Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ao Nuôi Cá Tra Cũng Ế Nặng

Ao Nuôi Cá Tra Cũng Ế Nặng
Publish date: Wednesday. May 23rd, 2012

Trước đây, tại các tỉnh vùng ĐBSCL, giá ao nuôi cá tra luôn ở mức rất cao, từ 2- 3 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên gần đây, người nuôi cá tra thua lỗ, lần lượt “treo ao” nên giá ao rớt thê thảm, nhiều nơi kêu bán mà chẳng ai mua.

Giá rớt thê thảm

Mấy ngày qua, về các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ… chúng tôi thấy ao hầm nuôi cá tra bỏ hoang khá nhiều. Nếu như 5 năm trước, phong trào nuôi cá ở đây phát triển rất nhanh đã đẩy giá đất tăng vù vù, thì giờ đây không khí buồn ảm đạm, nhiều người treo biển bán ao mà chẳng ai thèm hỏi...

Một ao nuôi cá tra bỏ không và rao bán nhiều lần mà không ai mua ở Cần Thơ.

Ông Võ Văn Đệ ở phường Thuận An (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cho biết: “Hồi trước khi còn sản xuất lúa, giá đất ở khu vực này chỉ 200- 300 triệu đồng/ha, những vị trí tốt giá cao lắm cũng không quá 400 triệu đồng/ha. Đến những năm 2007, nghề nuôi cá tra thắng lớn đã đẩy giá đất vọt lên từ 1- 1,5 tỷ đồng/ha; có nơi trên 2 tỷ đồng/ha, cao chưa từng thấy.  Cứ ngỡ giá đất duy trì ở mức cao, nào ngờ gần đây tuột dốc không phanh, đến nỗi bây giờ kêu bán với giá rẻ cũng chẳng ai thèm ngó”.

Ao nuôi cá tra của ông Đệ là mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ mới, nhưng giờ đã “treo ao”. Ông muốn trồng lúa hay trồng cây ăn trái cũng phải tốn khá nhiều chi phí san lấp. Trong khi đó, nuôi cá tra thì gặp rất nhiều rủi ro và liên tục thua lỗ.

Ông Ngô Văn Khiêm ở xã Vĩnh Thới (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cho rằng: “Hồi xưa, đất đai dọc theo sông Hậu nhiều nơi bị sạn cát, bị gò cao… không trồng được lúa nên giá rất thấp. Đến khi đưa con cá tra về đây, nuôi trúng liên tục nhờ gần sông lớn, nguồn nước tốt… thế là đất trở thành “vàng” giá tăng lên vù vù, có lúc lên đến 2 tỷ đồng/ha. Nguyên nhân là do nhiều đại gia ùn ùn về tranh nhau mua đất nuôi cá tra. Tuy nhiên, giá đất cao duy trì không bao lâu, nay lâm vào cảnh mất giá; nhiều hộ kêu bán chỉ còn 1 tỷ đồng/ha mà mãi không bán được”.

Ở cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) - một thời được mệnh danh là “cù lao cá” hay “cù lao tỷ phú”, nhờ trúng đậm cá tra, ông Nguyễn Văn Thể nuôi cá tra lâu năm cho biết: “Mấy năm trước, đất nuôi cá tra dọc cù lao này giá lên đến 170 cây vàng/ha. Giờ nuôi cá thua lỗ, kêu bán 40 cây vàng/ha, thậm chí dưới 30 cây vàng/ha mà đâu thấy ai hỏi”.

Còn ở An Giang, tình hình cũng tương tự, đất nuôi cá tra bán rất khó khăn dù giá đã giảm tới đáy. Những hộ nuôi cá tra, cá basa trên bè sau một thời gian thua lỗ đã “treo bè” hoặc chuyển sang nuôi cá điêu hồng.

