Xuất Khẩu Trái Cây Hy Vọng Ở Vụ Nghịch
Các nhà xuất khẩu trái cây Việt tìm cách lách vào thị trường nước ngoài qua vụ nghịch để tránh cạnh tranh trực tiếp với trái cây các nước trên thị trường thế giới, tuy nhiên, điều này dễ dẫn tới bảo hòa của thị trường trái cây.
Chiến lược nghịch vụ
New Zealand cấp phép nhập khẩu cho xoài Việt Nam từ năm 2012. Đầu năm nay, Công ty TNHH Rồng Đỏ đã xuất khẩu thử nghiệm một tấn xoài đi thị trường này. Đây là giống xoài Úc được đưa về trồng ở Việt Nam vì xoài cát Chu, cát Hòa Lộc của Việt Nam mặc dù được đánh giá ngon hơn nhưng giá cao và không hợp với khẩu vị của người tiêu dùng New Zealand nên doanh nghiệp phải nhập giống xoài Úc về trồng và xuất khẩu. Chưa kể chi phí vận chuyển của xoài Úc cũng thấp hơn xoài Việt Nam do khoảng cách địa lý.
Chiến lược chính của các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam chủ yếu là tranh thủ xuất khẩu nghịch vụ. Ở trường hợp của trái xoài, do thời điểm trồng xoài Úc với Việt Nam khác nhau nên cũng tránh được cạnh tranh trực tiếp với xoài Úc, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ cho biết.
Một trường hợp khác là trái chôm chôm, sau thanh long, chôm chôm là mặt hàng trái cây tươi tiếp theo được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp mã số xác nhận vùng trồng đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vào thị trường Mỹ vào năm 2011. Tuy nhiên, chôm chôm chính vụ Việt Nam cũng không thể cạnh tranh với mặt hàng này mà Mỹ nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia và đặc biệt là từ Mexico và Guatemala có lợi điểm rất gần nơi tiêu thụ, chi phí vận chuyển và bảo quản thấp, chôm chôm tươi tốt và giá rẻ.
Sản phẩm nghịch vụ một lần nữa trở thành lối ra cho các nhà xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam. Đến nay, số lượng xuất khẩu chôm chôm vẫn duy trì ổn định ở mức 300 tấn/năm.
Khi thị trường bão hòa
Đánh giá về khả năng tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng trái cây trong thời gian tới, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật) cho rằng các mặt hàng trái cây xuất khẩu sẽ chỉ dừng lại ở giai đoạn mở cửa và thâm nhập thị trường chứ khó thực hiện được sự tăng trưởng đột phá nếu thiếu chiến lược dài hạn.
“Thái Lan từng là một đối thủ mạnh của chôm chôm Việt Nam ở thị trường Mỹ với sản lượng ổn định 500 tấn/năm, nhưng từ chỗ xuất khẩu chính vụ, họ đã bị chôm chôm Nam Mỹ đánh bại, phải chuyển sang xuất khẩu trái vụ và sau đợt thiên tai ở nước họ cách đây mấy năm, xuất khẩu của họ hầu như bị đình đốn. Đó là bài học cho Việt Nam”, ông nói.
Theo đánh giá của ông Đạt, xuất khẩu thanh long sang Mỹ cũng sẽ ngang ngửa năm ngoái, ở mức 1.200 – 1.300 tấn, và chôm chôm khoảng 300 tấn.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thanh long vào thị trường EU lớn nhất hiện nay cho biết để xuất khẩu loại trái này vào thị trường EU, thanh long cần phải trải qua kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khá ngặt nghèo. Mỗi tuần doanh nghiệp này chỉ xuất khoảng 3 - 5 container (1 container khoảng 20 tấn) sang thị trường EU.
Trái cây được các nhà nhập khẩu bán lại cho các nhà phân phối, chuỗi siêu thị. Tuy nhiên, mỗi siêu thị mỗi tuần chỉ tiêu thụ khoảng một vài thùng thanh long từ 15 - 20kg. “Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là Việt kiều thôi chứ người dân bản xứ không thích ăn loại trái này”, ông nói.
Ông Nguyễn Hữu Đạt cho hay dù là thị trường nào thì đối tượng khách hàng chính của trái cây xuất khẩu vẫn là cộng đồng Việt kiều hoặc người châu Á. Đến một ngưỡng tiêu thụ nào đó của nhóm khách hàng này, xuất khẩu sẽ đứng lại, đó là lý do xuất khẩu trái cây Việt Nam qua một vài năm nay chưa có sự bứt phá nào đáng kể.
Theo tổng hợp của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đạt 576 triệu đô la Mỹ, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 26,5% xét về kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là Nhật với tỷ trọng 6,8%, xếp thứ 3 là thị trường Mỹ với tỷ trọng 5,3%.
Related news
Nhờ đẩy mạnh công tác cải tạo vườn tạp mà nhiều hộ dân ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy đã tăng thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình. Đây là động lực giúp cho người dân tiếp tục chuyển đổi số diện tích còn lại.
Thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Phú Yên đã tập trung đầu tư cho “tam nông”, tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân trên địa bàn tỉnh có vốn sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống.
Giá heo hơi trên thị trường đang tăng cao, kéo giá heo thịt tăng từ 10 đến 15% so với tháng trước. Nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh bắt đầu cho tái đàn, sau một thời gian dài “treo” chuồng hoặc nuôi với số lượng ít.
Lãnh đạo UBND huyện Sông Hinh cho biết, mủ cao su trồng tại huyện được các thương lái mua với giá 11.000 đồng/kg mủ đông, giảm 5.000 đồng/kg so với năm trước và chỉ bằng 1/3 giá mủ của năm 2010.
Tháng 07/2013, mặc dù trên biển Đông xuất hiện cơn bão số 2, có tên quốc tế là Rammasun, với cường độ mạnh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khai thác hải sản của ngư dân các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, cũng như người nuôi tại một số tỉnh,. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cơn bão chưa gây tác động nhiều đến kết quả sản xuất trong tháng.