Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

An Hải hướng đến xây dựng trung tâm giống thủy sản chất lượng cao

An Hải hướng đến xây dựng trung tâm giống thủy sản chất lượng cao
Publish date: Saturday. May 23rd, 2015

Với chủ trương xây vùng nuôi tôm An Hải trở thành trung tâm sản xuất giống chất lượng cao, năm 2005, tỉnh ta đã quy hoạch và đầu tư trên 38 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng Khu sản xuất tôm giống tập trung An Hải một cách bài bản. Ngoài việc xây dựng hệ thống điện, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, kè chắn sóng, còn mở rộng đường Phú Thọ–Mũi Dinh dài 20km; tuyến đường An Long–Tuấn Tú–Hòa Thạnh dài 5,2km đảm bảo đầy đủ các điều kiện để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh ta còn thực hiện tốt các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, nhờ vậy đến nay, 125ha mặt bằng của Khu sản xuất giống thủy sản An Hải đã được các nhà đầu tư lấp kín.

Đồng chí Bùi Thế Ly, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải, chia sẻ: Với lợi thế gần trung tâm Tp. Phan Rang–Tháp Chàm, lại đảm bảo đầy đủ các yếu tố cần thiết để sản xuất giống thủy sản nên khi dự án được triển khai, rất nhiều nhà đầu tư đã tìm đến đăng ký xây dựng các trại sản xuất tôm giống, góp phần mang lại diện mạo mới cho vùng đất An Hải. Trong đó, có nhiều công ty đã đầu tư với quy mô hàng triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất, qua đó đã cung cấp cho thị trường hàng tỷ con tôm post giống chất lượng cao.

Cụ thể như: Công ty Sản xuất giống thủy sản Minh Phú đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng để xây dựng cơ sở và các trang thiết bị hiện đại; Công ty Tôm giống Grobest&Imei Việt Nam với vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng; Công ty Uni-President Việt Nam với vốn đầu tư hơn 43 tỷ đồng; Công ty Sinh học Trần Trinh với vốn đầu tư 8 tỷ đồng... Ngoài ra, hiện còn rất nhiều công ty đang trong quá trình hoàn tất thủ tục đầu tư sản xuất tôm giống, ốc hương, cua giống và một số loại thủy sản khác.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành Thủy sản, việc An Hải được chọn để xây dựng thành Khu trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao là nhờ tỉnh ta đã khai thác được lợi thế vùng tiểu khí hậu đặc trưng nắng ấm quanh năm mà không nơi nào sánh kịp. Chính nhờ lợi thế này, cộng với việc tỉnh sớm đề ra chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản đúng đắn, có tính bền vững đã tạo niềm tin cho hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước an tâm đến đầu tư sản xuất tôm giống chất lượng cao, tạo nên thương hiệu mạnh trên thị trường.

Đồng chí Phạm Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, cho biết: Nếu trước năm 2006, khu vực An Hải chỉ có vài chục cơ sở với 233 trại tôm giống/4.052 hồ nuôi, chủ yếu quy mô nhỏ, chất lượng tôm giống thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh thì nay tại khu vực này đã có gần 100 cơ sở (trong đó có 8 cơ sở của doanh nghiệp nước ngoài) với 344 trại/5.834 hồ nuôi ấu trùng, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 10 - 12 tỷ tôm post, chiếm 35 - 40% lượng giống của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 3 vùng sản xuất tôm giống, đó là: Khu sản xuất tập trung An Hải, Nhơn Hải và một số khu vực khác như Khánh Hội, Tri Hải (Ninh Hải), ven biển Ninh Chử và xã Cà Ná (Thuận Nam), với 450 cơ sở/1.400 trại sản xuất, tổng công suất bể ương gần 100.000m3. Chỉ tính riêng tại khu sản xuất tập trung An Hải, trong 5 năm 2011 - 2015, toàn khu vực đã sản xuất và cung cấp cho thị trường hơn 40,5 tỷ tôm post và từ đầu năm 2015 đến nay đã sản xuất, cung cấp cho thị trường hơn 7,7 triệu con tôm post, nhờ đó không chỉ góp phần khẳng định uy tín và thương hiệu tôm giống Ninh Thuận, mà còn đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Khi nguồn tôm giống có chất lượng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nuôi tôm thương phẩm trong vùng phát triển. Hàng trăm ha ao đìa ở 2 xã An Hải (Ninh Phước) và Phước Dinh (Thuận Nam) giờ đây đã được hồi sinh nhờ nguồn tôm giống từ Khu sản xuất giống thủy sản An Hải. Anh Hà Thúc Cẩn, Phó Trưởng ban Quản lý Khu sản xuất và Kiểm định giống thủy sản tập trung An Hải, chia sẻ: Nếu những năm trước đây, cứ vào vụ nuôi, hầu hết người nuôi tôm đều lo lắng khi lựa chọn tôm giống thì nay, nhờ có các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng giống An Hải người dân đã rất yên tâm sản xuất và thực tế đã có không ít “triệu phú” nổi lên từ đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng khi sử dụng thương hiệu tôm giống An Hải.

