Nuôi Cá Lăng Ở Đồng Nai Thu Lãi Cả Tỉ Đồng

Những ngày qua, hàng trăm hộ nuôi cá tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) phấn khởi khi cá lăng đang vào mùa thu hoạch được giá cao.
Các thương lái đến tận các làng cá thuộc phường Tân Mai, Tam Hiệp, Thống Nhất… để thu mua với giá 70.000-120.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng so với năm ngoái. Nhìn chung, đợt cá lăng lần này phát triển tốt và đạt năng suất cao, bình quân mỗi bè lãi từ 500 triệu đến vài tỉ đồng.
Anh Lê Văn Liên, ngụ phường Tân Mai, cho biết: “Sau một năm chăm sóc, tôi vừa mới thu được 10 tấn cá lăng trừ mọi phí lãi gần 1 tỉ đồng. Ngoài tôi, còn có hộ của ông Lê Tâm ở phường Tam Hiệp lời đến 5 tỉ đồng”.
Theo anh Lên, để nuôi cá lăng không cần phải bỏ nhiều công chăm sóc, mỗi ngày chỉ cho cá ăn 2 buổi gồm sáng và chiều và để cá phát triển tự nhiên.
Hiện tại, giống cá lăng đang được rất nhiều nhà hàng, quán ăn tại TP HCM, Đà Nẵng và các tỉnh khu vực miền Bắc ưa chuộng. Một số thương lái thu mua cho biết đợt cá thu mua lần này được vận chuyển đến TP HCM và Bình Dương để tiêu thụ nhưng vẫn không đủ để cung ứng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm ngoái hàng chục hộ nuôi cá bé phải điêu đứng vì cá chết hàng loạt vì nguồn nước bị ô nhiễm. Đợt trúng đậm cá lăng lần này sẽ giúp các hộ có tiền trả nợ, tiếp tục bám nghề nuôi cá truyền thống trên sông Đồng Nai.
Related news

Sau 3 năm thực hiện, dự án “Chăn nuôi bò thịt bán chăn thả trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang” do kỹ sư Hồ Văn Sơn, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phụng Hiệp, làm chủ nhiệm đã mang lại nhiều kết quả đáng kể.
Do biến động giá cao su giảm sâu trong thời gian qua nên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam điều chỉnh giảm diện tích trồng mới năm 2015 tại các doanh nghiệp thực hiện dự án tại các tỉnh Tây Bắc, trong đó có tỉnh Điện Biên. Nhưng, dù kế hoạch giao trồng mới giảm nhiều so với những năm trước, doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện.
Có dịp trở lại xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ vào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay từng ngày của mảnh đất trước đây còn gặp nhiều “gian khó”. Phóng tầm mắt dọc hai bên đường những ngôi nhà mới khang trang mọc lên san sát nhau tạo nên khung cảnh trù phú, yên vui.

Liên tiếp phải ngưng sản xuất đến 4 vụ do nắng hạn kéo dài, từ tháng 8 năm 2014 đến nay, do vậy, đối với người dân vùng hạn trong tỉnh Ninh Thuận là phải làm mọi cách để bảo vệ đàn gia súc, nguồn thu nhập chính đối với kinh tế gia đình. Cách hiệu quả nhất lúc này đang được nhiều hộ chăn nuôi bò, dê, cừu áp dụng là tận dụng triệt để phụ phẩm nông nghiệp, kết hợp với trồng bắp, trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn xanh cho đàn gia súc.

Nhằm bảo đảm an toàn và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên đàn vật nuôi, ngay từ đầu năm 2015, Chi cục Thú y đã chủ động điều phối lịch tiêm phòng cho đàn vật nuôi trong tỉnh Long An. Lũy kế từ đầu năm đến nay, ngành đã tiêm phòng 81.569 liều vắc-xin lỡ mồm long móng (LMLM) trên gia súc; 25.484 liều vắc-xin PRRS (tai xanh) trên heo và 4.254.606 liều vắc-xin cúm gia cầm. Đồng thời, chi cục chỉ đạo các trạm thú y tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tiếp tục tiêm phòng vắc-xin LMLM trên gia súc và vắc-xin cúm trên gia cầm.