Kinh Nghiệm Trồng Đậu Tương
Năm nay, mùa mưa đến trễ và mưa đầu mùa ít nên nhiều nơi trong tỉnh vẫn chưa thể xuống giống lúa, bắp hè-thu. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời điểm này xuống giống lúa đã muộn, vì vậy bà con nên chuyển qua trồng đậu nành, đậu xanh... vừa giúp cải tạo đất, cắt mầm bệnh tránh hạn cho vụ mùa. Đậu nành dễ trồng, song để có năng suất cao, bà con áp dụng một số phương pháp sau:
1/ Chọn giống
- Chọn các loại giống có triển vọng cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 70-80 ngày như: MTĐ 176, OMĐN 1, ĐT 2000, ĐT 2006. Với các giống trên, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật năng suất có thể đạt 2,5-3 tấn/hécta.
2/ Chuẩn bị đất trồng
Trồng đậu nành có 2 cách làm đất, không làm đất:
- Không làm đất: Trồng trên nền đất lúa cần đốt gốc rạ và cỏ trước khi gieo sạ. Nếu gieo hạt bằng cách tỉa lỗ, nên sử dụng chày có đường kính 2cm làm lỗ trước khi gieo. Cách này ruộng phải thoát nước tốt khi có mưa nhiều.- Làm đất: Xới đất cho tơi xốp, cứ 5m đào rãnh sâu 30cm và rộng 20cm để giúp cho việc tưới tràn thuận lợi và thoát nước tốt khi mưa nhiều.
3/ Gieo hạt
- Nếu trồng đậu nành theo cách chọc lỗ, mỗi lỗ bỏ 2-3 hạt, khoảng cách giữa các lỗ là 10cm, khoảng cách giữa các hàng 40cm. Lượng hạt giống cần cho phương pháp trồng bỏ lỗ là 60-70kg/hécta. Sau khi gieo hạt, dùng rơm phủ kín mặt ruộng để giữ độ ẩm, hạn chế cỏ dại phát triển, giảm công tưới và hạn chế xì phèn từ lớp đất dưới lên và giữ được lớp đất mặt không bị nén khi tưới. Ngoài ra, dùng rơm phủ, sau vụ đậu nành đất sẽ có thêm một lượng phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng vụ sau.
- Để giảm bớt công lao động, nhiều nông dân dùng máy sạ đậu sạ theo hàng. Tuy nhiên, sạ hàng mật độ cây thường phân bố không đều nên khi làm cỏ, bón phân gặp khó khăn hơn.
4/ Chăm sóc
- Tưới nước: Giai đoạn đầu cây đậu nành còn nhỏ chỉ nên tưới bằng vòi hoa sen. Khi cây được 15-20 ngày có thể tưới tràn. Khi tưới tràn không nên để rãnh đọng nước nhiều, cây sẽ sinh trưởng yếu và dễ phát sinh một số loại sâu bệnh. Đặc biệt, giai đoạn gần thu hoạch thường có mưa nhiều, bà con thường xuyên đi khơi các rãnh cho nước thoát nhanh, tránh ứ đọng nước trong ruộng sẽ làm hư trái. Cây đậu nành chịu hạn rất tốt nên nếu trời nắng thì 6-7 ngày mới tưới một lần.
- Làm cỏ: Sau khi rải hạt giống, dùng thuốc trừ cỏ Dual 720 EC để phun diệt cỏ suốt vụ. Liều lượng sử dụng là 1-1,2 lít/hécta. Nên phun thuốc diệt cỏ trước khi phủ rơm. Nếu trồng trên đất lúa, sau gieo hạt được 10-15 ngày nếu có nhiều lúa mọc lên bị rầy di chứng từ vụ lúa trước dùng thuốc Onecide hoặc Nabu để diệt.
