thoát nghèo, loại bỏ tính trông chờ ỷ lại và đặc biệt là vận động các hộ biết tích lũy tài sản, không để tồn tại tư tưởng làm ra bao nhiêu thì tiêu xài hết như lâu nay.
Related news

Đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương đồng chí Hà Văn Thái, Bí thư Đảng ủy xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn cho biết: “Nếu tính về hiệu quả chăn nuôi, bây giờ nuôi bò là phổ biến hơn và dễ làm, được nhiều hộ tham gia. Khác với trước đây nuôi thả, tận dụng thức ăn tự nhiên, giờ chăn nuôi theo hình thức bán thâm canh, vừa kết hợp chăn thả vừa cho ăn thức ăn tinh, cỏ trồng, giống chủ yếu bò lai, bán bò giống, bò thịt”.

Theo Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu phát triển diện tích cây cao su của Việt Nam đến năm 2015 là 800.000ha và giữ diện tích ổn định ở mức này.

Từ kết quả trên, xã Nga Tiến tiếp tục cải tạo 34 ha cói kém hiệu quả sang trồng lúa. Để hỗ trợ nông dân trong vùng chuyển đổi diện tích trồng cói kém hiệu quả, UBND huyện Nga Sơn tiếp tục cơ chế hỗ trợ về giống lúa, khoa học sản xuất thâm canh cây lúa và đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ tốt cho yêu cầu sản xuất.

6 tháng đầu năm, XK thủy sản sang hầu hết các thị trường tiêu thụ lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều tăng tương ứng là 7,32%, 51,33% và 35,28%...

Ngày 5/8, tại TP Cần Thơ, nhiều đại biểu dự hội nghị “Bàn các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản ĐBSCL” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức đã đặt vấn đề: Nói ĐBSCL thiếu gạo như chuyện không tưởng. Vậy một lượng lúa gạo lớn đang nằm ở đâu?