Anh Nguyễn Hồng Phước Khá Lên Nhờ Nuôi Dê
Siêng năng, kiên trì gắn bó với nghề nuôi dê đã trên 10 năm, giờ đây kinh tế gia đình của anh Nguyễn Hồng Phước (ấp Lợi A, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) đã khấm khá hơn trước nhiều.
Năm 2003, qua giới thiệu của bạn bè, anh đến TX. Gò Công mua một cặp dê giống với giá 4 triệu đồng về nuôi thử. Qua thời gian chăm sóc, đàn dê phát triển khá tốt. Hiện tại, đàn dê của anh có 20 con; trong đó có 3 dê đực giống, số còn lại là nái, hậu bị và dê thịt.
Theo anh Phước, dê cái nuôi từ 7-8 tháng gác nọc, khoảng 5 tháng sau sẽ sinh sản. Dê cái mỗi lứa sinh sản khoảng 2 con, nuôi 6-7 tháng có thể đạt trọng lượng từ 20 - 25kg. Dê thịt anh bán với giá từ 85 - 90 ngàn đồng/kg; dê nái hậu bị anh bán với giá từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/con. Đối với dê nọc giống, mỗi lần gác nọc anh thu từ 100 - 150 ngàn đồng.
Đặc biệt, trong năm 2013, anh đến TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) mua 1 dê nọc giống Saanen (có nguồn gốc từ Thụy Sĩ) với giá 12 triệu đồng, trọng lượng khoảng 120 kg. Đây là giống dê rất to con, nạc nhiều so với một số giống dê khác như: Bách Thảo, Hòa Lan… và hiện đang được các hộ chăn nuôi ưu tiên lựa chọn để phối giống. Năm 2013, con giống Saanen của anh đã được đưa đi phối giống ở huyện Gò Công Đông, TX. Gò Công và một số hộ khác ở tỉnh Bến Tre.
Về thức ăn, anh trồng cỏ voi, cỏ sả, so đũa để cho dê ăn, kết hợp bổ sung thêm chuối chín, thức ăn dạng viên (ngày 2 cử) pha với cháo, cám để cho dê nọc, dê cái đang nuôi con uống. Đối với các bệnh thông thường của dê như: nhậm mắt, lở miệng, tiêu chảy… anh tự mua thuốc thú y cho dê uống hoặc tiêm. Do thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại nên môi trường xung quanh hầu như không bị ảnh hưởng cũng như ít mùi hôi.
Anh Nguyễn Văn Bình (TX. Gò Công), chuyên thu mua, cung ứng dê thịt, dê giống cho thị trường trong, ngoài tỉnh nhận xét: Giống dê Saanen là giống dê siêu nạc, hiện rất được thị trường ưa chuộng nên lượng dê thịt tiêu thụ ngày càng gia tăng, chủ yếu là các quán ăn, quán nhậu, nhà hàng...
Trong năm 2013, lượng thịt dê hơi anh cung ứng cho thị trường tăng 30% so với năm 2012. Theo anh, nghề nuôi dê hiện đang có điều kiện thuận lợi để phát triển do thị trường tiêu thụ tăng, dê ít bị bệnh và thời gian quay vòng vốn nhanh, trong khi chi phí thức ăn không nhiều nên hiệu quả mang lại khá cao.
Related news
Tỉnh Bến Tre đã triển khai thí điểm ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm. Bước đầu, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người trồng dừa.
Mặc dù giá xoài Keo khá cao, từ 15.000 - 20.000 đồng/kg nhưng do phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng nên đã cạnh tranh khá tốt với xoài nội hiện đang rớt giá, chỉ bán từ 4.000-10.000 đồng/kg nhưng rất khó tiêu thụ.
Thống kê mới nhất của Trạm Bảo vệ thực vật thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), cho biết, hiện tượng vàng lá trên cây cam sành hay còn gọi là hiện tượng vàng đầu tiếp tục tăng với tổng diện tích nhiễm đến ngày 3-3 là hơn 402,5ha, tăng hơn 20ha so với tuần trước.
Vừa qua, tại trụ sở ấp Ông Gồng, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông đã diễn ra Hội nghị thành lập Hợp tác xã (HTX) sơ ri Gò Công Đông. Đây là HTX sơ ri thứ hai trên địa bàn huyện (sau HTX sơ ri Bình Ân).
Năm vừa qua, người dân huyện Hàm Thuận Nam trồng thêm 202 ha thanh long trong vùng quy hoạch, nâng tổng diện tích thanh long của huyện này lên 11.027 ha, dẫn đầu toàn tỉnh Bình Thuận. Trong đó, sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP chiếm gần một nửa với 4.456 ha.