Bền vững nuôi tôm quảng canh cải tiến

Mô hình được triển khai trên diện tích 2 ha của hộ ông Lê Vũ Phong, ấp Cái Su, xã Hoà Tân. Theo quy trình, diện tích 2 ha được chia làm 3 khu, khu 1: diện tích 500m2, đào hầm theo cách nuôi công nghiệp; khu 2 và khu 3 diện tích 1.500m2, cải tạo theo cách nuôi quảng canh cải tiến. Ðộ pH, độ mặn của nước tất cả các khu đều được xử lý giống nhau. Khi nước đã ổn định thì thả tôm giống với mật độ dày trong khu 1 theo cách nuôi tôm công nghiệp.
Tôm vèo trong hầm công nghiệp được gần 2 tháng tuổi thì chuyển một phần lượng tôm giống này ra khu 2 và khu 3, còn lại một phần tôm trong hầm vẫn nuôi theo công nghiệp. Vì nước các khu đều xử lý giống nhau nên khi chuyển tôm từ khu này qua khu khác, tôm không bị sốc nước, và tôm chuyển đi lúc đã lớn nên ít hao hụt, đạt đầu con rất cao.
Kỹ sư Ðàm Vũ Linh, cán bộ Phòng Kinh tế TP Cà Mau, khẳng định: “Ðây là mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến sử dụng chế phẩm sinh học nhằm đem lại hiệu quả kinh tế để nhân rộng cho toàn ấp của xã Hoà Tân”.
Sau gần 5 tháng thả nuôi, mô hình trình diễn nuôi tôm quảng canh cải tiến của ông Lê Vũ Phong đạt hiệu quả cao. Tổng sản lượng thu hoạch được trên 1.060 kg, sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi gần 100 triệu đồng. Ðây là mô hình có tính bền vững. Khi bà con có nguồn vốn hạn chế, không đủ nuôi tôm công nghiệp thì nuôi theo cách này vẫn được, không sợ rủi ro mà hiệu quả đem lại khá cao.
Ông Lê Vũ Phong cho biết: “Giờ nuôi theo quy trình ngày xưa không hiệu quả nữa, con nước chỉ có vài triệu đồng, không có lời bao nhiêu. Nếu mình nuôi quảng canh cải tiến chăm sóc tốt đàng hoàng, con giống, nước êm thì lợi nhuận cao hơn”.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 11.000 ha nuôi tôm, trong đó trên 1.000 ha tôm công nghiệp, trên 1.000 ha tôm quảng canh cải tiến, còn lại trên 9.000 (chiếm gần 90%) là tôm quảng canh truyền thống năng suất thấp. Do đó, mô hình trình diễn của Phòng Kinh tế có nhiều cải tiến hơn so với nuôi tôm quảng canh truyền thống; rất ổn định, không rủi ro, cho hiệu quả cao. Ðây là mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cần được nhân rộng.
Related news

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Hiện nay hầu hết nông sản ngoài thị trường qua xét nghiệm mức độ đảm bảo tương đối cao (trên 90%), song vẫn chưa được người tiêu dùng thật sự yên tâm, tin tưởng. Vì vậy, việc xây dựng thành công chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn, hai mặt hàng quan trọng nhất hiện nay cho Hà Nội có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Nói chuyện đi gặt thuê, cắt lúa mướn ai cũng nghĩ trăm đường cơ cực. Dậy từ nửa đêm, cơm đùm cơm nắm, lỉnh kỉnh đòn xóc, quang gánh, tối về đã nhọ mặt người. Chuyện đó mới độ chục năm, giờ nghe đã như cổ tích, nhất là với đội quân cắt lúa thuê bằng máy...

Ngày 16-9-2014, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ công bố và trao nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang” do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ độc quyền cho Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Hậu Giang.

Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được ngư dân kỳ vọng có thêm điều kiện để đầu tư đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá vươn khơi bám biển dài ngày hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay hầu hết ngư dân vẫn còn băn khoăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này.

Lâu nay, ngư dân khai thác hải sản chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Khi ra khơi trên những chiếc tàu vỏ sắt, vỏ composite với các trang thiết bị hiện đại, ngư dân sẽ rất lúng túng. Vì vậy, đào tạo nghề cho ngư dân là việc làm hết sức cần thiết, giúp họ thêm tự tin khi vươn khơi.