Bệnh Nấm Phytophthora Palmivora Tàn Phá Cây Ăn Quả
Đạ Huoai, vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất ở Lâm Đồng, đang tiếp tục bị thiệt hại nặng do nấm Phytophthora Palmivora gây ra trên diện rộng.
Đáng chú ý, hiện tượng bệnh nấm gây hại tại hầu hết tám xã và hai thị trấn của huyện đã kéo dài hơn 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Phytophthora Palmivora là loại nấm gây bệnh cây trồng tồn tại trong đất và có khả năng gây hại cho hầu hết các loại cây trồng trên vùng đất có nấm. Sầu riêng đang là giống cây bị nấm tấn công mạnh nhất.
Theo ông Lê Văn Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đạ Huoai, hiện có ít nhất 20% trong tổng số hơn 1.500ha sầu riêng của huyện bị nấm Phytophthora Palmivora gây hại.
Thông qua nhiều phương thức lây nhiễm (theo nguồn nước, phát tán theo gió, côn trùng hay các tác nhân cơ học...), nấm Phytophthora Palmivora xâm nhập vào cây sầu riêng và gây ra hiện tượng xì mủ trên thân cây.
Sau khi bị nấm xâm nhập, cây trồng sẽ bị chết dần sau thời gian từ 1-2 năm; nếu được đầu tư đầy đủ dinh dưỡng, cây trồng bị nhiễm có thể tự khỏi bệnh nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất thu hoạch.
Theo khảo nghiệm của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai đối với một số diện tích sầu riêng 10 năm tuổi sau thời gian một năm bị nấm xâm hại, nếu bị nhiễm nấm ở mức nhẹ mỗi cây chỉ đạt sản lượng thu hoạch 19,6 kg/cây và bị bệnh nặng thì năng suất giảm còn 5,8 kg/cây (so với mức thu hoạch trên diện tích không bị bệnh là 48,4 kg/cây).
Phytophtora Palmivora là loại nấm bệnh phát triển rất mạnh trong mùa mưa khi khí hậu có độ ẩm lớn và rất khó chữa trị. Ở huyện Đạ Huoai, trong năm 2010, từng có những nông dân phải chặt bỏ toàn bộ diện tích vườn sầu riêng, mít tố nữ vì không tìm được cách xử lý nấm gây bệnh.
Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai cũng đã từng tiến hành thử nghiệm dùng hóa chất Alietle, Ridomil MZ 72 WP, Mataxyl 25 WP và Agrifos để diệt trừ nấm gây hại nhưng theo kỹ sư Ngô Huyền Nga (chủ nhiệm đề tài thử nghiệm này), đây là phương án không dễ nhân rộng vì hóa chất sử dụng diệt nấm rất đắt tiền không phù hợp với nông dân có thu nhập thấp; hơn nữa, khi sử dụng các loại hóa chất này trên diện rộng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Thiết nghĩ, các cơ quan nghiên cứu khoa học và bảo vệ thực vật cần sớm nghiên cứu phương án diệt trừ nấm Phitophtora Palmivora để giúp nông dân ổn định sản xuất và tránh việc loại nấm gây hại này phát sinh, lây lan ra nhiều địa phương khác.
Related news
Mùa khai thác thủy sản năm nay được xem là thất bát nặng nề nhất trong 20 năm qua. Ngư dân dù đã và đang được hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, nhưng do biển mất mùa, chi phí đánh bắt tăng cao nên hiện tại họ đang gặp rất nhiều khó khăn. Dẫu vậy, nhiều chủ tàu vẫn tìm mọi cách huy động vốn, kể cả vay “tín dụng đen” để “đặt cược” trong những chuyến biển cuối vụ khai thác…
Người nuôi cá tra tại ĐBSCL vẫn phải tiếp tục chịu lỗ, dù diễn biến trên thị trường đang có lợi họ, đặc biệt khi nguồn cung nguyên liệu đang sụt giảm và thị trường nhập khẩu dần “ấm” lên. Viễn cảnh trên cho thấy người nuôi cá tra thật sự đã hết cơ hội với nghề này.
Thời gian gần đây, giá heo tại Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung, đã tăng mạnh do thương lái ồ ạt thu mua heo mỡ. Giá heo tăng làm cho người chăn nuôi phấn khởi sau một thời gian dài lỗ nặng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu như thương lái ngừng mua.
Hải Lăng (Quảng Trị) có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn với hơn 500 ha diện tích ao hồ. Trong đó diện tích nuôi tôm trên cát ven biển ở hai xã Hải An và Hải Khê chiếm gần 100 ha. Nhiều năm qua nhờ phát triển nuôi tôm nên nhiều hộ gia đình đã trở nên giàu có, tuy nhiên do nằm sát với bờ biển nên rất dễ bị thiên tai tàn phá. Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn ao hồ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão năm 2013, huyện Hải Lăng đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm giúp người nuôi tôm bảo vệ tốt tài sản của mình.
Những năm gần đây, nuôi ngao thực sự là nghề “nóng” của người dân ven biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, giá bán ngao thương phẩm đang giảm mạnh, thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Người dân phát triển nuôi ngao ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy xấu...