Bài Học Từ Chăn Nuôi Ở Bảo Thắng (Lào Cai)
Chăn nuôi được xác định là “mũi nhọn” trong kinh tế nông nghiệp của huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Với quy mô tổng đàn gia súc, gia cầm lớn và tốc độ tăng đàn nhanh, thì công tác phòng, chống dịch bệnh là rất quan trọng.
So với các địa phương trong tỉnh, huyện Bảo Thắng có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng tập trung. Đó là thuận tiện giao thông, trình độ sản xuất khá cao và đồng đều, nhiều hộ dân có kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Hiện, trên địa bàn huyện có 72 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với quy mô trang trại và tương đương trang trại, trên 100 hộ chăn nuôi số lượng lớn; tổng đàn gia súc trên 14 nghìn con, gia cầm trên 1,2 triệu con. Là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về chăn nuôi, nhưng Bảo Thắng cũng luôn phải đối mặt với những đợt dịch bệnh nguy hiểm, nhất là bệnh dịch trên đàn gia cầm.
Trong dịch cúm A/H5N1 đầu năm 2014, đàn gà hơn 500 con của gia đình bà Lê Thị Nga, thôn Cánh Địa, xã Sơn Hải phải tiêu hủy. Khi gà mắc bệnh, mỗi con đã đạt trọng lượng trên dưới 3 kg, ước tổn thất của gia đình bà hơn 50 triệu đồng.
Thiệt hại lớn về kinh tế do dịch bệnh trên đàn gia cầm, khiến gia đình bà Nga luôn nơm nớp lo sợ khi tái đàn. Hiện, xã Sơn Hải có số lượng đàn gia cầm lớn của huyện Bảo Thắng, với gần 80.000 con, chủ yếu nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, gà thả vườn. Trong đợt dịch cúm vừa qua, có một số lượng lớn gia cầm của các hộ chăn nuôi mắc bệnh phải tiêu hủy.
Ông Đinh Trường Minh, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống dịch bệnh. Khi phát hiện gia cầm chết, một số hộ đã tự xử lý mà không báo lên cấp trên, khiến dịch bệnh lây lan nhanh và gây thiệt hại lớn.
Nhiều người cho rằng, dịch cúm gia cầm xảy ra hồi tháng 2/2014 tại huyện Bảo Thắng có thể đã không bùng phát nếu được phát hiện kịp thời. Trên thực tế là thời điểm trong và sau Tết Giáp Ngọ, ở một số địa phương đã có hiện tượng gia cầm chết từ rải rác đến số lượng lớn, người chăn nuôi đã giữ “bí mật” với chính quyền và cơ quan chuyên môn.
Cho nên có tình trạng xác gia cầm chết chôn sơ sài hoặc bị vứt xuống sông, suối và trở thành nguồn lây nhiễm cho các hộ chăn nuôi khác. Trong đợt dịch này, 5 xã trên địa bàn huyện bị lây lan dịch bệnh với mức thiệt hại rất khó thống kê.
Chăn nuôi theo hướng tập trung, hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ là hướng đi cần thiết để phòng, tránh dịch bệnh hiệu quả. Trong đợt dịch cúm gia cầm vừa qua, các trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện Bảo Thắng vẫn an toàn với dịch bệnh.
Ông Phan Quốc Ân, Chủ nhiệm hợp tác xã Quý Hiền, xã Xuân Quang cho biết: Hợp tác xã có gần 40 hộ thành viên chăn nuôi gia cầm, với trên 800 tấn gà, 4 triệu quả trứng xuất bán ra thị trường mỗi năm. Với quy trình chăn nuôi khép kín từ cung cấp con giống, hệ thống chuồng nuôi nhốt đảm bảo quy mô, vệ sinh, thuốc thú y, công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt và việc bao tiêu đầu ra sản phẩm cho xã viên, nhờ vậy 100% hộ xã viên không có gia cầm chết do dịch bệnh.
Bài học kinh nghiệm được rút ra qua đợt dịch này chính là việc thông báo bệnh dịch, giám sát phát hiện bệnh, công tác tiêm phòng, quản lý nguồn giống còn những bất cập. Công tác tuyên truyền cũng cần được nâng cao để người dân hạn chế tư tưởng sợ dịch, giấu dịch.
Huyện Bảo Thắng hiện có hơn 80% lượng con giống gia cầm nhập từ bên ngoài, đây là nguyên nhân chính khiến bệnh dịch có nguy cơ lây lan. Do vậy, việc quy hoạch và xây dựng cơ sở sản xuất con giống gia cầm đang được các cấp, ngành của huyện Bảo Thắng tính tới.
Ông Nguyễn Quang Úy, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bảo Thắng cho rằng: Việc hình thành vùng chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại tập trung là biện pháp phòng, tránh dịch bệnh hiệu quả nhất. Thêm một kinh nghiệm tại Bảo Thắng là việc nâng cao hơn nữa ý thức cộng đồng của người chăn nuôi.
Related news
Hàng chục năm qua, người dân nghèo ở các thôn Lập An, Loan Lý, Hót Mít, Hói Dừa… thuộc thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) chỉ biết mò cua bắt cá trên đầm Lập An để sống qua ngày.
Nhiều hộ dân ở xã Lê Minh Xuân (Huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu nhờ chuyển đổi cây trồng trong những năm gần đây.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nghèo lại đông con, nên từ lúc 15 tuổi ông Mai phải bươm chải để giúp gia đình lo cho các em bằng nghề chạy đò mướn. Nhờ việc chạy đò khấm khá, ông tích cóp dần sắm thêm thùng tuốt lúa, máy cày nhỏ để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con địa phương.
Nghề làm nhang (hương) tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng trước đây do người dân chủ yếu sản xuất bằng phương pháp thủ công nên năng suất thấp, cuộc sống người làm nhang cũng vì thế mà không ổn định.
Ông Lê Thanh Triều, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho biết người dân trong huyện rất phấn khởi vì trúng mùa cá đồng, kèm theo đó là giá cá đồng cũng tăng mạnh.