- Bón phân: 1 hécta đậu nành bón khoảng 100-110kg phân ure, 200-250kg phân lân và 60kg kali. Toàn bộ phân lân bón lót trước khi gieo trồng. Còn phân ure chia làm 3 lần bón cho cây. Lần 1 khi cây được 7 ngày bón khoảng 30-35kg ure. Lần 2 là lúc cây 15 ngày bón 50kg ure và lần thứ 3 bón hết số ure còn lại khi cây được 30 ngày. Phân kali bón làm 2 lần, lần 1 khi cây được 15 ngày bón 1/2 lượng kali, lần 2 bón hết vào trước khi cây ra hoa. Ngoài các loại phân bón trên, nếu có điều kiện, nông dân bón thêm khoảng 300-350kg vôi bột/hécta (bón lót với phân lân) để diệt một số mầm bệnh trong đất và giúp cây hấp thụ các loại phân bón tốt hơn.
5/ Thu hoạch
- Khi thấy đa số trái đã chuyển sang màu xám hoặc đen là hạt đã chín già, có thể thu hoạch. Không nên để trái chín quá, khi thu hoạch trái sẽ bị nổ làm hạt bị thất thoát. Trước khi thu hoạch khoảng 5 - 7 ngày dùng dung dịch nước muối (pha 4kg muối hạt trong 32 lít nước và phun cho 1.000m2) để làm rụng bớt lá đậu nành. Dùng nước muối pha loãng phun trước khi thu hoạch đậu nành đỡ công thu hoạch, vận chuyển, công phơi và lá đậu nành rụng xuống ruộng để lại cho đất một lượng phân hữu cơ rất lớn.
- Có thể dùng máy tuốt lúa để ra hạt đậu nành, loại bỏ các hạt sâu, lép, tạp chất rồi phơi khô hoặc sấy còn độ ẩm khoảng 12-13%. Trường hợp dùng phương pháp thủ công để ra hạt thì phơi thật khô cả cây và quả để tỷ lệ hạt thất thoát ít và dễ bảo quản.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, mùa mưa năm 2010 trong tháng 6, 7, 8 vẫn có những thời điểm hạn kéo dài gần một tuần và lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm. Do đó, theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, những vùng dùng nước trời sản xuất lúa nếu chuyển đổi được, nông dân nên chuyển qua trồng đậu nành để giảm chi phí trong khi lợi nhuận thu được cao gấp 2 lần trồng lúa. Hiện nay, đầu ra của cây đậu nành khá thuận lợi, tổng sản lượng đậu nành trong nước chỉ đáp ứng được một lượng nhỏ còn đa số phải nhập khẩu.
Related news
Cây đậu tương là cây thực phẩm có hiệu quả kinh tế lại dễ trồng. Sản phẩm từ cây đậu tương được sử dụng rất đa dạng như dùng trực tiếp hạt thô hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa đậu nành, okara... đáp ứng nhu cầu đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày của người cũng như gia súc.
Khi bón phân cho đậu nành, người trồng phải chia ra làm nhiều đợt, với liều lượng chung là 30 – 35 kg phân bón, gồm : ure, DAP và Kali cho 1000 m2. Theo khuyến cáo, người trồng nên bón lót phân lân trước hoặc ngay sau khi gieo sạ. Số lượng phân còn lại chia làm 3 hoặc 4 lần bón, tùy theo điều kiện đất đai và nhu cầu của cây trồng.
Sâu xanh da láng (Spodoptera exigua), một trong những dịch hại chính trên đậu phộng (lạc), thuộc họ Ngài đêm (Noctuidae), bộ cánh vẩy (Lepidoptera). Đây là loại sâu đa thực, cắn phá trên nhiều loại cây trồng như đậu, hành, đậu nành, cà chua, bông vải…
Đậu tương đông trên đất sau lúa mùa là cơ cấu cây trồng quan trọng có tác dụng cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập, tăng công ăn việc làm cho bà con nông dân...
Trồng đậu nành luân canh lúa ở ĐBSCL hiện nay được Nhà nước khuyến khích nhằm giảm sản lượng trồng lúa, tăng nguồn nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản.