Hà Nội: Rau An Toàn Và Bí Quyết Không Sợ... Ế
Trong khi nhiều vùng trồng rau an toàn của Hà Nội đang lúng túng trong việc đảm bảo “đầu ra” ổn định, lâu dài cho sản phẩm của mình thì tại vùng trồng rau an toàn Văn Đức thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, gần 1.000 hộ trồng rau từ lâu rất yên tâm làm giàu từ cây rau bởi khâu sản xuất đã được giám sát chặt chẽ và khâu tiêu thụ luôn được Hợp tác xã Văn Đức và doanh nghiệp thu mua rau đảm bảo.
Sản xuất thật sự an toàn
Là một xã nằm ven sông Hồng, chất đất phù sa màu mỡ là điều kiện thuận lợi dầu tiên để rau Văn Đức luôn có tiếng là ngon, đẹp hơn nhiều vùng khác. Thế nhưng, theo bà con nông dân ở đây thì dù rau có ngon, đẹp mà không thực sự an toàn, không phải là rau đảm bảo thì không thể có được sự tin tưởng lâu dài của người tiêu dùng.
Được sự giúp đỡ, hướng dẫn về kỹ thuật và trực tiếp gám sát của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, Hợp tác xã Văn Đức đã lập sơ đồ từng khu ruộng rau để chỉ đạo sản xuất theo đúng quy trình sản xuất rau an toàn. Khoảng 20-30 hộ trồng rau được chia thành 1 nhóm do một hộ sản xuất được chọn làm nhóm trưởng. Nhóm trưởng có nhiệm vụ chịu trách nhiệm quản lý và giám sát quy trình sản xuất của các hộ trong nhóm dưới sự chỉ đạo và “giám sát lại” của cán bộ Chi cục bảo vệ thực vật.
Với cách làm này, có thể nói, cây rau đã được giám sát ngay tại đồng ruộng. Người trồng rau cũng dần quen với cách ghi nhật ký sản xuất hàng ngày để tiện cho trưởng nhóm, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã và Chi cục Bản vệ thực vật lẫn khách hàng đến mua rau theo dõi, đối chiếu.
Theo ông Chử Đức Nhị, Chủ nhiệm Hợp tác xã Văn Đức, xã có gần 290ha đất canh tác nông nghiệp, diện tích trồng rau đã chiếm tới 250ha với nhiều loại từ rau ăn lá đến rau lấy củ và rau lấy quả các loại. Trung bình mỗi năm,Văn Đức xuất ra thị trường trên dưới 20.000 tấn rau các loại. Mỗi hecta rau ở đây cho người trồng đạt doanh thu 400 triệu/ha; trong đó, chi phí sản xuất chiếm khoảng 30%, còn lại là lợi nhuận thu mà người trồng rau thu được.
“Đầu ra” là mấu chốt
Xác định khâu tiêu thụ, tìm “đầu ra” ổn định cho cây rau là mấu chốt để người trồng rau yên tâm sản xuất, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã đã tích cực đi tiếp thị, quảng bá sản phẩm không chỉ ở quanh Hà Nội mà cả các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng...
Ông Chử Đức Nhị cho biết ở đâu người trồng rau lo khâu tiêu thụ, còn với người trồng rau Văn Đức thì không sợ rau "bị ế." Hiện nay, Hợp tác xã có hơn 20 đầu mối tiêu thụ rau ổn định với số lượng lớn ở nhiều tỉnh, thành phố nên bà con trồng rau ở địa phương rất yên tâm sản xuất.
Không bó hẹp thị trường tiêu thụ chỉ ở Hà Nội, Hợp tác xã mang từng cây bắp cải, súplơ, quả cà chua vào “chào hàng” tại các khu chợ lớn của miền Trung từ nhiều năm nay. Ở miền Bắc, vụ Đông rất thuận lợi để trồng rau, nhất là các loại rau ưa lạnh như súplơ, su hào, bắp cải vì vậy dễ bị thừa cục bộ. Nhưng ở miền Trung, những tháng cuối năm lại mưa nhiều, rau ở đó khan hiếm hơn, cây rau Văn Đức đã kịp thời “đến” và tìm được “chỗ đứng” ổn định tại những thị trường này.
Riêng với 25ha rau hiện được liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hương Cảnh để sản xuất theo quy trình Viet Gap (thực hành nông nghiệp tốt cho sản phẩm rau và quả tươi Việt Nam), người trồng rau ở Văn Đức có trách nhiệm ký hợp đồng sản xuất, bán sán phẩm với công ty trách nhiệm hữu hạn Hương Cảnh và Hợp tác xã nông nghiệp Văn Đức; cam kết thực hiện đúng việc sản xuất rau an toàn theo hướng Viet Gap.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Hương Cảnh cũng đã đầu tư gần 7 tỷ đồng xây dựng hoàn thiện nhà sơ chế rau an toàn ngay tại xã, gồm các hạng mục chính như nhà xưởng, nguồn nước sạch, bể rửa rau, bể sục, bàn đóng gói, kho lạnh bảo quản... giúp cho việc sơ chế, bảo quản được rau được thuận lợi hơn, nhất là trong thời điểm thu hoạch “rộ.”
Từ cuối năm 2011, khi vùng rau Văn Đức được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội chọn là nơi triển khai điểm mô hình gắn nhãn để nhận diện và truy xuất nguồn gốc rau an toàn, cây rau ở đây lại càng có “đầu ra” thuận lợi hơn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội khẳng định rằng rau an toàn Văn Đức giờ đây đã mang tính hàng hóa rất cao và được thị trường nhiều tỉnh, thành phố đón nhận. Người tiêu dùng khi mua rau đã được dán nhãn rau an toàn Văn Đức là có thể dễ dàng biết được nguồn gốc, chất lượng rau cụ thể, từ tên hộ sản xuất đến ngày trồng, ngày thu hoạch, trọng lượng rau... nên độ tin cậy cũng được nâng lên rất nhiều.
Related news
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long, hiện trong toàn tỉnh có 22.698ha bị nhiễm sâu bệnh (tăng 17.653ha so với hồi giữa tháng 7) trong tổng số 54.037ha lúa đã xuống giống.
Chưa bao giờ tình hình sâu bệnh hại cây trồng tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) lại diễn biến phức tạp và nghiêm trọng như hiện nay. Các loại cây trồng chủ lực của huyện như: sầu riêng, mít nghệ, hồ tiêu… đều đã bị nhiễm sâu bệnh trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại cho bà con nông dân.
Sự kiện Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Nichirei Suco Việt Nam đưa vào hoạt động nhà máy chế biến ngay trên vùng nguyên liệu sơ ri Gò Công (Tiền Giang) đã mở ra cơ hội mới cho loại đặc sản của vùng đất nhiễm mặn này.
Theo đó, tại các cánh đồng lúa, ngô nhân dân đang tích cực chủ động làm cỏ, bón phân và phun thuốc trừ sâu trên những diện tích lúa xuất hiện sâu gây hại. Nhân dân các địa phương được khuyến cáo giữ mực nước ổn định cho lúa từ 2 - 3cm, kết hợp làm cỏ, sục bùn, thuận lợi cho cây lúa bén rễ phát triển
Toàn huyện có 70 con trâu, bò bị ốm, 12 con chết do mắc các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, tiêu chảy, phân trắng bê nghé, viêm phổi; 386 con lợn ốm, 34 con chết do mắc dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu, lép tô…