Hiện nay, quỹ đất của Khu sản xuất tôm giống tập trung An Hải đã được các doanh nghiệp lấp đầy, nhưng tiềm năng và nhu cầu mở rộng quy mô của khu vực này còn rất lớn. Vì vậy, theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 sẽ chuyển đổi toàn bộ 250ha diện tích đang nuôi tôm thịt quanh khu vực An Hải sang nuôi tôm giống nhằm đưa Trung tâm sản xuất tôm giống An Hải trở thành thương hiệu quốc gia. Phấn đấu đến năm 2020, sản lượng tôm giống đạt 21,3 tỷ con post, giá trị sản xuất đạt 936 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,8% của ngành nông nghiệp.

Đây chính là con đường cần thiết giúp huyện Ninh Phước nói riêng và tỉnh ta nói chung cụ thể hóa hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển, nhằm xây dựng và đưa thương hiệu tôm giống Ninh Thuận trở thành trung tâm giống thủy sản chất lượng cao của cả nước trong những năm tiếp theo.


Related news

Tạo Dựng Thương Hiệu Lúa Giống Tân Phú Bằng Chất Lượng Hạt Giống Tạo Dựng Thương Hiệu Lúa Giống Tân Phú Bằng Chất Lượng Hạt Giống

Những năm gần đây, ngoài sản xuất lúa hàng hóa, nông dân huyện Cai Lậy (Tiền Giang) còn nhân rộng mô hình sản xuất lúa giống. Những nông dân có điều kiện về đất đai, tâm huyết với nghề đã tập hợp, liên kết để cùng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cung ứng lúa giống cho thị trường.

Sunday. February 2nd, 2014
Hà Tĩnh Khắc Phục Sự Cố 95,5 Tấn Giống Lúa Không Nảy Mầm Hà Tĩnh Khắc Phục Sự Cố 95,5 Tấn Giống Lúa Không Nảy Mầm

Bước vào sản suất vụ xuân 2014, tỉnh Hà Tĩnh đã phải tập trung khắc phục hậu quả sự cố 95,5 tấn giống lúa VTNA2 có tỷ lệ nảy mầm không đạt tiêu chuẩn do Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An cung ứng.

Sunday. February 2nd, 2014
Cơ Giới Hóa Trong Sản Xuất Mía Giúp Tăng Hiệu Quả Sản Xuất Cơ Giới Hóa Trong Sản Xuất Mía Giúp Tăng Hiệu Quả Sản Xuất

Sau khi thí điểm sử dụng 2 máy nâng xếp mía, năm 2013, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã đưa vào vận hành máy làm đất mía. Cùng với vụ thu hoạch mía 2013 - 2014, Dự án Cơ giới hóa trong sản xuất mía ở huyện đã cho thấy hiệu quả bước đầu.

Sunday. February 2nd, 2014
Hoà Mỹ Phát Triển Mô Hình Tôm Lúa Hoà Mỹ Phát Triển Mô Hình Tôm Lúa

Từ sau chuyển dịch cơ cấu sản xuất năm 2001, nông dân xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau) thực hiện mô hình lúa - tôm kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Qua thời gian “con tôm ôm cây lúa” đã chứng minh hướng đi đúng đắn trên bước đường chuyển dịch sản xuất.

Sunday. February 2nd, 2014
Yên Thế Xây Dựng Thương Hiệu “Chè Sạch” Yên Thế Xây Dựng Thương Hiệu “Chè Sạch”

Chè là một trong 6 cây trồng chủ lực nằm trong định hướng phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện Yên Thế (Bắc Giang). Những năm gần đây, huyện đã từng bước mở rộng diện tích, chú trọng xây dựng thương hiệu “chè sạch”.

Sunday. February 2nd, 2014