“Vua” xuống ngai

Theo nhiều người nuôi cá tra, nguyên nhân chính dẫn đến giá đất nuôi cá tra rớt thê thảm là do thời gian qua người nuôi cá liên tục lỗ nặng. Đây là phản ứng dây chuyền khi các nhà máy chế biến thủy sản gặp khó khăn, thậm chí chậm trả tiền bán cá, nợ tiền cá trong thời gian dài...

Ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho rằng: “Nuôi cá tra bây giờ đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng rủi ro cao, do giá cả lên xuống thất thường. Mọi bất lợi dồn về phía người nuôi nên số hộ bỏ nghề liên tục tăng, từ đó kéo giá đất đào nuôi cá tra ngày càng xuống thấp”.

Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết: “Hiện nay chỉ còn khoảng 10% số hộ nuôi cá tra còn theo nghề, nhưng công việc cũng rất bấp bênh. Diện tích ao còn lại thì chuyển sang nuôi cá lóc, san lấp để làm ruộng và một phần để không. Một số hộ kêu bán ao rẻ hơn đất lúa nhưng chẳng ai mua, vì nếu mua phải tốn tiền san lấp chứ đâu ai dám nuôi cá tra nữa”.

Gặp phóng viên, bà Trần Thị Ánh Nguyệt - chủ nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ở khu công nghiệp Sông Hậu (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) chua chát: “Năm rồi, tui cung ứng thức ăn, cá nguyên liệu… cho một doanh nghiệp thủy sản ở TP. Cần Thơ với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng. Doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ, không tiền trả nên họ gán 40ha đất nuôi cá tra để trừ nợ.

Nhiều ngày nay tui kêu bán đất nuôi cá tra với giá rất rẻ, chấp nhận lỗ… nhưng chẳng ai mua; trong khi muốn nuôi cá ở 40ha đất thì cần vốn đầu tư từ 150- 200 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn rất khó vay trong thời buổi cá tra xuống dốc”.

Không chỉ bà Nguyệt, mà rất nhiều hộ khác đang “chết đứng” với những ao hầm nuôi cá tra khi bán không được mà nuôi tiếp cũng không được vì cạn vốn, ngân hàng lại không còn mặn mà cho vay vốn để nuôi cá tra vì rủi ro lớn.

Related news

Chủ động nguồn hàng dự trữ trong mùa mưa bão 2015 Chủ động nguồn hàng dự trữ trong mùa mưa bão 2015

Xác định rõ dự trữ hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm đáp ứng nhu cầu hàng hoá thiết yếu của nhân dân trên địa bàn trong mùa mưa bão năm 2015, Sở Công thương đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện phương án chuẩn bị hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường trong mùa mưa bão đến các đơn vị trực thuộc, UBND các huyện, thành phố và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Thursday. June 4th, 2015
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Sau khi Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành Chương trình hành động thực hiện đề án, cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh ta đã bắt tay ngay vào chuẩn bị các bước xây dựng kế hoạch, đến nay sau hơn 1 năm triển khai thực hiện tuy còn nhiều khó khăn song cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thursday. June 4th, 2015
Đánh giá mô hình sản xuất giống lúa lai CT 16 và TH 3-3 tại xã Ngọc Lập Đánh giá mô hình sản xuất giống lúa lai CT 16 và TH 3-3 tại xã Ngọc Lập

UBND huyện Yên Lập phối hợp với Công ty TNHH Cường Tân tổ chức tổng kết mô hình trình diễn sản xuất giống lúa lai CT 16 và TH 3-3 do Việt Nam sản xuất, áp dụng theo quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI).

Thursday. June 4th, 2015
Triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa - vụ đông năm 2015 Triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa - vụ đông năm 2015

UBND huyện Tam Nông vừa tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2014 - 2015, triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2015.

Thursday. June 4th, 2015
Tin vui dồn dập với vải thiều Tin vui dồn dập với vải thiều

Sáng 3-6, Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu 2 cho biết lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu đi Mỹ (1 tấn) đã đến nơi an toàn và được nhà nhập khẩu đánh giá chất lượng tốt và mẫu mã đẹp.

Thursday. June 4th, 2015