Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Ong Lấy Mật
Nuôi ong lấy mật không phải là nghề mới ở Bắc Ninh. Trong nhiều năm qua, nghề này chưa có bước phát triển đáng kể bởi những người nuôi ong trong tỉnh chủ yếu vẫn nuôi với hình thức nhỏ lẻ, sản phẩm để phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Vài năm gần đây, diện tích vườn đồi, rừng và trang trại trồng trọt của tỉnh đã tăng lên đáng kể, cây cối phát triển xanh tươi, trong đó có nhiều loại cây là nguồn mật cho ong... Một số hộ nông dân tại các địa phương như Phật Tích, Việt Đoàn (Tiên Du), Nam Sơn (T.P Bắc Ninh) và Tân Lãng (Lương Tài)... đã biết tận dụng cơ hội phát triển nghề nuôi ong và đem lại nguồn thu nhập cao, trong khi chi phí đầu tư không lớn.
Về Lương Tài, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong của anh Nguyễn Văn Sinh, thôn Hương La (xã Tân Lãng) một hộ nuôi lâu năm và có số lượng đàn ong lớn trong tỉnh. Anh Sinh đến với nghề nuôi ong một cách rất tình cờ, năm 1992 từ một cơn đau dạ dày anh phải dùng mật ong để chữa căn bệnh của mình và được một người thân giới thiệu anh đã bắt đầu nuôi ong lấy mật. Lúc đầu anh chỉ nuôi 2 thùng để lấy mật phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Chưa có kinh nghiệm anh mua đường phên về cho ong ăn, ong chết nhiều, nhiều khi luống cuống anh bị ong đốt sưng hết cả chân tay.
Sau một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm và đọc thêm tài liệu về nuôi ong, đến nay anh nhận thấy nuôi ong lấy mật khá đơn giản, không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỷ mỉ. Hơn nữa người nuôi cần phải am hiểu về đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật, biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào.
Hiện nay, gia đình anh có 50 thùng ong, tất cả các thùng anh tự thiết kế và đóng theo hình chữ nhật. Trong mỗi thùng ong để từ 4-5 cầu ong. Anh Sinh cho biết: “Mỗi năm gia đình anh thu khoảng 600 - 700kg mật (trung bình 1,4 kg mật được 1 lít mật ong) bán với giá từ 200 - 250.000đ/lít. Ngoài ra, đến vụ đông lại cấy chúa nhân tạo và tổ chức chia đàn ong, mỗi năm anh bán 40 - 50 đàn với giá khoảng 250.000đồng/đàn nên mỗi năm tổng thu nhập cũng được 100 triệu đồng”. Nhờ nuôi ong lấy mật mà anh Sinh vừa có mật ong để chữa bệnh dạ dày, vừa góp phần phát triển kinh tế gia đình anh ngày càng khá giả sung túc.
Chia sẻ với chúng tôi về một số kinh nghiệm trong nghề nuôi ong, anh Sinh cho biết: Nuôi ong hiệu quả cao do không tốn diện tích đất, chi phí đầu tư ban đầu thấp và đặc biệt ít tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, môi trường không khí hiện nay khá ô nhiễm nên các đàn ong hay bị bệnh thối ấu trùng. Do đó, vào đầu vụ và cuối vụ thường phải cho đàn ong uống thuốc kháng sinh để phòng bệnh. Ngoài ra, cần phải thường xuyên chú ý đến việc chuyển đàn ong đến các vùng có nhiều hoa để ong hút mật. Công việc này thường phải làm trong đêm, vì khi đó đàn ong đã về tổ ngủ, không bị phân tán đàn và ít bị ảnh hưởng do thay đổi vùng khí hậu đột ngột”...
Qua thăm và xem xét, chúng tôi nhận thấy nuôi ong lấy mật là một nghề “một vốn bốn lời” bởi tất cả những sản phẩm của ong đều có thể cho thu nhập như: mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, phấn hoa... Những sản phẩm này đều có giá trị dinh dưỡng và tác dụng chữa bệnh rất tốt nên thường rất dễ bán. Trong khi đó vốn đầu tư cho việc nuôi ong không lớn, chủ yếu mất vốn ban đầu để đóng thùng, mua đàn gốc. Mặt khác, đối với các trang trại trồng cây ăn quả thì quá trình ong hút mật còn giúp cho cây ăn quả được thụ phấn tốt hơn làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây ăn quả. Do đó, việc nuôi ong lấy mật tại các trang trại, vườn đồi các vùng cây lâm nghiệp cây ăn quả là có lợi cả đôi đường...
Từ mô hình nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao của anh Nguyễn Văn Sinh, hy vọng nhiều hộ dân nhất là ở các vùng có diện tích vườn đồi, nhiều cây lâm nghiệp, trang trại trồng trọt, cây ăn quả quan tâm học tập để phát triển nghề nuôi ong lấy mật vừa tận dụng được lao động nông nhàn vừa tận dụng được nguồn hoa sẵn có để phát triển kinh tế gia đình, địa phương ngày càng giàu mạnh.
Related news
Xác định nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn cần tập trung đầu tư phát triển, tỉnh Bạc Liêu đã kêu gọi các doanh nghiệp, công ty đầu tư vào lĩnh vực này.
Dự án nuôi cá tầm thương phẩm được triển khai giữa năm 2013 ở lòng hồ C-thủy điện Vĩnh Sơn (xã Đak Rong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) do Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kbang làm chủ dự án.
Ngày 23/9, tại thành phố Rạch Giá, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển sản xuất tôm - lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Từ đầu năm đến nay, các cơ sở cá giống trong tỉnh Thái Nguyên đã sản xuất được 500 triệu con cá bột, 47 triệu con cá giống các loại, đáp ứng khoảng 86% nhu cầu về giống cho chăn nuôi thương phẩm trong năm nay.
Thời gian qua, các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất.